26/3/12

Vẫn thấy bên đời...
Mar 26, 2012 3:28 AMPublicPageviews 49 13
Mười một năm sau ngày Trịnh Công Sơn giã từ "Cõi tạm" để đến"cõi đi về" vĩnh hằng của mình, đã có hàng trăm bài viết, hàng chục đầu sách nói về ông ta nhưng "đình đám" và tạo ra tranh luận nhiều nhất có lẽ là bài của họa sĩ Trịnh Cung trên Da màu. Nhân ngày giỗ thứ 11 của ông, bài viết cũ này được post lên blog như là một nén nhang tưởng nhớ (và những suy nghĩ của người viết vẫn không gì thay đổi)

vẫn

thấy bên đời
còn
có… anh

   Hôm ấy, thứ hai, nghe tin Trịnh Công Sơn đã về “cuối trời thênh thang”. Dẫu không bất ngờ vì từ nhiều tháng trước, tôi biết ngày đó sẽ không còn xa đối với Trịnh Công Sơn qua những thông tin từ báo chí và bè bạn. Và nghĩ, anh vẫn sống đâu đây bên những tình khúc để lại cho đời.
Tự nhủ hãy khoan đọc những bài báo về anh để tự mình viết những cảm xúc thật nhất, không ảnh hưởng bởi “người đời”, về những kỷ niệm với những ca khúc của anh đã đi qua đời mình,
 Những năm 1965-1966 tôi học xa nhà. Một cô bạn của chị tôi gửi tặng tôi liên tục ba tập nhạc của Trịnh Công Sơn ngay sau khi được phát hành mà tập cuối là Ca khúc da vàng với lời đề tặng:
 Nghĩ gì không
cho quê hương chúng mình?
tang tóc, đau thương... và bạo cường lẫn lộn!
Gửi... để cùng khóc quê hương
 Rất tiếc, những tập nhạc ấy nay đã không còn, nhưng vẫn còn trong tôi những kỷ niệm về chị và kỷ niệm lần đầu tiên mình tiếp cận với nhạc Trịnh.
 Tôi ôm đàn tập hát nghêu ngao dù không hiểu hết ý nghĩa của một số ca từ trong đó. Lúc ấy, tôi cũng chỉ đang trong độ tuổi đọc “Thằng Vũ” của Duyên Anh mà thôi!
 Sau Tết Mậu Thân 68, vào Sài Gòn, lần đầu tiên thấm thía với những chiều tím loang vỉa hè vào những khi gió heo may đã về, lên Đà Lạt, tiếp cận ngày càng nhiều hơn những tình khúc của Anh, để rồi những năm 1970-1974 về sư phạm Huế hầu như thế hệ chúng tôi thực sự sống, thở và suy nghĩ với âm nhạc của Anh.
 Một lần tất tả chạy đến Bệnh viện Đà Nẵng khi hay tin Thu vừa qua đời sau tai nạn trên đèo Hải Vân, đứng bàng hoàng một mình khi trong đầu vang lên: Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới... mà thấy lòng buồn vô hạn!
 Những năm cuối cùng ở Đại học Huế, chúng tôi lại hát với nhau những bài hát “phản chiến", những bài hát mang đầy tình tự quê hương, dân tộc của Anh với ước mơ thật sự về một hòa bình cho đất nước và cũng say sưa tự hỏi Việt Nam ơi, còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau? để rồi Dù hôm nay tôi chưa về Hà Nội, dù mai đây em chưa thấy Sài Gòn nhưng trong lòng ta vẫn... chưa mất niềm tin (dù tôi vẫn chỉ thích tình ca và dân ca và nhất là những bản nhạc thời 1958 - 1963 của các nhạc sĩ miền Nam).

 Sau giải phóng, dù phải đương đầu với sinh kế nhưng tôi vẫn nghe những ca khúc của Anh, cố “đọc” trong đó một chút gì về Anh, vẫn “trích” ca từ của Anh để nói chuyện với nhau trong những khi trà dư tửu hậu (như Đỗ Hồng Ngọc vẫn dùng cho bài viết của mình).
  Xúc động với câu nói nhẹ nhàng của người bạn thân: “Nhớ nhé, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau!”, với món quà-mừng-cưới-của-thời-gian-khó là một bao cát đựng mấy cái chén kiểu, mấy đôi đũa, muỗng, đĩa.
 Cũng như lần nghe lời giới thiệu của Khánh Ly trong băng nhạc TCS phát hành ở ngoại quốc: nơi em về trời không xanh, ngày không vui…  để thấy xót xa cho những trầm luân của kiếp người và về những dâu bể cuộc đời.
 Trịnh Công Sơn ở lại Việt Nam sau giải phóng là một thái độ chọn lựa của riêng Anh, tôi chưa dám nhận định là thái độ đó đúng hay sai. Nhưng những thông tin từ những lời nói đùa của một vài bạn bè, đàn em trong giới văn nghệ với Anh, những “chuyển mình” từ Ca dao mẹ sang Huyền thoại Mẹ những Tuổi đời mênh mông, những Em mười tám (bài viết của Trịnh Công Sơn đăng trên Văn nghệ số kỷ niệm 30/4/1993) đã làm tôi thất vọng và đã viết cho Anh một bức Thư ngỏ, tất nhiên là không gửi.
 Bây giờ, khi Anh đã qua đời, thực sự chứ không phải còn là một lần nằm mơ nữa, tôi suy nghĩ lại không hiểu có phải mình đã quá “máu” và hồ đồ nghĩ về Anh một cách bất công như thế. Biết đâu, Anh đã vượt trên mọi nhĩ - ngã, có - không, được - mất như một thiền giả đạt ngộ như chính âm nhạc của Anh?
  Khi làm chuyến nam du đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Phùng Quán có ghé qua Nha Trang và nói chuyện thơ theo lời mời của một số anh em văn nghệ tại Diên Khánh. Cùng đi với ông là tên lãng tử cuối cùng của thế kỷ 20 (theo cách gọi của bạn bè văn nghệ ở Sài Gòn).
 Lúc giải lao tôi nói chuyện với tên lãng tử đó và chỉ qua một vài trao đổi, chúng tôi thành một đôi bạn thân thiết cho mãi đến bây giờ. Anh là một guitarist, một nhà thơ và cũng là một người soạn nhạc. Trong những năm khốn khó thời 1987 - 1991 ấy, lúc thì tôi vào Sài Gòn thăm anh, lúc thì anh ra Nha Trang thăm chúng tôi. Những khi uống rượu, đọc thơ, ca hát tại nhà tôi với bè bạn, nhạc Trịnh anh chỉ hát duy nhất một bài Phôi Pha - tôi biết vì đó là bài hát rất phù hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của anh.
Và cứ mỗi lần nghe, vợ tôi vẫn không cầm được nước mắt. Có phải là giọt nước mắt trong một ca khúc khác: giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa cành; giọt nước mắt thương cây, cây ngã trên non... và đó cũng là giọt nước mắt trong tim chảy lai láng vào hồn nửa đêm gọi đến mình, những giọt nước mắt khóc thương thân phận con người!
 Mồng năm tết vừa rồi, vợ chồng tôi cùng với vài học trò cũ đi Ninh Hòa thăm một bạn học của chúng đã không gặp hai mươi mấy năm.
 Nhìn thấy đứa học trò ngày xưa thông minh, lanh lợi, sống rất văn nghệ trở thành một anh nông dân, nhà cửa liêu xiêu, con cái nhếch nhác, vợ tôi chảy cả nước mắt.
 Ngồi dưới gốc cây bên bờ ao, em kể về những ngày tháng truân chuyên, luân lạc của mình từ sau giải phóng. Tôi buột miệng nói với em: Thôi bây giờ đã định cư, cố gắng làm việc để lo cho các cháu, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt! Em cười, mắt sáng lên và chạy vội vào nhà lấy cây đàn guitar treo trên vách, chừng như đã lâu không dùng đến nên bụi bặm bám đầy, lau chùi qua loa rồi ôm đàn hát Một cõi đi về. Em hát say sưa và trong thoáng chốc, hóa thân thành một nghệ sĩ, cái hình ảnh nông dân ban đầu bỗng biến mất trong tất cả chúng tôi. Cho thấy, nhạc Trịnh Công Sơn chia sẻ và là chỗ dựa cho biết bao con người.
 Trịnh Công Sơn mất nhằm ngày “cá tháng tư". Một người bạn của tôi nói đùa vẻ châm biếm: vì sao ông ta chọn ra đi vào ngày này? Riêng tôi, tôi nghĩ dù là một nghi ngẫu thì việc Anh về cõi vô cùng ngày “poisson d’ Avril” đã làm cho tôi tin rằng đây là điều không thật vì Anh đã sống và hằng sống, mãi sống trong lòng những người mến mộ tài năng và âm nhạc của Anh.


11/4/2001





                                                      


.
  • hongngoc
    Cám ơn Mì tôm Hâm hâm về những góp ý này. HN sẽ suy nghĩ và sắp xếp lại để ít mất thời gian hơn dầu số e-mail nhận được hàng ngày không nhiều. Chúc an vui. HN
  • Private comment
  • Private comment
  • Private comment
  • Private comment
  • hongngoc
    Cám ơn THD đã đọc và đồng cảm. Hôm nay là ngày mât của TCS đấy. HN vẫn đang chờ các bài thơ mới làm của Dũng Hồ đây. HN
  • THD
    • THD

    • Apr 1, 2012 11:54 AM


    Bài viết thật hay và cảm động ! Chúc a HN an vui và … có nhiều cảm hứng để viết !
  • hongngoc
    Nhưng không phải "trong sự nghiệp của chúng ta" chị KT há?
    • KIM THANH
      Có chứ anh.
      Những triết lý từ ca từ mộc mạc của ông vẫn luôn là động lực cho KT sống và làm việc đấy chứ.
      ..." em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh"...
  • KIM THANH
    Và ông vẫn còn sống mãi...
  • tran trung
    Cảm nghĩ của anh HN về Trịnh Công Sơn cũng là suy nghĩ của TT. Nhưng TT từ lâu luôn nhắc mình tôn trọng "mỗi người có quyền chọn lựa" cho dù chọn lự..
    • hongngoc
      Khi còn ở nhà cũ Yahoo, HN trả lời cmt của anh TT mà không được bèn dùng bên tin nhắn, anh TT đọc bên đó nhé. HN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags..


Flag Counter