21/11/13

Tản mạn về hai chữ “bình thường”.



1. Hồi cuối 1970’s, vợ chồng tôi dạy học ở một trường Vừa học vừa làm miền núi. Thầy trò đều ở trong trường, một buổi làm (hồi ấy gọi là đi sản xuất) một buổi học , học trò có tiêu chuẩn như cán bộ giáo viên. Trường có cả  cấp hai lẫn cấp ba, đi lao động là giữ bò, là trồng mía, sắn, bắp…tùy thời vụ. Do cùng ở giữa rừng, xa thị xã thành phố, sống cực khổ nên thầy trò rất gần gũi, thương yêu nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi thứ kể cả những viên thuốc trị bệnh đem theo khi có người cần.
Trường khai giảng năm đầu tiên chỉ một lớp 8, một lớp 9 và 2 lớp 10 với chưa đầy một trăm học sinh.  Tháng sau có một giáo viên Anh văn, anh Trương Minh Chánh, tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn lên dạy, bao cả môn Anh văn toàn trường . 
Anh là dân đọc sách, có phong cách như một triết gia, nói gì ra cũng mang đầy tính triết lý. Hay bỏ cả hai tay trong túi quần đi tới đi lui ở mọi nơi, mọi lúc. Anh cho rằng anh là người giỏi Anh văn nhất trường! Thật không sai!

Cuối mỗi học kỳ, hội đồng giáo viên họp xét hạnh kiểm (hồi ấy gọi là đạo đức) cho học sinh. Khi giáo viên chủ nhiệm được hỏi về học sinh X trả lời rằng em này là một học sinh bình thường, đi học, đi làm đầy đủ, nghe giảng và làm bài được, kính trọng thầy cô và đối xử với bạn bè bình thường, chủ nhiệm xếp loại khá. Anh đứng dậy cãi ngay: “Thế này sao lại xếp khá, xếp thế thì thiệt thòi cho học trò. Mọi thứ đều bình thường là Tốt rồi!.
Cả hội đồng ngạc nhiên vì xét theo quy chế, theo hướng dẫn của Bộ, anh dày công phân tích ví dụ sức khỏe bình thường, không ốm đau là Tốt, quan hệ bình thường là không quá thân tình nhưng không gây gỗ, không đánh nhau, được thế cũng là tốt…
Dĩ nhiên, không ai nghe anh để xếp em X loại tốt nhưng cụm từ bình thường là tốt lưu truyền mãi ở trường này. Tôi và anh sau đó đề chuyển về xuôi, mấy năm sau tôi về thăm cũng còn được nghe: bình thường là tốt. Nhiều lúc nghĩ lại thấy cũng…có lý!

2. Trước ngày vào Sài Gòn mấy anh em ngồi với nhau ở sát mép nước một nhà hàng ven sông Cái Nha Trang khi lũ thượng nguồn đang đổ về. Tôi và một học sinh cũ mà từ lâu tôi vẫn coi như bạn, cũng là friend trên blog và Facebook đến sớm. Hỏi em chuyện làm ăn, em trả lời “cũng bình thường thầy ạ!”. Nghe vậy tôi buột miệng hỏi ngay: “nghĩa là cũng như mọi năm?”, em gật đầu. Thật mừng cho em khi mà các ngành kiến trúc, xây dựng vài năm gần đây gặp nhiều bế tắc, có rất ít công trình được khai triển, vậy mà em vẫn trụ được “như mọi năm” chứng tỏ là tiếng tăm của em đã nổi khá lâu ở Nha Trang đến nay vẫn được duy trì.

Tôi kể cho em nghe chuyện về anh đồng nghiệp tên Chánh của mình rồi kết luận: bình thường là tốt. Khi đó các bạn tới thêm và chúng tôi dừng câu chuyện cả hai đều thấy đủ.

Chữ “bình thường” ở đây được hiểu đúng như trong từ điển Tiếng Việt: “không có gì khác thường, không có gì đặc biệt”.

