3/6/14

Một thời...đã xa!



Những năm gần đây, mẹ và anh chị tôi ngày càng già, tôi cũng đã về hưu, sống xa hơn nhưng lại về thăm nhiều hơn: ba bốn lần mỗi năm. Lần nào về lòng cũng nhớ về một nơi, nghĩ và mong tìm thăm một người con gái đã xa hàng nửa thế kỷ.
Thời chiến tranh Việt Pháp, khoảng năm 1946 – 47, từ Đà Nẵng, gia đình anh Ngoạn tản cư về Quế Sơn, lúc đầu ở dưới Mỹ Thứ một thời gian ngắn rồi lên làng tôi, thuộc hàng “sơn cùng thủy tận” của huyện, xa thành phố chừng 60 cây số. Cha mẹ tôi cho gia đình anh ở trong “nhà trường” ngay trong sân nhà, một căn nhà tranh rộng lớn và làm nơi cho xã mượn dạy BTVH thời Việt minh (nên mới gọi là “nhà trường”). Sau anh làm nhà trên đất nhà o Lầu sát vườn nhà tôi và sống ở đây đến ngày đình chiến mới hồi cư.

Anh chị Ngoạn người gốc Huế lúc ấy có 4 người con: anh Côi, anh Ái, chị Ân, chị Phú, tôi còn quá nhỏ nên không biết và nhớ gì nhiều, chỉ sau này, khi anh chị về lại Đà Nẵng, vẫn giữ mối giao tình với gia đình tôi nên thường đưa xe do anh làm tài xế, có lúc chạy tuyến Quế Sơn – Đà Nẵng, mời cha mẹ tôi ra chơi, thỉnh thoảng tôi được theo mẹ ra thành phố.
Mỗi lần ra, về nhà anh chị ở Thạc Gián trên đường Hùng Vương từ Cây Quăng đi vào không xa, và đó là những ngày tôi rất vui vì được đến thành phố, một thành phố cảng lớn nhất miền Trung mà thời đó người ta gọi là “Hàn” (thành phố được gọi theo tên con sông, có cửa sông lớn: sông Hàn!).

Cũng không biết do cơ duyên nào mà khi chị Ba tôi được gia đình cho ra Đà Nẵng học chương trình đệ tứ ở tư thục Thái Phiên để thi lấy bằng “trung học đệ nhất cấp”mà thời Việt minh phải bỏ học giữa chừng, bây giờ là tốt nghiệp PTCS, lúc đầu ở trọ nhà anh Ngoạn, về sau lại ở nhà ông bà Như cách nhà cũ anh Ngoạn vài ba căn, sau này anh chuyển về đường Hoàng Hoa Thám gần ga.

Ông bà Như ở sát khuôn hội Phật giáo Vĩnh An nhìn ra hồ, từ đó có đường tắt ra bến xe chợ Cồn, ông làm nghề thầu khoán, khi tuổi đã cao, nghỉ ở nhà chăm sóc cây cảnh trong sân nhà, đúc hồ cá, nuôi cá long nhãn, bà ở nhà chợ búa, nấu cơm tháng cho một vài công chức, thầy giáo làm việc ở thành phố này. Tôi còn nhớ ông bà rất hiền, ông hay mặc áo và quần lững lụa trắng, cười hiền như Phật Di lặc, bà cũng vui tính và nấu ăn ngon.
Ông bà có mấy người con đã ra riêng, ở trong nhà chỉ còn vợ chồng anh Giác, chị bảy Mại, anh tám Núi và chị Đà. Đà cùng tuổi với tôi nhưng con gái thường lớn hơn, tôi vui vẻ gọi bằng chị! Khi tôi đang học đệ lục ở quê, có lần chị Ba dẫn Đà về quê tôi, chúng tôi chơi với nhau rất hồn nhiên, thân tình nên hè học xong đệ lục để lên đệ ngũ, khi theo chị ra Đà Nẵng học hè môn Pháp Văn, ở trọ nhà ông bà Như với chị Ba, tôi và chị Đà rất thân thiết và tương đắc.

Hồi đó trong xóm chị Đà chỉ thân với Oai, ngang lứa và Hương con ông bà Minh nhỏ hơn chị vài tuổi, họ thường qua lại với nhau, có khi hằng ngày, có lúc có chuyện gì vui đi đâu về chạy xẹt qua kể nhau nghe hoặc người này có gì ngon đem đến cho người kia ăn, thiệt vui. Oai và Hương đến nhà chị Đà gặp tôi vài lần thì chúng tôi cũng nhanh chóng quen nhau, nhà ông bà Minh chỉ cách nhà ông bà Như vài căn trên đường tôi đi học nên hầu như ngày nào tôi đi ngang cũng nhìn thấy Hương, họa hoằn lắm em mới vắng nhà làm tôi nghĩ rằng hay là em biết giờ đi học của mình nên chờ tôi đi ngang để nhìn nhau và ý nghĩ đó làm tôi vui…một mình!

Ông bà Minh có ba người con, anh Sô con đầu đến chị Quýt và Hương là út. Hương có khuôn mặt tròn, da trắng như trứng gà bóc và đôi mắt tròn mở to, lúc nào tôi cũng thấy Hương đẹp, tươi tắn rạng rỡ và rất ưa nhìn. Đó là cái nhìn của tôi, cậu học trò nhà quê vừa học xong đệ lục ra thành phố nhìn cô bé vừa xong lớp nhất tiểu học, hơn em hai lớp và bây giờ, 51 năm đã qua nhưng tôi vẫn hình dung ra dung mạo dễ thương của em như mới vừa nhìn thấy trước đó.
Thầy Trình chỉ dạy hè môn Pháp Văn trong hai tháng nên học xong tôi phải về quê. Đêm trước ngày tôi về, Hương rủ tôi ra sân phường Thạc Gián xem Hương đánh cầu lông (hồi ấy gọi là vũ cầu) với các bạn, thấy Hương chơi thì ít nhưng nói chuyện và chừng như quấn quýt với tôi nhiều, tôi cứ tự hỏi hay là Hương thật sự có tình cảm với mình?

Sáng sớm hôm sau chị Ba dẫn tôi về quê, rời bến xe trước 5 giờ, khi trời còn tối, xe chạy ngang qua xưởng dệt Cẩm Lệ, thấy dãy đèn néon hãy còn sáng trưng, trong lòng cứ thấy bùi ngùi thế nào và liên tưởng ngay một đoạn trong ca từ nhạc phẩm “Nhớ thành đô” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tôi thường hát hồi ấy: “Tôi xa đô thành, một đêm không trăng sao. Tuy ra đi rồi mà vẫn nhớ vẫn thương, hình bóng ấy, người em thơ đang từng giờ đợi chờ…” rồi nghĩ sao mà lại có một bản nhạc phù hợp “tâm trạng” mình đến thế?

Học đệ ngũ (lớp 8) trường quân được nửa niên khóa thì chiến tranh lan đến vùng quê nghèo của tôi, cả nhà dắt díu nhau ra Cẩm Lệ “tỵ nạn cộng sản”, trường tôi cũng dời về mượn cơ sở trường Nữ tiểu học Hội An để dạy, tôi học dần lên đệ nhị cấp rồi tiếp tục học lên Đại học. Tốt nghiệp đại học xong lại đi làm xa, thuyên chuyển nhiều nơi, lập gia đình… quên hẵn hình ảnh và chút kỷ niệm vui vui với cô bạn nhỏ tên Hương ngày ấy!

Nữa đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, trước khi cuộc chiến lan ra nhiều nơi, giòng nhạc miền Nam (kể cả nhạc lính) thể hiện tình tự quê hương, tình cảm đôi lứa đầy chất dung dị, mộc mạc và nhân bản dễ đi vào lòng người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Trong gia đình ông bà Như, chị bảy Mại, anh Núi, chị Đà đều thích nghe nhạc và thích hát, họ nghe radio nên thuộc và hát đúng nhạc được khá nhiều bài, tôi nhớ thỉnh thoảng chị Mại hát vài câu trong bài “Nếu một mai anh biệt kinh kỳ” : “Người ơi một mai nếu tôi đi rồi, thì ngàn lần thương cũng thế mà thôi…” của Hoài Linh – Minh Kỳ hoặc “Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm quê mẹ cho em về cùng…” trong bản “Quen nhau trên đường về” của nhạc sĩ Thăng Long. Hồi ấy chị còn hát cả bài “Cánh buồm chuyển bến” của Hoài Linh rất tình cảm và không hiểu sao tâm trí non nớt của tôi ngày ấy cứ nghĩ chắc chị …có tâm sự gì?

Nhiều năm sau, vài lần về Đà Nẵng, nhớ đến Hương, tôi muốn tìm em để thăm, để tìm lại một thoáng xa xưa dầu vẫn biết rằng, cũng gần tuổi tôi, em đã xấp xỉ hàng ngũ thập, làm bà nội bà ngoại nhưng trả lời cho câu hỏi rất thiết tha này, chị Ba tôi bảo, nghe nói em lấy chồng về ở đâu trên đường Hoàng Diệu, chị không biết nhà, rồi thôi! Lại ít năm sau nữa, có lần tôi cùng chị Ba ghé thăm chị Đà sau mấy chục năm tôi không gặp, hỏi thăm Hương, bạn chị ngày xưa, câu trả lời cũng là…không biết tin tức gì!

Vài năm gần đây, qua sống ở Bangkok, tôi thường phụ vợ làm bếp, những lúc buồn buồn, nhớ nhớ những kỷ niệm xa xưa, tôi thường hát, khi thì dân ca, khi tiền chiến, lúc Trịnh Công Sơn, khi Vũ Thành An, lúc Từ Công Phụng… và dĩ nhiên, giòng nhạc nữa đầu thập niên 60 nói trên cũng chiếm nhiều bài, nhất là khi vợ tôi yêu cầu. Hát loanh quanh thế nào rồi cũng quay về những bài tôi được nghe chị Mại hát, lại nhớ ông Bà Như, nhớ anh Núi, chị Đà và dĩ nhiên, không thể thiếu Hương trong chuỗi nhớ nhung thăm thẳm ấy! Những lần như thế, tôi lại hát vài câu trong bài “Cánh buồm chuyển bến”: “…Chim xưa nhớ rừng, như trời nhớ sao, như mình nhớ nhau, đêm nghe gió lộng, thương cho lá rụng sầu nghiêng nghiêng bóng. Đường đời muôn tên, sông hồ lắm bến có một niềm tin, bao la mây chiều, câu ca muôn điệu, trăng ngàn đời chiếu, chỉ một tình yêu…”. (Sau này ngẫm nghĩ lại, nhất là lời 2 thì chắc đây là nhạc chiêu hồi nhưng chiêu hồi thế này thì hoặc là quá tài hoa hoặc là rung động thật lòng và bộc phát của tác giả hơn là viết theo đơn đặt hàng của Bộ Thông tin!).

Chuyện của Hương có lẽ chỉ là những rung động đầu đời của cậu bé con mới lớn, chỉ mới thích nhau, chưa thư từ qua lại, chưa hẹn biển thế non nhưng cũng đọng lại trong tôi những nổi nhớ mà tôi tạm gọi tên là …kỷ niệm của tuổi đá dế, tuổi tìm tổ chim trong vườn nhà và mơ mộng của chú bé nhà quê!

Hương ơi, nếu em không gặp điều gì bất trắc và nếu em không định cư ở nước ngoài, tôi chắc sẽ tìm gặp em và khi đó, hẵn em sẽ rất vui khi tôi cho em đọc những giòng này. Có thể khi đọc xong, em sẽ gỡ kính ra và nhìn kỹ hơn người đã…từng bé cái nhầm, tưởng được yêu qua những cư xử hồn nhiên của mình!.

PS: bài này đã đăng trên Tương Tri với tựa đề là YÊU ?? (http://tuongtri.com/2014/03/25/yeu/ )

18 nhận xét:

  1. Về quê trước 5 giờ sáng thì em Hương còn đang ngủ làm sao biết mà đi tiển chàng được. Với lại chàng có thông báo cho em ngày giờ cùng chi Ba về quê không. Sáng hôm sau không thấy chàng đâu chác Hương buồn lắm, nhớ quay cho đến ngày nay cũng chưa chừng...
    Có dịp vè Đà Nẳng bác HN cố mà tìm gặp Hương, chớ chỉ gặp em trong mấy ca từ ấy thì làm sao cho đỡ nhớ được có khi lại càng nhớ thêm....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thiệt là hồi đó "NÕ" có dám nói bác Bu à! Im như thóc mới dại chứ, có người kẹt trong hầm khi máy bay đang dội bom với họ mà thú thật với bạn bè là ráng giữ mình thì đúng, còn đàng này, nói good bye thì sợ cái thằng Tây đen nào mà vẫn sợ! Có một bản nhạc xưa lời rằng " Tôi vẫn đi tìm hương cố nhân, đôi mắt em màu xanh ái ân, để nhớ một người!"

      Xóa
  2. Một thời... đã xa nhưng lại... rất gần, hìhì!

    Cái thời xa ấy sao thế thái nhân tình lại chan hòa thế nhỉ? Sang bên nhà bác Bu thì có cô cháu gái nhà bên, còn bên bác HN có cô em một thời, chúc mừng những ký ức êm đềm của các bác :-)))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông PNH chắc cũng có nhiều pha gay cấn ở Tây Nguyên một thời...

      Xóa
    2. Có bác Bu ạ, tụi tôi ra suối ngắm các em Thượng, mà mấy em này thấy có người khác là bỏ đi liền. Sau đành phải ở xa bắc... ống dòm ngắm, hehe!

