Nhớ
. . . phượng
Tháng 4, Sài Gòn vào mùa mưa đã lâu, dễ chừng 3 tuần nay, nơi nào có
cây cối thì xanh um, nhưng cơn mưa bất chợt khi lớn khi nhỏ cũng làm không khí
bớt oi nồng. Từ cuối dãy hành lang tầng 10 nhìn ra cây xăng và trường mẫu giáo
có hai cây phượng đầy bông nhưng không có cái vẻ của phượng mùa hè như ở ngòai
Trung vì mảng xanh của lá nhiều quá. Một học sinh cũ lang thang ở SG chụp hình
phượng đưa lên Facebook rồi các bạn bàn tán qua các comment nhưng các em đều nhắc
nhớ những kỷ niệm “thuở học trò” (các em cũng đều quá ngũ thập ) làm tôi cũng
da diết nhớ ngày xưa, thời đi học, thời đi dạy. . .
Ngày xưa ở Huế trồng rất nhiều phượng, có thể nói đi
bất cứ đâu ở nội ngọai thành ta cũng đều nhìn thấy đỏ rực giữa nắng hè nhưng
không hiểu có phải do cường điệu hóa quá mà tôi vẫn có cái cảm tưởng thường
xuyên mỗi khi hè về là phượng nội thành sang trọng, mỹ miều, đài các hơn ở các
nơi khác hoặc cũng có thể phượng xuất hiện trên nền những rêu phong của thành
xưa cổ kính một thời tôn nữ? Ngày xưa, khi bắt đầu thi các môn cuối năm, khi
nhiệt độ không khí tăng dần lên và khi tiếng
ve kêu ra rả trên đường Bạch Đằng nơi những cây nhãn um tùm từ chùa Diệu
Đế về Thế Lại, mỗi trưa mỗi chiều chúng tôi thường có thú đi tìm xem nơi nào có
phượng nở đầu tiên để rồi sáng hôm sau kháo nhau ra rả (như tiếng ve) trên hành
lang văn khoa trước giờ vào học rồi lại rủ nhau bình xem phượng ở đâu đẹp nhất,
nào là phượng Mai Thúc Loan, phượng trên đường ra chợ Tây Lộc, phượng Bến Ngự,
phượng hai bên góc đường trước trường Luật cũ . . . Chuyện đã hơn bốn mươi năm
mà bây giờ nhớ lại vẫn thấy như mới ngày nào! Mới đây, một cháu là SV nẳm 3 hỏi
tôi rằng Bác có biết “đường phượng bay” ở Huế là đường nào, tôi thật sự ngạc
nhiên và nghĩ chắc các cháu sau này liên tưởng đến câu “đường phượng bay mờ
không lối vào. . .” trong nhạc phẩm “Mưa hồng” của TCS mà tin rằng có một con
đường như thế !
Ra trường, vào Cam Ranh dạy học, chỉ cách Nha Trang
60km nhưng lại gần hơn nhiều theo đường chim bay, cũng có biển, có đảo nhưng do
đặc điểm địa hình nên tiểu khí hậu vùng khắc nghiệt hơn Nha Trang nhiều vì vậy
mà mấy cây phượng trước sân trường tôi dạy oặt oẹo, không lớn nỗi, cũng giống
như hàng phượng chạy suốt hai bên đường Đá Bạc : cây nhỏ, khẳng khiu nhưng mùa
hè thì rực rỡ hoa màu đỏ thắm! Do vậy ấn tượng trong tôi về phượng Cam Ranh
không lớn lao gì so với những hàng điệp vàng trồng dọc các đường trong khu cư
xá Đòan Kết cũng như so với phượng Huế.
Nhớ về phượng Cam Ranh nhắc tôi chuỗi liên tưởng về
những ngày kết thúc năm học đầu tiên sau GP, năm học 1975-76. Cuối năm học, hầu
như 5 lớp 12 đều tổ chức chia tay ra trường, khi vào dự với 12A, tôi đứng nhìn
ra mấycây phượng trên sân trường, hát tặng các em bài Biệt ly của Dõan Mẫn: “
Biệt ly nhớ nhung từ đây. . . Mấy phút bên em rồi thôi. . .” mà lòng mình thì
thật sự hát cho HN, cô bé học trò đã đến với tôi và chúng tôi đến với nhau thật nhẹ nhàng, tự
nhiên như không hề nghĩ đến!
Có một lần làm kiểm tra thường xuyên môn Sử, xuống
bên dưới thấy em không làm bài, ngồi nhìn mông lung ra cửa sổ, tôi đến nhắc, em
xin lỗi “không thể làm bài và chấp nhận
điểm không (0đ) vì lý do đặc biệt sẽ thưa với thầy sau”. Mấy hôm sau, em đến
nhà xin tôi đừng báo việc này cho GVCN (sau này tôi nghĩ rằng đây là cái cớ để
em tiếp cận tôi một cách chính danh!) Từ đó em đến với tôi thường xuyên hơn vì tôi
cũng nhận ra ở em những mặt dễ thương, một chút nhan sắc, dăm chút tâm hồn khá
phù hợp với một thầy giáo trẻ như tôi lúc đó. Thỉnh thỏang, tôi cho em một số đề
tài về cuộc sống, em cần mẫn về nhà làm, nộp đúng hẹn, tôi cũng chấm, sữa và trả
bài rất đúng hẹn ! Chúng tôi viết nhật ký cho nhau, em cũng làm một số bài thơ
tặng tôi (*), (trước khi về Cam Ranh, em học ở Đà Lạt và đã có một số truyện,
thơ đăng trên Tuổi hoa). Việc giao nhận những nội dung này phần lớn diễn ra ở
phòng giáo viên vào giữa 2 tiết học, rất chính danh. Đồng nghiệp ai cũng nghĩ rằng
em cho tôi mượn những tài liệu, sách cách mạng mà ông nội và cô em đem từ Hà Nội
và chiến khu về ! Tình yêu giữa chúng tôi lớn dần, kéo dài trong 2 năm khi em
ra trường và vào năm đầu cao đẳng dẫu rằng trong tôi vẫn có chút bâng khuâng
khi xã hội thường ít dễ dãi với tình yêu kiểu này.Tất cả những kỷ niệm đó đã
cháy theo cùng các tài liệu, sách vở, hình ảnh, kỷ niệm trong lần căn nhà tôi ở
bị cháy hè 1977 khi tôi đi nghỉ hè.
Có lẽ do tiên cảm được rằng chuyện của chúng tôi sẽ
không đi xa hơn một mối tình học trò và tôi cũng đôi lần nói với em rằng có nhiều
lý do để không thể đi xa hơn nên có lần em viết cho tôi : “ Hải Âu (**), người không là tình đầu, không
là tình cuối nhưng là tình một đời để ngưỡng vọng, để xót xa !” Khi em học năm 2 một thời gian thì cuộc đời đẩy chúng
tôi mỗi người mỗi nẽo, tôi lập gia đình, chuyển ra Phú Yên, em ra trường, đi dạy
rồi cũng lấy chồng.
Tháng 5, ngày 18 là sinh nhật em, không biết ở Châu
Âu em có bao giờ nhớ đến tôi trong chùm ký ức thời đi học nhưng riêng tôi ngòai
những lúc vui chơi với cháu ngọai, thấy phượng, nhớ Huế, nhớ Cam Ranh
và nhớ em, NTTHN.
Tình cảm của anh bất tử há
Hông biết nhớ Phượng hay nhớ...vòng tay học trò?