3. Một người ở Mỹ gửi cho một người bạn đồng lứa ở Sài Gòn tấm hình dưới đây lấy trên Internet. 


 Hỏi bạn nghĩ sao, ông kia trả lời: “- Ồ ! …Khoá xe vào chân để yên tâm ngủ trưa cho … ngon lành là chuyện bình thường ở xứ nầy, đâu có gì lạ ! Bồ coi, như tôi bây giờ, trên xe đạp lúc nào cũng có ba ( 3 ) cái khoá : một cái để khoá bánh trước vô sườn xe, một cái để khoá bánh sau vô sườn xe, còn cái thứ ba là để khoá sườn xe vô cột điện. Vậy là an toàn ! Không làm vậy, nghĩa là chỉ khoá một bánh xe vô cột điện là chúng nó tháo lấy bánh xe còn lại, có khi lấy luôn cái sườn xe nữa ! Chuyện bình thường mà bồ ! Có gan, bồ về đây chơi sẽ thấy toàn là chuyện bình thường hết !

Cuối email, ông kia kết luận thế này: “Chỉ có bọn nầy, vì sống quen trong cái  môi trường bình thường " đó, là có thể đã trở thành …bất bình thường thôi! Mình biến thành" bất bình thường " mà không biết ! Đó cũng là "chuyện bình thường ", bồ à !”.

Để đáp lại, anh bạn Sài Gòn gửi cho anh ở Mỹ tấm hình chụp trước cổng một ngôi chùa ở Ấn Độ khi một người vào chùa lễ Phật khóa đôi dép của mình vào bánh xe và cho rằng nếu ở VN thì chuyện này là bất bình thường vì bình thường là, khi người Phật tử ra khỏi chùa thì …cả dép lẫn xe đều bay mặc dầu không có cánh!

 Ở Việt Nam chuyện gì lúc đầu bất thường về lâu dài đều thành bình thường cả, về sau nếu người ta gặp lại cái bình thường lúc đầu thì nó lại trở thành bất thường, từ chuyện cảnh sát giao thông phạt xe trên quốc lộ đến chuyện nhân viên các cơ quan công quyền”làm luật” khi người dân có việc đến yêu cầu, từ chuyện cơ quan làm sai gây thiệt hại cho dân không ai chịu trách nhiệm, huề cả làng, chỉ cao nhất là cảnh cáo hoặc “cho thôi giữ chức vụ” đối với  người vi phạm để rồi đưa vào một chỗ tốt hơn đến cả chuyện đánh cá trên đường phố chỉ sau một cơn mưa lớn… Tất cả đều là chuyện bình thường ở Việt Nam, một đất nước mà gần 70 năm nay, hình như chưa có cán bộ nào …từ chức vì những thiếu sót, sai sót trong công việc của mình kể cả khi…gây hậu quả nghiêm trọng!. Chả thế mà nhiều người đã đổi tên một tập truyện ký dịch của nhà văn Nga Valentin Ovechkin, “Chuyện thường ngày ở huyện” thành…Chuyện bình thường ở huyện! 


 4. Từ những chuyện nhăng nhít ở trên, chúng ta phải tìm một thứ bình thường khác: Bình thường tâm.

Sách vở Phật giáo có rất nhiều kinh kệ, bài giảng nói về ba chữ này, chỉ cần search vào Google với câu khóa là Bình thường tâm thị Đạo  ta sẽ có 14.700.000 kết quả trong 0.2 giây!  Xin trích dẫn dưới đây một vài:

- Triệu Châu đến hỏi đạo ngài Nam Tuyền. Ngài Triệu Châu hỏi ngài Nam Tuyền: “Thế nào là đạo?” Ngài Nam Tuyền đáp “Tâm bình thường là đạo”, nói theo chữ Hán là “bình thường tâm thị đạo”. Ngài Triệu Châu hỏi: “Lại có thể nhằm tiến đến chăng? Nếu nói tâm bình thường là đạo như vậy mình có thể nhằm tiến tới để được tâm đó hay không?” Ngài Nam Tuyền trả lời: “Nghĩ nhằm tiến đến là trái.” Vừa nghĩ tiến đến để đạt đạo là trái với đạo rồi. (*1)

- Tỳ kheo Viên Minh giảng dưới hình thức một bức thư:

“Con tưởng có thể vùng vẫy ra khỏi quá khứ. Con tưởng có thể hướng đến một tương lai trên giải đất bình an. Và con băn khoăn tự nghĩ "biết bao giờ mình mới được bình an" hoặc tỏ ra khẳng khái "ta nhất định phải đạt được bình an". Nhưng bằng cách ấy, con đã vô tình đánh mất cái bình an thường trụ, mà thầy gọi là cái bình thường, cái đang là hoặc cái đương như muôn thuở của chính mình. Con ơi, sao con lại cứ mãi bỏ rơi cái bình an muôn thuở của con để đuổi bắt cái sẽ là hoặc là cái bình an lý tưởng xa xăm?” (*2).

- Bài kệ Vô Tướng (tụng) của Lục tổ Huệ Năng (*3):
Tâm bình không cần giữ giới  (Tâm bình hà lao trì giới)
Hạnh trực không cần tu thiền  (Hạnh trực hà dụng tu thiền)
Ân thì nuôi dưỡng cha mẹ   (Ân tác thân dưỡng phụ mẫu)
Nghĩa thì trên dưới thương nhau   (Nghĩa tác thượng hạ tương lân)
Nhường thì trên dưới hoà mục   (Nhượng tác tôn ti hoà mục)
Nhẫn thì các ác không ồn    (Nhẫn tắc chúng ác vô huyên)
Nếu hay dùi cây ra lửa    (Nhược năng toản mộc xuất hỏa)
Trong bùn quyết mọc sen hồng `  (Nê định sanh hồng liên)
Đắng miệng tức là thuốc hay   (Khổ khẩu đích thị lương dược)
Nghịch tai ấy lời ngay thẳng   (Nghịch nhĩ tất thị trung ngôn)
Sửa lỗi ắt sanh trí tuệ   (Cải quá tất sinh trí tuệ)
Giữ quấy trong tâm không hiền   (Hộ đoản tâm nội phi hiền)
Mỗi ngày thường làm lợi ích   (Nhật dụng thường hành nhiêu ích)
Thành đạo không do thí tiền  (Thành đạo phi do thí tiền)
Bồ đề chỉ hướng tâm tìm   (Bồ đề chỉ hướng tâm mích)
Đâu nhọc hướng ngoại cầu huyền   (Hà lao hướng ngoại cầu huyền)
Nghe nói y đây tu hành    (Thính thuyết y thử tu hành)
Cực lạc chỉ ngay trước mắt   (Tây Phương chỉ tại mục tiền ).

Những bài giảng, những lời dạy trên đây há chẳng phải là nơi giúp ta tìm thấy chút bình an trong tâm hồn trong một xã hội công nghiệp mà nhịp sống ngày ngày dồn dập, nhất là trên đất nước Việt Nam, một đất nước có quá nhiều  Chuyện bình thường!

Chú thích:  
 *1. http://www.thientongvietnam.net/kinhsach-thike/dirs/xuantrongcuathien-123/unicode/p17.html
 *2. http://www.budsas.org/uni/u-vbud/vbpha396.htm
 *3. http://www.tuvienquangduc.com.au/Nepsong/04hockinh4.html






33 nhận xét:

  1. Lâu gặp lại bạn bè, hỏi thăm mà nghe trả lời "Bình thường", thế là mừng, ở xứ ta bình thường là tốt lắm rồi đó bác HN :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ NT về SG, HN nghĩ "bình thường" là thế nào cũng phải qua bên Kỳ Đồng thăm bác Hiệp, ai ngờ gặp những việc "rất bình thường" phải chu toàn, (kể cả không gọi phone thăm và cáo lỗi vì gặp Bác với HN là mong muốn tại tâm) "thế là nó thành bất thường. Tệ thiệt, mong bác Hiệp thông cảm và hẹn dịp khác bác nhé.

      Xóa
    2. Không sao bác HN, cuộc sống vô thường, đó lại là cái bình thường, nhiều khi những việc tưởng trong tầm tay, mình đã định trước lại không thành, như dân gian hay nói "Nói trước bước không qua", chỉ là chúng ta chúng ta chưa có cái "duyên" hội ngộ :-)))

      Sống tới sống lui mới ngộ ra nhiều cái... rất bình thường đó bác HN. Mấy hôm trước tôi đã định viết ít dòng với tựa "Cái lẽ thường tình" thì hôm qua đã đọc thấy cái "bình thường" của bác :-)))

      Xóa
  2. Từ "bình thường" của xã hội - chính trị Việt nam TT không dám bàn, vì bàn công khai là bất bình thường dễ bị ... lắm! TT xin nói chút về đạo phật.
    "Tâm bình thường là đạo" tức trước cảnh tâm không thấy sai đúng, có không đó là bình thường (không phải nghĩa hằng thường) tức "vô tâm". Tâm không duyên theo cảnh, nơi mắt là thấy biết, tai nghe rõ biết mà tâm không trên sự lập lý, gọi là hụê trong hụê có định. Tâm không duyên (chạy loạn) theo cảnh nên nên trong định có hụê. Định hụê song tu, hay theo như ngài Nam Tuyền nói "tâm bình thường" còn gọi là không tâm.
    TT xin nói rõ từ không tâm không hề có nghĩa là "không có cái tâm", mà là không có cái tâm chạy loạn, duyên theo cảnh bên ngoài (vọng tưởng)
    Cũng như vô ngã, là không có ngã (năng sở) để sở hữu cái phi ngã, trong thân, ngoài thân thảy không có ngã để tạo tác. Vô ngã không hề có nghĩa là "không có cái ngã", bất đắc dĩ Thế tôn gọi nó là tâm, vì từ ngã có từ từ "đại ngã, tiểu ngã của Ấn độ giáo xác lập một ngã thật có, ngã đã lập này trước đã mang sắc tướng và hữu tánh. Thế tôn phá trừ "ngã" mà lập tên gọi "tâm".
    Tâm vô tướng, bất khả tư nghì. không thể lấy danh mà lập, không thể lấy thức mà hiểu, không trong ngoài. ... không thể nghĩ bàn.
    Bài kệ của Tổ Hụê Năng không thể nghĩ bàn. Chắc hẵn xưa nay biết bao người cố công chắc chắn không thể hiểu. Còn nếu y trên văn lập nghĩa thì TT thấy là ... chẳng hề dính dáng.
    Hy vọng anh Hn cũng như Ong, tìm được nhát cắt ngọt ngào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HN đọc cũng nhiều nhưng thấm chưa nhiều, hiểu chưa sâu, cứ coi là "sơ cơ", do vậy cũng nêu vấn đề ra theo kiểu nói quấy nói quá theo cái sơ cơ của mình để bạn bè góp ý kiến làm rõ thêm. Cám ơn TT đã có những kiến giải ở trên, riêng về tổ Huệ Năng thì chỉ phần Pháp bảo Đàn kinh cũng cũng đủ cho ta suy niệm một đời để dần dần nếu hội đủ cơ duyên có thể bước vào con đường "minh tâm kiến tánh". Đôi lúc trong cuộc đời cũng gặp "nhát cắt" như bạn nói nhưng rồi nó...đi luôn!

      Xóa
  3. Bình thường (平常) là từ Hán Việt trong đó bình (平) là bằng phẳng yên ổn, thường (常) là lâu dài, mãi mãi. Bu tui xin lạm bàn bình thường ở hai khía cạnh: Trong đời thường và trong triết lý Phật giáo.
    - Trong cuộc sống nhân sinh con người ta gặp quá nhiều bất trắc. Buôn bán khó khăn thua lỗ, mùa màng thất bát, thiên tai địch họa, bệnh tật đau ốm, tai nạn bất ngờ…Người ta chỉ mong sống mà không gặp những bất trắc đó tức là cuộc sống được bình thường, Bạn bè gặp nhau hỏi dạo này thế nào?? À cảm ơn cũng bình thường vậy. Người trả lời vui vẻ và người hỏi mừng cho bạn. Quan niệm cuộc sống bình thường đại thể: Bố mẹ cho ăn học, có công việc ổn định, đến tuổi lấy vợ, lấy chồng, sinh con có trai có gái, cứ thế sống cho đến già, sau đó về với ông bà tổ tiên. Tuy nhiên người nông dân cứ con trâu đi trước cái cày đi sau mãi cho bình thường thì nông nghiệp không phát triển lên được. Phải có người làm cái không bình thường là máy cày và trăm ngàn thứ máy khác như ta thấy. Như vậy bình thường có lúc đồng nghĩa với bảo thủ, trì trệ dẫn đến lạc hậu thoài hóa. Ai đó cứ hô ông nọ muôn năm, chủ nghĩa kia muôn năm là phản khoa học, là tìm đến sự diệt vong.
    - Xét cho cùng thì trong cái bình thường đã tiềm ẩn những cái bất thường. Nhà Phật cho hay trong một ngày thân ta chết đi sống lại đến 6.400.099.980 lần. Chàng trai 20 tuổi tóc đen nhánh, thêm 40 năm nữa tóc bạc trắng ra. Răng đang vững chãi bổng dưng lung lay xếu xáo, rồi đến ngày chui vào quan tài. Sự đổi thay này là quy luật tất yếu mà nhà phật gọi là vô thường (無常). Nó là đặc tính chung của mọi sự vật sinh ra có điều kiện tức là thành, trụ, hoại, diệt. Từ tính vô thường ta suy ra khổ và vô ngã. Không có vô thường không có sự tồn tại để có cái gọi là bình thường mà ta mong muốn hằng ngày….

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Lâu nay HN cứ tưởng chữ "bình thường" là từ thuần Việt nên không thử tìm ở từ điển Hán Việt! May quá, đã có bác Bu giúp rổi.
      2. Đồng ý với bác Bu cả hai ý hai tay luôn. Suy cho cùng "âm trung hữu dương căn, dương trung hữu âm căn".
      Rất vui khi vấn đề này được mổ xẻ để mỗi người, tùy theo duyên nghiệp có thể tự tìm cho mình con đường đi đến giải thoát (đó là nói văn vẻ chứ thật ra thì là thấy nhẹ lòng trước những chuyện buồn vui gặp được hàng ngày) ít chông gai nhất phải không bác Bu?

      Xóa
    2. Đúng như thế, trong âm có mầm rẽ của dương, trong dương có mầm rễ của âm.
      Trong cái bình thương như ta quan niệm hàm chưa sự bất thường
      Trong cái bất thường ta né tránh lại là sự bình thường
      Bác Hồng Ngọc đồng ý vậy không?hihihi

      Xóa
    3. Thời bao cấp, có người xếp hàng mua vé xe, vừa đến mình thì hết vé, phải chờ đi buổi chiều, mới hay rằng xe đó đi bị tai nạn. Vì vậy có người đi vào của tử lại gặp đường sống!

      Xóa
  4. Hihi, qua thấy anh HN vẫn "bình thường" viết blog, bạn bè vẫn "bình thường" vô còm, Nô vẫn "bình thường" vô đọc và để lại một comment vô cùng "bình thường". Đời thế chả vui sao! :-D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. May là tuổi anh em mình đã qua rồi cái "thời xa xưa ấy" chứ không thì entry này phải có thêm một câu có cụm từ..."phủng phình phường!". Hihi.

      Xóa
  5. "Giọt sương treo mái Lương Đình
    Nửa đêm thức giấc hỏi mình tan chưa?"


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. GM gửi HN một công án chăng? Có vẻ rất phù hợp ở đây và thú vị nữa! Tks of all.

      Xóa
    2. Hai câu thơ trên của Phạm Phú Hải người Quảng Nam đã từng làm 1000 bài thơ, qua đời năm 2009 thọ 60 tuổi. Thơ ông khác cái bình thường của cõi nhân sinh, đậm phong vị Thiền, bạn nghỉ đến công án là phải.

      chân trời một ánh sao bay
      người nghiêng chân bước bên ngày phù du
      trăng vàng thề nguyện đi tu
      chim chiều nở trứng bên lu nước chiều.
      PPH

      Xóa
  6. giáo cũng mừng khi biết anh HN vưỡn "bình thường" hehe...

    Trả lờiXóa
  7. Tản mạn về hai chữ "bình thường" của anh hay quá.
    Tôi cũng chỉ mong được sống "bình thường", được ăn ngủ "bình thường" cho đến ngày được chết "bình thường" mà sao thấy khó quá anh HN ơi. Phải chăng mình là kẻ... "bất bình thường"?
    Lại chợt nhớ đến thơ của Huy Cận:

    "Ngủ đi em, mộng bình thường
    Ru em có tiếng thùy dương đôi bờ..."

    Ngôn ngữ tiếng Việt quả là phong phú, ai muốn hiểu sao thì hiểu!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Chính "mong được sống bình thường" mà rất nhiều người đọc anh trong đó có HN mong có được cái "hồi ức một đời người" như anh không sao có được. Đó là kết tinh những suy nghĩ, trăn trỡ, cố gắng trong cuộc sống (anh cho là) bình thường của anh sẽ giúp những thế hệ sau chúng ta (dứt khoát sẽ) có những suy nghĩ khác thường về thời đại chúng ta đang sống mà họ không hề nghĩ đến/ không được biết đến. Cầu mong chúng ta, như anh nghĩ, ai cũng được chết bình thường. Và, ai muốn hiểu sao thì hiểu! Haha.

      Xóa
  8. Mộng bình thường có khi chỉ là khái niệm tương đối . Có em chân dài đang mơ giấc mơ đại gia thì nói là " em chỉ có mộng bình thường là có 1 nhà lầu cao, 1 xe hơi ... " (-: Còn người có tài sản ,cổ phiếu kết sù , kể cả nợ ngân hàng ngất ngưỡng thì có khi mơ giấc mộng bình thường là được nằm trên chiếc võng đung đưa bên một con rạch ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn chúng ta, mộng bình thường là thỉnh thoảng viết một bài, up lên blog, bạn bè vào, gõ vài ba câu như là thăm hỏi nhau là vui rồi phải không MB? Có điều cái hình ảnh "nằm trên chiếc võng đung đưa bên một con rạch ..." HN cũng thấy thật tuyệt vời dầu mình không...nợ ngân hàng!

      Xóa
  9. Huhu.....Anh Hongngoc post bài mới mà khg thèm qua báo cho Út hay.........Hic.....hic.

    Trả lờiXóa
  10. Cái " Ông chú" học trò của anh Hongngoc, em thấy " Chú ấy" làm ăn được vậy cũng bình thường thôi, mỗi ngày đi làm đều vẽ..........và .......vẽ..........đều, vậy là bình thường anh Hongngoc ha....Hihi

    Trả lờiXóa
  11. Lần sau có bài mới anh sẽ gửi message trên FB trước 43.200 giây để qua "xí mê" tem vàng ha!
    Đôi khi "chú ấy" cmt hay reply cho MTB thấy cũng "hơi bị" ...bất thường đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh Hongngoc ơi ! Em hy vọng " Ông Chú" học trò của anh Hongngoc đọc và thấy điều " bất thường " ấy.....Còn bây giờ em phải chạy mau, khg thôi " bị đập" toi đời.........Haha

      Xóa
  12. Nặc danh17:23 24/11/13

    Sang viếng nhà HN đọc bài này mấy lần mà không biết viết lời bình như thế nào. Bài có nhiều ý hay quá. Chữ bình thường như HN trình bày có nhiều nghĩa tùy theo trường hợp. Thật cũng đau buồn khi người ta sống trong một môi trường thiếu thốn vất vả quá lâu ngày đến độ mọi sự bất bình thường trở nên được chấp nhận như chuyện bình thường. Nếu tình trạng trở nên bi quan hơn, thì cái bất bình thường trở nên bình thường này sẽ được xem là tốt rồi. Mong sao mọi việc đừng trở nên là tốt kiểu này, phải không NN.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là Tám hiểu rất đúng ý HN và cũng nói được cái "đau buồn" mà HN không tiện nói. Chắc hẵn mọi người cũng đều có cái "mong sao" như Tám và HN. Cám ơn rất nhiều.

      Xóa
  13. "Bình thường" hai tiếng dễ thương
    Mà sao khó đạt
    . . . . trăm phương khó tìm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu quá rồi anh Tường ơi, thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm anh và những thân tình khác ở Nha Trang, nghe nói cũng (tạm) "bình thường". Rất mừng. Chúc thường an.

      Xóa
  14. Có những cái bất thường một cách bình thường bạn ạ, sang thăm chúc bạn đêm bình an bạn nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và cũng có những cái bình thường một cách bất thường phải không anh? Cám ơn anh đã đọc, để lại nhận xét và có lời chúc.

      Xóa
  15. "Bình thường là tốt rồi" là lý lẽ hay nhất của thầy Chánh ! Bây giờ họp kiểm điểm Đảng viên về hưu cuối năm ,bình thường là đủ tư cách rồi ,có nhiệm vụ chi đâu mà hoàn thành !(thật là máy móc hình thức hết chỗ nói )

    Trả lờiXóa
  16. Có việc gọi là bình thường, khổ dai dẳng. Cũng có việc coi là không bình thường như "bỏ qua giai đoạn" thì khổ vài thế hệ.
    Chúc bác vui, khoẻ.

    Trả lờiXóa
  17. Hehe...
    Dzấn đề là khi thốt lên hai chữ "bình thường" có kèm theo cái ngôn ngữ của cơ thể nữa đó nha anh HN!

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter