4/12/14

Nghĩ lan man.


Hồi nửa sau thập niên 1980, anh láng giềng của tôi trong khu tập thể cũng là bạn đồng nghiệp cũ nghỉ dạy học, chuyển sang dịch thuật và biên tập cho một nhà xuất bản ở tỉnh. Anh đi làm suốt ngày, tối về nhà đọc và dịch, anh biết nhiều ngoại ngữ và sở hữu một tủ sách phần lớn là sách tiếng Anh, Pháp đồ sộ. Có lần, trong một đêm trăng sáng, tôi đi dạo trước sân, anh cũng ra ngắm trăng và khuyên tôi :“Thỉnh thoảng anh cũng nên ngước mặt nhìn lên bầu trời, anh sẽ tìm thấy ở đó nhiều điều thú vị và có thể có những nhận thức hay!” Tôi cám ơn anh và giữ trong tâm ý kiến này, thỉnh thoảng có lúc nhớ lại cũng ngước lên nhìn, không chỉ bầu trời mà “nhìn lên”, cao hơn tầm nhìn ngang thông thường.

Sau này, khi qua sống ở Bangkok, nơi tôi ở là một căn hộ tầng 39 của một chung cư 44 tầng gọi là Sky View Tower (phía ngoài là Park View Tower 17 tầng) có hai mặt tường (hướng Bắc-ĐB và Tây- TB) là kính chịu lực, do vậy, có thể nhìn cảnh quan của thành phố đến ngút mắt, mỗi lần rãnh rỗi lại phóng tầm mắt mình ra xa và đúng như anh nói, “có nhiều điều thú vị”, một trong “nhiều” đó là được nhìn thấy một khúc sông Chao Phraya rất ngắn mà từ khi đến ở nơi này tôi thường nhìn về hướng đó nhưng không thấy. Lý do là chỉ 10-15 phút khi chiều tà, lúc ánh nắng chiếu xuống làm mặt nước trên sông phản chiếu ánh sáng nên dễ nhìn thấy cùng với một chiếc cầu (mờ mờ) bắc ngang phía trên mặt sông, tôi nghĩ đó là cầu Phra Pinklao như có thể quan sát trên bản đồ.

Có thể nhìn thấy cây cầu và khúc sông ở giữa, phía trên của hình(Có thể nhìn thấy cây cầu và khúc sông ở giữa, phía trên của hình)

“Nhìn lên” bầu trời những đêm có trăng hoặc đầy sao ai cũng cảm nhận sự nhỏ bé của mình và con người (nói chung) trước vạn hữu như khi ta đứng trước một thác nước hùng vĩ, dưới chân một ngọn núi cao hoặc giữa biển cả mênh mông để rồi trong cuộc sống biết khiêm tốn khi cư xử và thận trọng khi giải quyết mọi vấn đề mình gặp. Theo một cách hiểu khác kiểu câu nói dân gian “nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình” thì “nhìn lên” là so sánh để vươn tới những ước mơ cao hơn cái đang là của mình, để cầu tiến.

Cảnh quan nhìn theo hướng Bắc-ĐB về phía Queen Sirikit Convention Center.(Cảnh quan nhìn theo hướng Bắc-ĐB về phía Queen Sirikit Convention Center.)

Cảnh quan nhìn theo hướng Tây-TB về phía Lumpini Park. 
(Cảnh quan nhìn theo hướng Tây-TB về phía Lumpini Park.)

Cũng có lúc khi “nhìn xuống”, tôi thấy những biến đổi của quang cảnh chung quanh, nơi này là Boxing Stadium nổi tiếng một thời đã được tháo dỡ, hình như do thời hạn thuê đất đã hết để rồi  không lâu sau trên mặt bằng đó đã xuất hiện một thảm cỏ tự nhiên màu xanh, nơi khác là khu đất trống, sau thời gian xây dựng, đã xuất hiện mấy dãy nhà lầu lợp ngói xám nhìn xa như một resort. Tất cả sự xuất hiện hay biến mất của một căn nhà, một công trình xây dựng hay một hàng cây trên vệ đường… tôi đều gọi là vật đổi sao dời là những biến dịch theo lẽ thường như sự thay đổi từ ngày sang đêm, từ tối đến sáng để rồi một ngày nào đó, khi ta trở lại một quán quen không còn thấy cô bán hàng quen thuộc trước đây nữa, đến một tiệm ăn thường đến cũng không thấy cô bé phục vụ rất dễ thương ở dãy bàn này ta không ngỡ ngàng và tiếc nuối để tự nhắc mình luôn nhìn sự vật hiện tượng trong cuộc đời ở thể động, theo lẽ biến dịch và xem sự chia tay với hay sự vắng mặt một ai đó cũng là lẽ thường!