      Xóa
    3. Đúng là ký ức êm đềm và dễ thương hai bác ạ. Rất hiểu lòng bác NHP, cơ mà cái thời đó nó dễ thương vậy đó, chứ bây giờ thì khác rồi, một tiểu đội súng ống tận răng vây các em lại ...là xong, như đàn áp biểu tình dưới Phạm Ngọc Thạch! Có ông bạn đã cao tuổi kể rằng ông và vài người đi câu các hồ trên một huyện miền núi nơi người Raglai cư trú, vài phụ nữ đến gạ gẩm rằng chỉ cần lần sau mua cho họ 1/2 lít rược đế thì họ cho...quan hệ! Lại nhớ bài bác viết về "Hồn phách Tây nguyên". Hihi.

      Xóa
  3. hehe... yêu sớm quá ông anh ui! Anh cũng một cây... lẽng mẹn hỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe ông XD nói "Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi, lúc chưa sinh vơ vẩn giữa luân hồi" ...Xem vậy thì bác HN yêu như thế là quá muộn.

      Xóa
    2. 1.Trường hợp này là sau rồi đó chứ giao! Không hiểu sao hồi học lớp nhất tiểu học (lớp 5 bây giờ) HN thích về cùng với một chị con ông bác bà con xa học cùng lớp, chị ấy đẹp và rất dể thương giao à!
      2.Cái ông XD ấy (nói trôm vía người quá cố) chỉ được có nói chứ làm được gì? Nghe nói là...rứa rứa. May ra có bác Bu xác nhận!

      Xóa
  4. Anh hongngoc số đào hoa, đi mô cũng có người thương. Nô nghi nghi ở Bangkok cũng hỏng thoát cái số này đâu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Số má gì, có thấy gì đâu, chỉ là mình cư xử thật lòng thì họ cảm tình thôi mà Nô ơi. Mà ở đây kẹt một cái là ngôn ngữ bất đồng nên khó diễn đạt những gì mình muốn nói khi họ không biết tiếng Anh!

      Xóa
  5. Về chữ lục trong bị vong lục bạn hỏi bên FB

    備 忘 錄 (bị vong lục)

    Ngĩa chữ lục
    • (Động) Sao chép. ◎Như: đằng lục 謄錄 sao chép sách vở. ◇Liêu trai chí dị 聊齋志異: Nhất nhật, lục thư vị tuất nghiệp nhi xuất, phản tắc Tiểu Tạ phục án đầu, thao quản đại lục 一日, 錄書未卒業而出, 返則小謝伏案頭,操管代錄(Tiểu Tạ 小謝) Một hôm, sinh chép sách chưa xong, có việc ra đi, lúc trở về thấy Tiểu Tạ cắm cúi trên bàn đang cầm bút chép thay.
    • (Động) Ghi lại. ◇Xuân Thu 春秋: Xuân Thu lục nội nhi lược ngoại 春秋錄內而略外 (Công Dương truyện 公羊傳) Kinh Xuân Thu chép việc trong nước mà ghi sơ lược việc nước ngoài.
    • (Động) Lấy, chọn người, tuyển dụng. ◎Như: lục dụng 錄用 tuyển dụng, phiến trường túc lục 片長足錄 có chút sở trường đủ lấy dùng, lượng tài lục dụng 量才錄用 cân nhắc tài mà chọn dùng.
    • (Danh) Sổ bạ, thư tịch ghi chép sự vật. ◎Như: ngữ lục 語錄 quyển sách chép các lời nói hay, ngôn hành lục 言行錄 quyển sách chép các lời hay nết tốt của người nào, đề danh lục 題名錄 quyển vở đề các tên người.
    • (Danh) Họ Lục.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vào đây xem thấy chữ "Bị vong lục", chữ này làm tôi nhớ đến thời còn ở trong quân đội, ngành tôi phục vụ thường xuyên tiếp xúc với từ này. Tôi "khoái" ba cái chuyện chữ nghĩa, hay là tôi viết một entry ngắn giải thích chữ "Bị vong lục"?

      Xóa
  6. Huhu một số chữ Tàu nó thành hình vuông
    HN đọc phần chữ quốc ngữ cũng được
    Ba trường hợp động từ, hai trường hợp danh từ....

    Trả lờiXóa
  7. Lạ thiệt, bây giờ hình vuông lại hóa ra chữ Tàu ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu nhìu nhìu (bác hok bùn nha. HN chơi chữ của tụi teen chat trên FB đóa!).
      HN thấy toàn chữ Tàu chứ hok phải hình vun!

      Xóa
  8. Ôi nhớ tỉ mỉ thế này có nghĩa là bộ nhớ đã sắp xếp công phu nhiều lần rùi ,he he...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác oánh giá thế này mà vợ em đọc được thì "chít" em. Hihi. Anh HHP chỉ "tàn" có cái nói đúng!

      Xóa

Flags..


Flag Counter