1/4/12

Cái thời
Apr 1, 2012 5:33 PMPublicPageviews 96 9
Cái thời.

 (Riêng tặng cụ Nô và những blogger đang và sắp làm ông bà nội/ ngọai)
Lúc nhỏ tôi vẫn hay nghe người lớn ngồi nói chuyện với nhau - khi phân kỳ lịch sử - thường bảo: thời Việt Minh, hồi kháng chiến một… hoặc có người tự hào khi nói: tôi đã từng sống qua các thời phong kiến, Pháp thuộc và Cộng hòa…  Sau này chỉ rặt nghe: trước giải phóng/1975 hay sau giải phóng/1975.

Mới đây lại nghe một cách phân chia khôi hài : thời một người đi làm nuôi cả nhà và thời cả nhà đi làm nuôi một người (để phân biệt trước và sau 1975). Dĩ nhiên cách gọi sau (cả nhà đi làm nuôi một người) chỉ dành cho một ít người, họ là những người thu nhập trung bình hoặc TB khá nhưng vì ít con nên họ rất cưng chìu và mong con mình sẽ là…,sẽ thành… hoặc như: “Em sẽ vào Havard học đại học” nên đầu tư cho con bằng mọi giá. Một số khác học theo Tây hoặc học đòi tiếp cận phương pháp giáo dục mới, cứ để trẻ tự do phát triển hầu khi ra đời các cháu tự tin, không hề xử lý bằng roi vọt mà tòan là thuyết phục (kể cả độ tuổi lên hai-chưa hiểu người lớn nói gì !) Do vậy mà hệ quả của nó cũng không thiếu chuyện khôi hài.
Một đứa cháu là giảng viên đại học, bằng tiến sĩ cấp từ Pháp, vợ cũng tốt nghiệp đại học có hai con, gái đầu, trai sau, cả hai đều có thể hình và thể trọng vượt quá bình thường so với độ tuổi, con bé gái học lớp 3 nhưng nhìn thì to cao, đẫy đà cứ như nữ sinh lớp 9, tôi cứ lo lo không biết sau này lớn lên nữa cháu sẽ thế nào, cháu có mặc cảm trước bạn bè về nhan sắc và thể hình của mình không  trong khi thằng em thì tay chân đầy ngấn và có cảm tưởng như thằng nhỏ này không có …cổ!  Tôi hỏi cháu về chế độ ăn của mấy nhóc và các cháu có biết hậu quả của bệnh thừa cân là gì không thì câu trả lời là: cũng chỉ ăn uống bình thường như mọi trẻ con khác. Tại sao vậy nhỉ?, chắc tại…cái thời. !
Chăm sóc công dân nhí
Chung cư tôi ở đến bây giờ  (sau hơn hai năm) đã có rất đông cư dân, phần lớn là những cặp vợ chồng trẻ có hai con, có cả những cặp mới sinh con đầu lòng  và mỗi hộ như thế đều kèm theo một hoặc hai người lớn. Họ là ông, bà nội hoặc ông bà ngọai của cháu. Do có sân rộng, có công viên, lối đi men tường rào khá rộng nên mỗi sáng, mỗi chiều thường rất…náo nhiệt và hình như hỷ, nộ, ái, ố có đủ! Ngòai những cô cậu tuổi teen ngồi gọi điện thọai hoặc nhắn tin, ngòai những phụ nữ trung niên đi bộ vì sức khỏe và thể hình thì hình ảnh phổ biến nhất mà khách lạ vào đều nhận ra là những người già đẩy xe em bé vừa đi vừa ăn hoặc vừa đi vừa uống sữa. Có những cặp vợ chồng – chỉ trừ những lúc mưa, còn thì sáng, chiều xuống công viên là gặp – chồng bồng con, vợ bưng tô cháo, vừa đi vừa cho con ăn mà cháu có vẻ rất khó ăn và đi hết một vòng không dưới …500m tô cháo vẫn còn, cứ ngày lại ngày như thế mà cả năm không thấy cháu bé lớn thêm, mập thêm chút nào. Nhìn và chào nhau hòai đâm quen, tôi chia sẽ sự áy náy của mình về cách cho ăn này họ trả lời tỉnh bơ : “Con bé này còn đỡ ông ạ, anh cháu trước đây còn khó hơn nhiều”. Lại nữa, mẹ cháu là bác sĩ khoa dinh dưỡng BV nhi đồng! Thật đúng là cái thời…hết biết!
Cũng về chuyện dạy con, vợ chồng tôi và con gái vẫn thường tranh luận về phương pháp mới mà cháu áp dụng đối với thằng cháu ngọai, tất cả là dỗ dành và thuyết phục. Hồi học ở trường sư phạm, tôi cũng học qua môn tâm lý giáo dục, có lẽ phương pháp ngày xưa bây giờ đã lỗi thời nhưng đọc trên Google thì không hẵn như thế.  Tôi nghĩ có thể ở Tây Âu và Bắc Mỹ dân trí khác, an ninh xã hội, luật pháp…đều khác, nhất nhất theo họ thì không chấp nhận được và theo suy nghĩ chủ quan của mình thì tôi vẫn cho là việc dung hòa cả xưa lẫn nay – không thái quá mà cũng không bất cập – là hợp lý nhất. Dầu sao chúng ta vẫn không thể quên : Dạy con từ thuở còn thơ  hoặc Măng không uốn thì làm sao uốn tre được?
Ông hàng xóm ở cùng tầng với tôi, trước là giáo viên Vật lý nay đã về hưu, gia đình ở Hà Nội, vợ chồng anh con trai ở trong này đều đi làm, lúc đầu thì cả ông bà vào giúp, khi cháu lớn thì chỉ còn mình ông. Có lẽ do có kinh nghiệm với mấy đứa cháu trước, ông đặt điều kiện: “Bố sẽ dạy cháu theo phương pháp mà bố từng dạy chúng mày. Không theo Tây theo Mỹ gì ráo, chịu thì bố vào, không thì tự lo”. Cậu con bí quá phải chấp nhận và kết quả là mỗi lần đến chuyên phiếm với ông, thằng cháu nhỏ ngồi trên ghế dành cho trẻ em, cứ nhìn mà không la khóc gì và bây giờ, khi đã vào tuổi thứ ba, sáng chiều vẫn ngồi trên xe ba bánh ông đẩy xuống sân chơi, gặp lúc ông nói chuyện với bạn, cháu vẫn quanh quẩn bên chiếc xe đến… lúc về! Nghe mấy chị giúp việc bảo thằng nhỏ nhiều lần ăn đòn vì không nghe lời nên bây giờ phát khiếp và hiền như…cục bột!
Đón hai cháu ở trường mẫu giáo đạt danh hiệu chuẩn quốc gia cũng thế, cũng ông bà, người nhà…tất bật, cũng người hộp yaourt, người bình sửa, có người còn đem theo cả chiếc xe 3 bánh (không biết nhà xa hay gần?) chạy theo cháu trong sân chơi của trường, có cháu đòi ở lại chơi trên các xích đu, cầu tuột, vừa theo, vừa dỗ, vừa dọa mà bảo vệ bấm chuông, khóa cửa lớn vẫn…chưa chịu về!
Chờ đón cháu ở cổng trường mẫu giáo
Khi viết những dòng này thì cu cháu ngọai lớn của tôi mới vào mẫu giáo nhỡ, nhõng nhẽo, đòi gì thì đòi bằng được, có nguy cơ em cháu cũng …học tập anh. Con gái và chàng rễ của tôi có vẻ áy náy mỗi lần cháu quá ngang bướng (chìu luôn cũng dỡ, xử phạt thì mâu thuẫn với ý nghĩ ban đầu) ,vì thấy mình không nghe lời bố trong việc dạy con, mơ hồ cảm nhận có something wrong trong việc này nên đã bắt đầu có chút thay đổi. Thỉnh thỏang tôi nhìn, cười ruồi và bảo… Maybe, it’s too late!
Ơi cái thời…lạ nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags..


Flag Counter