29/4/19

NHỮNG NGÀY NÀY BỐN MƯƠI BỐN NĂM TRƯỚC.


1. Cô bạn post lên wall FB tấm hình cũ có ba người đứng chung trên một cầu tàu ở ngoại quốc. Ai cũng trẻ trung và xinh đẹp và cô bạn thì nổi bật hơn. Họ phục sức theo phong cách thời trang cuối những năm 70 thế kỷ trước với lời giới thiệu: “One day when we were young”. Không hiểu sao tôi viết ngay một cmt trong ngoặc kép (“…”) “One wonderful morning in May. You told me, you loved me, when we was young one day”. Trong bữa cơm trưa, kể chuyện này với vợ mình, cô ấy nói cô vừa share một bài viết về bản nhạc “One Day” này. Thế là một chuỗi liên tưởng ồ ạt kéo về . . .
Khoảng năm 1973-74, khi đang học ở Huế, tôi gửi nhờ người đi Sài Gòn mua “Cuốn band thứ tư của nhà phát hành nhạc Mây Hồng gồm 24 bản tình ca bất tử trên khắp thế giới do Phạm Duy, Y Vân chọn lọc và viết lời Việt” . Hồi đó là band cassette. Có band nhạc trong tay, tôi và vài người bạn mê nhạc nghe miệt mài, nghe đến độ thuộc lòng lời Việt, nào là La Paloma, Back to Sorriento, Tristesse, Sombre Dimanche, Le beau Danube bleu, Les flots du Danube, Les feuilles morte. . . rồi Cánh đồng xanh, Chiều tà, Dạ khúc . . .
Lúc nghỉ trưa, tôi vào Youtube để nghe lại vài bản trong số này. Bất ngờ lại được nghe thêm Bang Bang, nhạc Pháp, bản nhạc mà trước 1975 có nhạc sĩ viết lời Việt lấy tựa đề là “Khi xưa ta bé”. Bang Bang là bản nhạc mà ngày xưa, khi nói chuyện với tôi NL rất thích. Và nghe bài này, một trời kỷ niệm về em theo về.
2. Khi tôi học năm cuối, em học năm III cùng trường, ban Pháp văn, em có bằng trung học Tây vì theo học trường Tây từ nhỏ. Ở Huế, em ở cư xá Jeane D’Arc cùng một người bạn khác là em gái người bạn của chị tôi và chúng tôi biết nhau trước đó. Qua cô bạn này, tôi biết NL có cảm tình với mình, điều này tôi cũng đọc được trong mắt em mỗi khi vô tình gặp nhau trên hành lang trường VK hay SP. Em thâm trầm, kín đáo và có duyên, hay mặc jube màu xanh biển khi đến trường.
Hồi đó, các trường thường tổ chức đêm văn nghệ cuối năm. Tôi gặp em trong đêm Y khoa, hai đứa cùng coi văn nghệ rồi tôi đưa em về trước khi chương trình kết thúc. Nơi em ở là phía sau Trung tâm Lục huyền cầm đường Mai Thúc Loan bên Thành Nội. Đi bộ qua cầu Mới trong cái lạnh cuối năm của Huế và rì rầm trò chuyện với em thiệt không có gì dễ thương và thú vị bằng. Chỉ một lần duy nhất như vậy, rồi thôi. Tôi ra trường, đi dạy xa, không nói được với em một lời tạm biệt.
Tôi quý và thương em nhưng “rút quân trong lặng lẽ” vì hai gia đình không tương xứng về kinh tế!. Ba em là một doanh nhân tầm cỡ, những thứ ông sở hữu tôi biết qua lời kể của người anh họ em, bạn tôi nay đã qua đời, là khách sạn ở Nha Trang, rạp Ciné ở Huế, nhà máy khí đốt ở Đà Nẵng, có nhà ở Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn và vài ngân hàng rãi rác ở Huế và các tỉnh. Tôi chỉ là một SV con nhà giàu nhưng gia sản ruộng vườn nhà tôi bỏ lại tất cả trong quê khi chạy giặc.
3. Nhận nhiệm sở ở Sở Học chánh Cam Ranh khi ra trường, anh chủ sự hỏi đích danh tôi là . . . có quen với em khi học ở Huế không? Vợ anh là chị cô cậu với nàng.
Những ngày này 44 năm trước, khi chạy loạn từ Nha Trang về Sài Gòn lúc đó cũng đầy xáo động, tôi tìm đến một biệt thự nhỏ trên đường Cộng Hòa (cũ) để thăm em. Có một chút thờ ơ, xa cách ở em dù đủ phép lịch sự thông thường, tôi biết có chuyện không bình thường, em không là NL của Huế xưa nữa rồi nên từ giả sớm.
Mấy ngày sau, khi đang đi cùng đứa em họ qua cầu Công Lý, thấy em ngồi sau xe Lambretta do một chàng trai ngang lứa chạy phía trước, linh cảm cho tôi biết chuyện gì và lấy giấy bút ghi nhanh số xe rồi nhét vào ví. Rồi thôi. Và bặt tin nhau cho đến . . .
4. Năm 1978, tôi cưới vợ, đó là những năm khó khăn mọi thứ mọi thứ nhưng vẫn lên Đà Lạt in thiệp cưới. Trên chuyến xe đò Minh Tâm, xe Peugeot 403 có 7 chỗ từ Đà Lạt về Cam Ranh mà hành lý quan trọng nhất trong túi xách là . . . thiệp cưới, tôi gặp lại em ngồi cùng ba em phía sau, cách tôi một hàng ghế. Khi xe dừng lại mua ngo dầu, tôi xin phép ông đổi chỗ để chúng tôi được ngồi chung, ông bằng lòng và chúng tôi ngồi với nhau một hành trình hơn trăm cây số. Năm đó tôi 28 tuổi và em cũng vào tuổi 25. Ngồi với nhau, em thể hiện nét buồn thấy rõ, cho tôi coi những tấm hình chụp từng năm (bốn năm sau 1975), tấm nào cũng không tìm thấy nét vui! Và tôi, còn làm gì, nói gì được lúc này khi “thuyền (đã) ra cửa biển”?, khi trong túi xách là thiệp cưới và lễ cưới sẽ tiến hành vài tháng sau đó? Tôi chỉ rút từ ví ra mẫu giấy nhỏ có ghi số xe mấy năm trước và hỏi em có biết số xe này? Em nói nhỏ với giọng buồn: “Khi rời Huế, anh có nói gì với em đâu, và cũng chẳng hề để lại cho em lời hứa hẹn nào! Hãy về Cam Ranh hỏi chị Ch. thì biết”. Tôi không nói gì thêm vì biết nói gì lúc này?
5. Xuống xe, tôi không về nhà mà về ngay nhà chị Ch. Hỏi chuyện, chị kể rằng chính em đã nhờ vợ chồng chị và người em kề chị săn sóc cho tôi. Đó là lý do vì sao anh chủ sự sở Học Chánh khi thấy tên tôi ngày về trình diện đã hỏi. Ba em ở Nha Trang cũng biết chuyện chúng tôi và nói với chị rằng nếu muốn đi xa hơn, bảo tôi ra gặp để ông tính. Chị không làm việc này vì lúc đó nghĩ rằng tôi quen biết nhiều, biết có còn thương và nghĩ đến em mình như xưa. Và như thế, tôi lỡ một chuyến đò! Một “chuyến đò lỡ” mà phần lỗi không thuộc về mình để rồi khi biết chuyện, lòng cứ bâng khuâng ray rức một thời gian khá dài.
Sau này, hỏi thăm chị Ch về NL, nghe chị nói em làm công việc phiên dịch các tài liệu tiếng Anh, Pháp ở Sài Gòn và chờ “đến khi nào gặp được một người dáng dấp và tính cách như” tôi thì “mới lấy làm chồng”. Cám ơn em đã có những ý nghĩ đẹp về anh NL nhé. Xa nhau đã lâu, anh vẫn khó quên em về dáng dấp, tính cách, sự hiền hòa và khiêm tốn mà ít ai có cả nhan sắc, sở học và gia thế như em có thể có được.
Không chắc gì lấy được nhau chúng ta sẽ sống chung hạnh phúc. Cũng không chắc gì người này sẽ như mẫu hình người kia mong muốn và lại càng không gì chắc rằng tình gia đình sẽ đẹp như những rung động thời sinh viên vì cuộc sống dân MNVN sau 1975 không như quan niệm và suy nghĩ thời VNCH nhưng tiếc một “người đi qua đời tôi”, tiếc một chuyện tình vẫn lưu lại trong hồn những ký ức đẹp thì ai nỡ cấm cản mình?.

Sài Gòn 28.4.2019
--> Read more..

Flags..


Flag Counter