Có lần sáng sớm xuống tầng 6-7 đi bộ và tập thể dục ở Jogging Room xong ra nằm dài nghỉ ngơi trên ghế xếp ven hồ tắm, nhìn lên bầu trời, những đám mây trắng bềnh bồng nhiều hình thể lững lờ bay, mặc cho trí tưởng tượng kéo ta đi, lại nghĩ đến chuyện hợp tan, tụ tán trong cuộc đời nhưng rồi lại lan man nhắc mình quan niệm về cái hiện tại của Thiền học Phật giáo: “Quá khứ là cái gì đã qua, tương lai là cái gì chưa tới nên sống là sống với cái hiện tại”!
Chiếc ghế ở bờ hồ bơi, nơi có lúc nhìn mây trời trôi lãng đãng.(Những chiếc ghế ở bờ hồ bơi, nơi có lúc nằm nhìn mây trời trôi lãng đãng.)

Thay lời mở đầu tiểu thuyết “Đôi bạn”, Nhất Linh viết “Nhặt lá bàng”, hình thức là thư viết cho một người bạn, có một câu tôi vẫn thường nhớ và hay dùng: “Xa anh, nếu tôi còn sống, được đọc văn anh”. Xa anh bạn đã lâu, có dịp ghé thăm anh lại không ở nhà nhưng vợ chồng tôi vẫn hay nhắc nhớ về gia đình người bạn láng giềng thân thiện này, không “được đọc văn anh” nhưng vẫn không quên anh khi ngước nhìn lên bầu trời và cũng nhớ cả chuyện anh nói rằng: “Qua tất cả những sách tôi được đọc (đến khoảng năm 1990-NV) quyển sách hay nhất với tôi là… Kinh Thánh!”, tôi nghĩ đến ý này mỗi khi nhìn thấy hay nhận biết về sự ngoan đạo của một tín đồ Thiên Chúa Giáo mà mình quen biết.

Nói chuyện nhìn- lên- nhìn- xuống lại nghĩ đến chuyện nhìn- xa- nhìn- gần, tôi không biết  có thể hiểu từ “nhìn” này như chữ “lự” bên tiếng Tàu được không nhưng bỗng nhớ mẹ tôi ngày xưa hay dạy mấy anh chị em câu bà từng học trong Minh tâm bửu giám: “Nhân vô viễn lự tất hữu cận ưu” (sách Luận ngữ)  人無遠慮, 必有近憂  (Người không có nỗi lo xa, ắt có mối ưu tư gần). Rồi nghĩ lại, chuyện lan man thì nhìn xa hay lo xa thì cũng giống nhau miễn là mình … biết nhìn!

12 nhận xét:

  1. Luận về bài này của bác thì mấy trang mấy quyển cũng không đủ. Nhìn lên thinh không cao vời ta có thể nghỉ tới thuyết BING BANG nguồn gốc tạo ra vũ trụ, nghĩ đến đức Phật có nói ngoài trái đất ta ở còn có vô số hành tinh khác đang xa nhau ra mà khoa học gọi là thuyết vũ trụ nở. Bác lại thấy một ngôi sao sáng chói nhưng thực ra nó đã tắt từ lâu, rồi nghiệm ra sắc sắc không không là vậy đó. Còn nhìn ngang với tầm xa bác thấy giá như các vị tìm đường cứu nước xưa kia đừng cùng mâm cùng bàn, đừng cùng đồng chí, đừng cùng chung ông tổ người Đức với mấy cha Tàu, để ngày nay không bị bọn họ khống chế, miệng nam mô bụng bồ dao găm làm dân ta khổ. Vâng, tùy cách nhìn và góc nhìn, đúng hơn là từ sự sáng suốt của tri thức để có cách nhìn cao nhìn xa cho đúng hướng....

    Trả lờiXóa
  2. HN tâm đắc với câu kết luận trong cmt này của bác Bu: "tùy cách nhìn và góc nhìn, đúng hơn là từ sự sáng suốt của tri thức để có cách nhìn cao nhìn xa cho đúng hướng....". Tuy nhiên, hiện trạng là, biết mình nhìn sai, cả "bầy" sai, từ thế hệ tiền bối sai nhưng vì tự ái, căm đầu lao theo, bỏ qua hệ quả là bao nhiêu con người ... (xin lỗi) khốn khổ, khốn nạn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng không hẳn vì tự ái , hihi , vì chuyện khác lớn lao hơn nhiều ( có một bộ phận không khốn khổ là được rồi )

      Xóa
    2. "Chuyện khác lớn lao hơn nhiều" mà MB nói không chừng là chuyện "lạ"? Hihi.

      Xóa
  3. Nhìn Bangkok qua cái lan man của bác HN, rồi nhìn lại Saigon, Hanoi..., với cái mất nhiều hơn cái được, rồi cũng nghĩ lan man như các bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN tâm đắc với nổi niềm của bác NHP nhưng nếu nhìn từ phía "bên thắng cuộc"/ lề phải thì không chừng cái "được" lại nhiều hơn cái "mất"!

      Xóa
  4. Đọc bác HN viết , M chợt nhớ ngày xưa ông cụ , ba của M cũng hay nói : " không lo xa ắt có buồn gần" , nhưng ngày nay, không biết bác H sống ở bên tê, nhìn xa xa có chiếc cầu bắc qua dòng sông đó, ra sao , chứ ở bên ni thì phải luôn tìm cách " quẳng gánh lo đi mà vui sống " bác ơi . Mà nói vậy chứ cũng chưa chắc muống "quẳng" là "quẳng" được , hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vừa rồi bác NHP viết phần đầu “Học làm người” và bây giờ MB nhắc “Quẳng gánh…” làm HN nhớ lại Dale Carnegie và thầm cám ơn ông đã có lúc nâng đỡ tâm hồn mình. Sau 1975, biết bao người đã phải Quẳng gánh VUI đi và LO SỐNG, do vậy, được quẳng gánh LO đi và VUI SỐNG âu cũng là chuyện đáng mừng. Đúng như MB nói, chưa chắc muốn quẳng là được, chuyện phải làm thường xuyên, nay một ít, mai một ít, lâu dần mới được nhiều từ những thứ thuộc về vật chất ít cần thiết đến những suy nghĩ trong đầu, tình cảm trong tim… HN gọi việc này là buông đến từ câu nói của Henry Miller, người được Phạm Công Thiện coi là bậc thầy: “I’m crazy enough to believe that the happiest man in the world is the men with fewest needs". Hihi. Y như bên nhà Phật dạy : “Càng ít nhu cầu càng gần hạnh phúc!”.
      Nói quấy nói quá cho vui MB nhé. Chúc an vui.

      Xóa
  5. "Rồi nghĩ lại, chuyện lan man thì nhìn xa hay lo xa thì cũng giống nhau miễn là mình … biết nhìn!".Rất tâm đắc với nhận định này của anh !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh em mình chừng như có chút thần giao cách cảm hay sao anh HHP à? Tối qua tôi nghĩ sáng nay vào thăm blog của anh coi như thăm anh thì sáng nay lại thấy còm của anh, thiệt vui. Mà cái vụ thần giao này bây giờ sư phụ Jack Cansfield giải thích rõ rồi, nó là “Luật hấp dẫn”, cuối tuần vui vẻ anh nhé.

      Xóa
  6. Đọc bài nầy của anh Mộc chưa biết còm gì, bỗng nhớ có bài thơ Mộc làm cách đây khá lâu, nay xin tặng anh bởi có nội dung na ná thôi. Mong anh thông cảm!

    Nhà Ở Chung Cư

    ở chung cư Phú Mỹ Hưng
    sướng nhất là cái lầu lưng lửng lầu
    không còn cám cảnh cơ cầu
    trên nền đất mẹ ví dầu con đi

    bụi một hạt nhỏ li ti
    chẳng thèm vướng cũng chẳng khi nào vờn
    trời xanh mây trắng dập dờn
    đưa mình mỗi lúc xa hơn chính mình ...

    Sài Gòn, ngày 09.04.2014
    Bình Địa Mộc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thích nhất câu kết Mộc ơi, rất có hồn! Sắp tới HN sẽ post bài viết về Hòn Kẽm- Đá Dừng. Mộc biết chỗ này không?

      Xóa

Flags..


Flag Counter