26/9/14

Có những khóa giảng.



 Anh bạn tôi hình như  sau nhiều năm mới vào FB của tôi, lại khó tính khi viết cmt trong note trước của tôi rằng sao không nói gì khác khi về Huế mà nói chuyện ăn? Anh quên rằng:”có thực mới vực được đạo”, tôi đã nói chuyện “thực” rồi, bây giờ xin chìu anh mà nói chuyện “đạo”.
 
1. Chuyện là hôm mới về đến Huế, cơm tối xong “hai cấy dôn” rủ nhau đi bộ ra đường Bạch Đằng nhìn cảnh trí ở đây và phía Mang Cá bên kia sông Đông Ba, thấy trong chùa Thế Long (sau lưng trường Tiểu học Thế Lại, bây giờ là Tiểu học Ngô Kha chỉ cách nhà chừng 150m) đèn sáng trưng, một đạo tràng đang hoạt động, có khoảng hơn mười người đang tụng kinh, vợ tôi đi vào nhìn quanh, chiều hôm sau đi chơi về, ghé lại thăm hỏi và tối sau đó đến chùa đọc kinh.
Thế Long là tên ngôi chùa nhỏ có thể xếp vào hàng chùa cổ của làng Thế Lại thượng nếu nhìn vào kiến trúc và cổng tam quan, bút tích còn lại cho thấy chùa được xây dựng thời Minh Mạng (1821- 41). Năm ngoái, khi về Huế, ghé thăm người bạn được biết vợ bạn là người đứng ra quyên góp tiền bạc trùng tu chùa này mà thời gian, mưa nắng đã làm xuống cấp, hư hại, gần như không có người nhang khói. Sau trùng tu, chùa ngày càng khởi sắc, Phật tử trong vùng quy tụ về, ngoài những hoạt động Phật sự, kinh kệ hằng đêm và đặc biệt vào các ngày rằm, mồng một, các ngày lễ lớn còn có các lễ thí thực, những Phật tử có điều kiện còn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội trong thành phố.
Chánh điện chùa Thế Long
Cúng thí thực trước sân chùa

2. Ngày sau, chúng tôi được bạn mời đi phát quà từ thiện ở Tịnh thất Quan Âm, đạo tràng khiếm thị Từ bi trên đường Lê Ngô Cát, con đường qua Nam Giao đi về hướng chùa Từ Hiếu, lăng Tự Đức. Quà là những bì thư tiền do hai vợ chồng anh bạn vận động trong bà con, bạn bè qua tiếp xúc và cả trên Facebook tặng cho trên khoảng 60 người khiếm thị từ các xã lân cận thành phố về dự các khóa giảng bốn ngày chúa nhật trong tháng.
Cổng tịnh thất khá khiêm tốn trên hẽm đường Lê Ngô Cát


Tịnh thất Quan Âm tọa lạc trên một ngọn đồi thấp với mặt bằng không rộng lắm, phòng ốc, chánh điện khá khiêm tốn nhưng tinh tươm, sạch sẻ. Hỏi thăm một sinh viên lưu trú tại đây tôi được biết rằng việc tịnh thất tổ chức các khóa giảng này cho người khiếm thị diễn ra đã 10 năm nay. Mỗi sáng chúa nhật, người khiếm thị tề tựu về, được mời ăn sáng, nghe pháp, tụng kinh A Di Đà, đi kinh hành, niệm Phật, ăn trưa, nghỉ trưa, sinh hoạt chung, lại nghe pháp, đọc kinh, ăn bữa xế và đến 16g ra về. Những người ở xa được xe 17 chỗ của Tịnh xá đưa đón, khi tập trung đông nhất, số lượng lên đến hơn trăm người, họ là những người sống tại hội người mù các địa phương, được nhà nước hỗ trợ nơi ở, ăn uống, làm các nghề thủ công như chẻ tăm, bó chỗi, dán bao bì…
Xe đưa đón người khiếm thị của Tịnh thất
Nhóm từ thiện chúng tôi đi theo có tên là Bác Siêu cũng có nguồn gốc đặc biệt. Bác Siêu là tên một mạnh thường quân có nhà ở đường Đào Duy Tử sát chân cầu Đông Ba, từ trước 1975 hàng ngày cùng hai đệ tử vác bao đi xin mỗi nhà ở các phố một ít gạo, cứ vài ba ngày lại chia cho ăn mày và những người nghèo, nghe kể bác là hậu duệ của Phạm Đăng Hưng có quan hệ ruột thịt với bà Từ Dũ, Bác qua đời trên dưới hai mươi năm nay nhưng tấm lòng và việc làm của bác được các thế hệ sau thừa kế.
Vài thành viên trong nhóm từ thiện Bác Siêu.

3. Khi chúng tôi đến Tịnh thất Quan Âm, những “tu sinh” của đạo tràng khiếm thị đang trật tự ngồi nghe giảng pháp, lúc phân phát bì thư quà tặng đến từng người, nét mặt ai cũng rạng rỡ hẵn lên, người lí nhí nói lời cám ơn, người niệm A Di Đà Phật. Sẽ rất xót lòng khi nhìn thấy nét mặt cam chịu của họ khi ngồi nghe pháp, chừng như họ liên tưởng về cuộc sống hiện tại của mình, không biết có ai suy niệm vê nghiệp báo từ vô lượng tiền kiếp của mình không nhưng khi thấy họ vịn vai hoặc dắt dìu nhau đi kinh hành, từ người trên 70 đến những cháu gái lên mười, nét mặt dãn ra luôn miệng niệm lục tự A Di Đà, thấy thương và mừng cho họ, họ đã có một nơi chốn bình an để nương tựa tâm hồn : pháp Phật.
Nghe giảng pháp.
Nhận quà.
Dắt díu nhau kinh hành...

...với niềm mong cầu về một sự giải thoát!
Mấy ngày sau, khi nói chuyện với một người bạn từng tặng quà ở đây, biết được rằng thỉnh thoảng đạo tràng này cũng nhận được quà của những hảo tâm từ các nguồn khác. Tất cả những việc này mà trên hết là được nương dựa vào cõi Phật sẽ giúp họ, những người khiếm thị thêm niềm tin vào một kiếp sống vốn dĩ đã dẫy đầy khổ đau này kể cả với những người sáng mắt và không thương tật.

Chào từ giả Thích nữ Quán Tịnh trụ trì tịnh thất, chúng tôi chỉ biết nói lời cám ơn và cầu chúc sức khỏe cho sư cô để còn tiếp tục công việc này, trong ánh mắt sư cô tôi nhìn thấy một niềm từ ái vô biên mà  việc tổ chức đạo tràng cho người khiếm thị này là vô lượng công đức. Thiện tai, thiện tai!

5 nhận xét:

  1. Thiện tai, Thiện tai!
    Khi đã có tuổi ta mới hay niềm tin tôn gíao thật cần thiết. Nhưng cũng có một niềm tin khác còn cần hơn, đó là niềm tin vào con người.
    Bác HN cùng gia đình nhỏ, gia đình lớn thật là những người có tâm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác NHP, tin vào con người thiệt khó trong xã hội chúng ta thời đại này bác ơi!

      Xóa
  2. Phật giáo ở Huế thật mạnh và thuần khiết hơn HN nhiều... Thật trân trọng những cố gắng của Thích nữ Quán Tịnh trụ trì tịnh thất này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Toro đã vào đọc. Cũng khó mà so sánh, ở Huế cũng không phải không có những chùa đi ngoài mục tiêu và giáo lý đạo Phật, sư tăng cũng không thiếu những người "mượn đạo tạo đời" nhưng chắc chắn là mức độ "quốc doanh hóa" ít hơn HN! Hihi.

      Xóa
  3. Thiện tai thiện tai "Nam mô adi đà phật" cầu chúc cho mọi người an lành

    Key : vinaphone khuyen mai - nap tien dien thoai - nap the zing - khuyen mai vinaphone

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter