22/4/15

Tài năng và văn nghiệp


Tháng 8 năm ngoái tôi bắt đầu đọc “Đại Đường Song Long truyện” của Huỳnh Dị.  Ngọc Diện Hồ, Đả Cẩu Bổng và nhiều dịch giả khác cùng dịch. Sách lấy từ  http:// vnthuquan.net  copy về Amazonkindle. Trang Kindle kích cỡ 9x12, mỗi hàng 8-9 chữ, mỗi trang 20 hàng, size chữ 13, trung bình mỗi trang 170 chữ. Được giới thiệu là sách hay nên tôi thử đọc dẫu rằng nghe nói sách giấy in ra trên 70 tập, chỉ nhìn mục lục chiếm 50 trang với 800 hồi đủ thấy ngán nhưng biết rằng Huỳnh Dị là tác gia Hồng Kông viết truyện kiếm hiệp khá ăn khách nên cố đọc và càng đọc càng thấy thích. Tôi đã viết hai notes trên FB về tác phẩm này mỗi khi đọc thấy vài điều thú vị : “Mỹ nhân và đại nghiệp” (11/2014),“Tu hành và đế nghiệp” (12/2014).
Sau hơn 7 tháng, chiều nay trang sách cuối cùng đã gấp lại mới thấy mình vượt qua một chặng đường dài đi theo các nhân vật của tác phẩm, đôi lúc cùng yêu thương, giận hờn, lo lắng, thậm chí căm thù cùng họ. Nghĩ  lại cũng thấy vui và ngồi tính xem mình đã đọc tất cả bao nhiêu trang sách này? (Tôi có thói quen đã đọc sách mình chọn thì đọc hết câu hết chữ, không đọc lướt, có lẽ vì tôn trọng tác giả và dịch giả). Kindle không đánh số trang mà chỉ ghi bên dưới phần trăm nội dung đọc được. Thử đếm % đầu tiên thì thấy đã chiếm hết 292 trang. Tính ra mình đã đọc > 29.000 trang sách trên Kindle! Lấy số này nhân với  170 chữ/trang thì cũng là con số khá lớn! Hihi.


Không có một tài năng thiên bẩm, một trí tuệ uyên bác, một công phu hàm dưỡng lớn lao và một cố gắng tra cứu, sưu tầm sách báo, tài liệu thì tác giả không thể viết được một tác phẩm đồ sộ cỡ này mà những kiến thức trong đó như về các kiến trúc “đền, đài, điện, các (gác)” ở Trường An không thể mô tả hoặc hư cấu  tỉ mỉ đến như vậy, về Phật giáo và Đạo giáo qua lời giảng của các cao tăng và đạo sư khi dung hợp giữa Phật gia, Đạo gia và kiếm pháp không thể  phù hợp đến như vậy! Những suy niệm về triết lý, lời dạy về tôn giáo, thông điệp về tình người.. bàng bạc trong từng chương hồi của tác phẩm. Nhờ kết cấu logic nên những nút thắt từ lớn đến nhỏ được tháo dần, vài giải quyết sự kiện và số phận nhân vật chưa hợp lý nhưng nếu là giải trí thì kết cục tác phẩm đầy chất “happy end” cũng chấp nhận được!


Tiếc rằng, không như sách giấy để có thể thấy thích chỗ nào thì làm dấu chỗ ấy nên đôi lúc đọc ở phòng fitness khi đạp xe buổi sáng, muốn ghi lại cũng không có giấy bút, đành bỏ qua nhiều ý, nhiều đoạn, nhiều bài thơ cổ rất hay. Dù sao cũng chép lại đây một số điều ghi nhận được.
1.Hiểu lòng Tử Lăng đối với mình (nhưng là đệ tử của Từ Hàng Tịnh Trai, vừa lo lắng việc tu hành, vừa muốn ngăn chận can qua để giảm bớt chết chóc cho dân chúng như đã nói đến trong những bài trước), nên khi gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách để theo lý tưởng của mình, Tử Lăng vẫn có ý muốn đi xa hơn trong quan hệ với nàng và lo ngại lần chia tay này không chừng hai người sẽ ở hai chiến tuyến ngược nhau sẽ phá vỡ quan hệ tốt đẹp đã có giữa họ, Sư Phi Huyên nói với Từ Tử Lăng :
“Tức tâm tức Phật, tâm Phật chúng sanh, bồ đề phiền não, danh dự thế nhất, tam giới đại đạo, duy tự tâm hiện, thủy nguyệt kính hoa, khởi hữu sanh diệt? Nhữ năng tri chi, vô sở bất thị”
Tạm dịch: Tâm tức là Phật, tâm của Phật là chúng sinh, gạt bỏ phiền não, có danh hay không cũng như nhau thôi, tam giới đại đạo đều chỉ do tâm mà hiện, trăng dưới nước, hoa trong kính làm sao có sinh ra hay mất đi. Chỉ cần hiểu được thì không phải lo gì nữa!  (Amazon Kinle 46%)
2. Khi Từ Tử Lăng và Khấu Trọng hoàn thành việc giúp đỡ người Túc Mạt khỏi nạn xâm lăng của Hiệt Lợi, đại hãn của người Đột Quyết vùng tái ngoại, về lại Trung thổ, Khấu đi thăm Đậu Kiến Đức, một vị vương rất muốn lôi kéo  Khấu, Từ về phe mình trong sự nghiệp tranh bá cùng Lý Thế Dân và các thế phiệt khác bên Tàu sau khi Tùy Dạng Đế Dương Quảng bị phế, một lần nữa Đậu Kiến Đức lại thuyết phục Khấu Trọng, trong lúc Đậu tham khảo ý kiến Khấu Trọng về việc tấn công thành Lê Dương làm bàn đạp tấn công Lạc Dương, Đậu Kiến Đức  nói: “…Cứ nhìn lại lịch sử mà xem, ai có thể so với Thủy Hoàng Doanh Chính về võ công và bá nghiệp? Nhưng Đại Tần đến đời thứ 2 đã diệt vong, đó là vì không ngừng làm hại dân tình. Ngược lại, Hán Cao Tổ Lưu Bang xuất thân từ lưu manh nhưng lại làm thành Đế nghiệp Hán gia, sau đó dùng văn để trị, Quang Vũ trung hưng làm toàn thể Trung Thổ hưng thịnh một thời, khoáng cổ tuyệt kim…” (Amazon Kindle 71% hồi 565). Ý  này  có thể nhìn nhận như một bài học lịch sử!
3. Khi Từ Tử Lăng đến học nghề cầm đồ với Trần Phủ ở tiệm cầm đồ Đổ Phúc để muốn đóng giả thành ông chủ Tư Đồ Phúc Vinh trong việc tiêu diệt gia đình kinh doanh thanh lâu đổ bác “người người căm hận” là Hương Quý,  anh được dạy rằng:  Kinh Vô Tận Tàng của Phật giáo có câu “Sinh lãi không ngừng, nguồn lợi vô tận” và “Nhiều hàng thì sẽ sinh lời, có thể giữ hoặc cho, hoặc để đó hoặc cầm đồ”. Thì ra, theo tác giả, nghề cầm đồ có từ thời Phật tại thế, gìn giữ những vật phẩm cúng dường. Dần dà, cúng đường ngày càng nhiều, phải bán bớt đi lấy tiền tu bổ chùa. Thực hư của việc này là điều cần tra cứu.
4. Khi Khấu Trọng và Từ Tử Lăng ủng hộ Lý Thế Dân giết Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát, hạ bệ Lý Uyên (như  mơ ước và hoài bảo mà Sư Phi Huyên – Từ Hàng Tịnh Trai từng theo đuổi) và lên ngôi hoàng đế Đại Đường đồng thời  khống chế  Ma môn, ngăn chận sự xâm lăng của Đột Quyết thành công, trong lúc bàn bạc chính sự với họ Khấu, Lý Thế Dân nói: “Thiếu soái có thành tựu chấn động cổ kim như ngày hôm nay hoàn toàn là do biết cách dùng người. Dùng người thì không nghi. Trẫm cũng hiểu điều đó từ lâu nhưng đạo dụng nhân tưởng dễ mà khó. Kẻ mình cho cho là tốt chưa chắc đã thật tốt. Kẻ mà  mọi người  cho là xấu chưa hẵn xấu. Biết người tài mà không dùng tất sẽ bị mất nhân tài. Quên sở đoản của người để tận dụng sở trường của họ mới có kết quả tốt đẹp về sau. Biết người đã khó, dùng người còn khó hơn”  (Amazon Kindle 99% hồi 787).
Bốn mươi năm qua nhất là hai mươi năm sau này, bao nhiêu người lãnh đạo nhà nước Việt Nam hô hào “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” nhưng mấy ai nghĩ được  và làm được như  suy nghĩ của Lý Thế Dân (thực chất là của tác giả) mà vẫn tiếp tục theo tư tưởng “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, mấy chục năm sau 1975 vẫn tiếp tục dùng cụm từ “bọn Mỹ-ngụy” nên nạn chảy máu chất xám ở Việt Nam  tiếp tục phát triển là điều không tránh khỏi, đừng mơ chuyện hòa hợp hòa giải dân tộc!



 Bài viết này không nhằm mục đích phê bình hay điểm sách mà chỉ là ghi lại đôi điều nhân khi đọc và cũng không hy vọng có người chia sẻ với mình vì chắc sẽ ít ai đọc một bộ sách quá dài!. Tuy vậy, với cái nhìn chủ quan của mình, tôi nghĩ  văn nghiệp của Huỳnh Dị không thể tách rời với tài năng của ông và việc bỏ thì giờ để đọc cũng là…xứng đáng!

7 nhận xét:

  1. Bái phục bạn Hồng Ngọc đã đọc được một tác phẩm đồ sộ như thế qua Amazonkindle.
    Cậu con trai bu tặng ba một quyển sách điện tử như thế nhưng chưa động tay đến, thậm chí bỏ sách đâu đó không tìm thấy nữa. Bu tui hàng ngày vẫn đọc, và đọc sách giấy thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này hình như phụ thuộc vào hoàn cảnh bác Bu à. Bỏ tiền ra mua một bộ sách giải trí cỡ 80 quyển thì... dại gì. Mặc khác, HN đi đây đi đó hoài, đem sách theo là bất tiện, ở bên này lại không có sách nữa. Hihi.

      Xóa
  2. Đồng ý với kết luận của anh HN , đoạn '' Bốn mươi năm qua ... ''

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Marguerite Bangtam thiệt tinh ý. HN chỉ gửi gắm vào đây chừng đó thôi mà MB cũng thấy ra. Cám ơn nhiều lắm!

      Xóa
    2. Hihi , M cũng cám ơn anh HN .

      Xóa
  3. Cùng một ý kiến với bác Bu, tôi vẫn thích sách giấy hơn sách điện tử, bởi sách giấy đoạn nào hay dễ dàng đánh dấu, và cũng dễ tra cứu khi cần thiết. Tôi cũng đọc những sách trên mạng khi không thể. tìm được sách giấy.
    Bái phục bác HN trong chuyện đọc sách điện tử :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dĩ nhiên đọc sách giấy khi cần coi lại, cần note, cần remarquer đều được, sách điện tử thì không nhưng biết thế nào khi HN lại ở xa nơi có sách, thôi thì copy từ mạng vào, nằm dài ra đọc thôi bác NHP ơi!

      Xóa

Flags..


Flag Counter