28/12/13

Thức ăn hè phố ở Bangkok




Sau chừng nữa năm sống ở Bangkok, thỉnh thoảng tôi cũng đến một vài nơi lân cận như Ayuthaya, Bang Pa In, Hua Hin, Pattaya, chợ nổi Dunwai,…tôi thường tự hỏi: người Thái thế nào? Cái gì trong sinh hoạt của họ đánh động mình nhiều nhất? Chưa có câu trả lời thuyết phục thì đến nay lại qua thêm một năm!

Cô cháu gái qua thăm và du lịch, tôi hỏi điều gì ở đây ấn tượng với cháu nhất? Cháu trả lời là đi ngoài đường rất ít nghe tiếng còi xe và người Thái có vẻ hiền!
Vợ chồng con trai qua chơi, cả nhà đi nhiều nơi, tôi hỏi con dâu thấy phụ nữ Thái và người Thái nói chung thế nào? Cháu trả lời là trong mấy ngày ở đây ít gặp người đẹp, phụ nữ ra đường đều ăn mặc tươm tất, hình như ai cũng trang điểm và nhìn chung người Thái có vẻ tử tế.
Vợ tôi ít ra đường, ít gặp gỡ hơn tôi nhưng cô ấy bảo phụ nữ tuổi trung niên ở Thái có tỉ lệ béo phì chắc cao hơn VN có lẽ vì họ thích và thường hay ăn hàng.
--> Read more..

21/12/13

MỘT VÒNG QUA CÁC BLOG.



 Mấy hôm nay có vài việc bận rộn, nay mới dạo một vòng qua vài tờ báo và blog, tôi vào thăm blog Quê Choa của Bọ Lập là tác giả thường có những bài viết nóng sốt với một giọng văn tưng tửng mà tôi thích đọc. Từ blog này lại qua blog khác nhờ liên kết nhau. Đọc tới đâu, ngán ngẫm tới đó!. Và đây là một trong ngàn lẽ một điều ngán ngẫm diễn ra hàng ngày mà ngày sau có nguy cơ nhiều hơn, trầm trọng hơn ngày trước. Xin trích đăng vài đoạn nổi bật:
1.  Theo trang báo điện tử Đức Bild.de ngày hôm qua  19.12.2013 hải quan/quan thuế phi trường Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) đã câu lưu ông Nguyễn Thế Cường đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, vì tình nghi ông Cường mang 20.000 € tiền mặt mà không khai báo.

Cảnh sát Đức đã đưa ông Nguyễn Thế Cường về đồn, để điều tra và cáo buộc ông Cường tội “rửa tiền“.
Đại sứ  Nguyễn Thế Cường khai nhận đây là số tiền đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp được giao cho ông chuyển về nước giúp nạn nhân bão lụt. (Theo nguồn tin được biết đây chỉ là lời khai của đại sứ Nguyễn Thế Cường, nhưng  không có loại chứng từ nào ghi nhận lời khai của ông).

2.  ở Hà Giang, ông Phạm Ngọc Thành, giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ tàn tật cùng kế toán và thủ quỹ biển thủ 181 triệu đồng tiền cứu trợ, thì kiểm sát, công an lại họp bàn thống nhất không khởi tố.

Số tiền 181 triệu đồng tuy không lớn nhưng đối với những kẻ táng tận lương tâm ăn chặn cả của trẻ tàn tật mà vẫn được dung dưỡng, thì “kiên quyết”, “nghiêm minh” ở đâu?


3.   Một sào lúa  mua được hai bát phở, nông dân trả ruộng
TT - Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán: làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố, họ đã viết đơn xin trả lại ruộng hoặc bỏ hoang.

Tình trạng này đang có xu hướng diễn ra phổ biến, theo báo cáo sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2012-2013 đã có 42.785 hộ bỏ không đất canh tác 6.882,1ha và 3.407 hộ trả 433,05ha đất...

4. Theo báo cáo hoạt động ba tháng đầu năm 2013 của 21 tỉnh, thành Nam Bộ, các công ty xổ số nộp ngân sách trên 5.100 tỷ đồng cùng với tăng trưởng rất khả quan.
Có công ty đã được giải thưởng Nhân Ái Việt Nam, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ tặng bằng khen và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Nhưng đó là bề nổi, còn mặt trái thì sao?
Doanh số phát hành hầu hết các công ty xổ số kiến thiết chính là nhờ lực lượng lao động trẻ em, người già và những người tàn tật thông qua các đại lý đi bán lẻ khắp nơi, từ thôn quê đến thành phố, từ quán ăn quán nước đến bến phà bến xe… không kể ngày hay đêm.
Tỷ lệ tiêu thụ vé số gặt hái nhiều thành công đa số chính là nhờ khơi dậy tấm lòng thương cảm của người Việt, thậm chí nhiều người muốn mua sự bình yên hơn là thật sự mong chờ vận may.
Các cơ quan hành pháp đã và đang vô tình hay cố ý làm ngơ vi phạm của các công ty xổ số kiến thiết trước sáu mươi điều “ Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, Luật lao động? Chưa kể các điều ước quốc tế về Luật Nhân quyền.


5. Với đầu đề :  Bạo hành trẻ và những ông lớn được nuông chiều , tác giả Kỳ Duyên viết trên Vietnamnet:

Nếu tư duy kinh tế vẫn xơ cứng, ý thức hệ vẫn bảo thủ, và sâu xa nữa, lợi ích nhóm bị ảnh hưởng, thì cái cô Đào của ca dao xưa, có phải đau khổ mà trả lời chàng Mận ngày nay: Vườn hồng có lối nhưng chưa ai …cho vào.

 I-Đó là chuyện ngược đời, nhưng lại có thật đã diễn ra trong xã hội ta, khiến lòng người bất bình. 



Vụ việc hành hạ ba trẻ mầm non, lớn nhất mới 04 tuổi, nhỏ nhất mới 01 tuổi của các bảo mẫu đáng … kinh sợ- Nguyễn Thị Thiên Lý (sinh năm 1984), Lê Thị Đông Phương (đồng thời là chủ cơ sở nuôi giữ trẻ mầm non Phương Anh- P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, t/p HCM) đang làm kinh động cả xã hội. Người viết bài đã không dám xem clip “ấn tượng kinh hồn” này, khi nhìn thấy nét co rúm trên gương mặt bạn đồng nghiệp, nói lên tất cả. Cái ác đối với con trẻ đã đi quá giới hạn chịu đựng của người lớn.

Xã hội chưa hề quên, hàng chục vụ việc những “quỷ dữ” đội lốt cô bảo mẫu, đội lốt cha mẹ hành hạ trẻ một cách tàn độc, chấn động lương tâm cả xã hội trước đó.
…….
II- Trong khi đó, thì lại có không ít những người lớn - ở đây là các quan chức các tập đoàn kinh tế, các DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham ô, tham nhũng được chiều chuộng vô cùng, chỉ bị trừng phạt khi vụ việc vỡ lở, bị pháp luật truy tố, và bị đứng trước vành móng ngựa. Như vụ án Vinalines vừa xử, chấn động cả xã hội. 
Đến mức tại tòa án, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên toà đã phải thốt lên: Nếu như DNNN cũng vô trách nhiệm như thế này thì nền kinh tế đất nước sẽ còn thiệt hại đến mức độ nào? (Lao động, ngày 16/12)
Đó cũng là câu hỏi, câu than thở của nhân dân! 


Nếu tìm thêm và trích dẫn thêm chắc cũng như tôi, bạn đọc sẽ không thể không…điên cái đầu!
--> Read more..

13/12/13

Rộn ràng không khí Giáng sinh.



 Đã gần giữa tháng 12, thời tiết Bang kok rất dễ thương, trời đẹp, nắng nhẹ, đi ngoài đường không cần nón, dù vẫn dễ chịu. Sáng sớm sương mù che cả một không gian rộng lớn, nhìn từ trên cao xuống, từ phía công viên Lumpini về hướng trung tâm Hội nghị Nữ Hoàng Sirikit cứ ngỡ như thấy sương mù từ đồi Cù trước viện Đại học kéo ngang Giáo hoàng Học viện hoặc trên đồi Domaine de Marie ở Đà Lạt nhìn từ cuối đường Phan Đình Phùng!. Buổi tối, mở hé cửa sổ với một tấm chăn mỏng có thể ngủ ngon lành!.
--> Read more..

10/12/13

Cũng chỉ là…hạt cát sông Hằng.





 1.  Bàn về sự học và tích lũy kiến thức của con người, Khổng Tử dạy rằng: sự hiểu biết của con người đến từ cuộc sống, việc học tập và cả sự khốn cùng của họ: “Sinh nhi chi tri, miễn nhi chi tri, khốn nhi chi tri”. Câu nói này tôi được nghe vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước từ một người bạn vong niên khi tôi đến thăm ông lần đầu tiên ở một vùng kinh tế mới, lúc đó tôi chỉ hơn ba mươi tuổi. Cũng trong lần gặp này, ông khuyên tôi nên cố mà học hỏi tất cả mọi thứ, đừng sợ rằng học sẽ không có chỗ, không có lúc dùng. Câu đó đi theo tôi từ bấy đến nay, tôi nghe theo ông, rất thành tâm nhất là sau đó khi đọc được một lời dạy của Gandhi: “Vivez comme si vous devez mourrir demain. Apprenez comme si vous devrez vivre éternellent” (Hãy học hỏi như sống được đời đời và hãy sống như phải chết trong nay mai). Tôi cũng thường nói với con cháu, những người bạn trẻ những trãi nghiệm với đôi chút kết quả của mình từ chuyện này khi có dịp. 
--> Read more..

6/12/13

Lan man về năng lực học sinh và giáo dục Việt Nam.




Thông tin về việc học sinh Việt Nam đạt vị thứ 17/65 trong cuộc sát hạch PISA do tổ chức OECD công bố ngày 03/12 đăng tải trên báo chí mấy ngày qua đã tạo ra khá nhiều dư luận, nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Từ  khen, chê, tin tưởng, ngạc nhiên đến cả những suy nghĩ dung hòa.
--> Read more..

2/12/13

Thư Bangkok





Cô cháu ở Việt Nam coi thời sự về những xáo trộn chính trị Bangkok với những cuộc biểu tình chống chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Sinwanatra và lo ngại cho chúng tôi ở đây nên gửi liền hai email hỏi thăm và dặn dò đủ điều. Thật cảm động, tôi trả lời ngắn gọn cho cháu và nghĩ rằng nên có một report kèm hình ảnh!
--> Read more..

28/11/13

Chuyện cũ




1. Cách đây chừng 15 năm, tôi nhận được bản photo bài dự thi được giải nhất cấp trường “Viết về một quyển sách mà em thích” của một học sinh lớp 8, con của một anh bạn trẻ. Bài viết 2 tờ đôi giấy (8 trang vở). Cháu viết về quyển “Những tấm lòng cao cả”(*1) của Edmondo De Amicis, phần đầu nêu nguyên nhân vì sao thích đọc sách, có được quyển này trong dịp nào, tiếp theo là khái quát nội dung sách và qua đó, cháu rút ra được điều gì hay khi đọc nó. Một bài viết thật hay mà chưa chắc gì học sinh cuối cấp ba có thể viết được!.
--> Read more..

21/11/13

Tản mạn về hai chữ “bình thường”.



1. Hồi cuối 1970’s, vợ chồng tôi dạy học ở một trường Vừa học vừa làm miền núi. Thầy trò đều ở trong trường, một buổi làm (hồi ấy gọi là đi sản xuất) một buổi học , học trò có tiêu chuẩn như cán bộ giáo viên. Trường có cả  cấp hai lẫn cấp ba, đi lao động là giữ bò, là trồng mía, sắn, bắp…tùy thời vụ. Do cùng ở giữa rừng, xa thị xã thành phố, sống cực khổ nên thầy trò rất gần gũi, thương yêu nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi thứ kể cả những viên thuốc trị bệnh đem theo khi có người cần.
Trường khai giảng năm đầu tiên chỉ một lớp 8, một lớp 9 và 2 lớp 10 với chưa đầy một trăm học sinh.  Tháng sau có một giáo viên Anh văn, anh Trương Minh Chánh, tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn lên dạy, bao cả môn Anh văn toàn trường . 
--> Read more..

29/10/13

CHUYỆN KHÔNG AI MUỐN NGHE

Mấy hôm nay, cả trên báo chí lẫn trên FB của một đất nước mấy ngàn năm văn hiến, tự hào đánh thắng hai đế quốc to, đạt nhiều thành tựu đáng tự hào từ sau công cuộc đổi mới…đọc nhiều tin thấy… lùng bùng:

Tại các trường Sư phạm ở miền Nam trước 1975, giáo sinh được dạy môn “thẩm định kết quả học vấn” gồm cả ra đề, chấm bài, có những đề bài giúp học sinh học được lòng nhân ái, sự san sẻ với những bạn nghèo. Ví dụ: Khi đến trường, mẹ cho Tuấn 5 cây kẹo, giờ chơi, Tuấn cho Tú, một bạn nghèo 2 cây, hỏi Tuấn còn mấy cây? Trí tuệ non nớt của trẻ con, rất vô tình, cảm nhận được tình cảm này khác hẵn với đề sau đây: Một bàn tay có 5 ngón, bị chặt đứt hết 2 hỏi còn lại mấy ngón?. Học sinh bây giờ tiếp cận khá nhiều thông tin, nếu gặp cháu hiền sẽ tự hỏi sao ông/bà này bất cẩn thế?, cháu khác sẽ nghĩ là người bị chặt ngón tay này chắc là bị xã hội đen trả thù!  

2. Cả xã hội cũng đang xôn xao về chuyện Thẩm mỹ viện Cát Tường khi sáng nay báo chí đưa tin việc tìm xác nạn nhân tạm đình chỉ sau mấy ngày do không tìm thấy! Báo chí và phương tiện truyền thông vô tình hay cố ý đều lái dư luận đến vấn đề Y đức của người thầy thuốc nhất là sau các vụ phim X-quang, nhân bản kết quả xét nghiệm máu cũng rất gần đây mà quên một vấn đề khác, sự xuống cấp của đạo đức xã hội! Trong một bài viết gần đây bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (tuanvannguyen.blogspot.com/‎) đã có những ý kiến rất đáng cho chúng ta suy nghĩ:
Vụ bác sĩ thẩm mĩ phi tang thi thể nạn nhân lại dấy lên một làn sóng phê phán ngành y. Xin lỗi các bạn, tôi phải lội ngược dòng một chút. Theo tôi thì những phản ứng này lệch hướng. Phản ứng của báo chí về y đức lệch hướng. Phản ứng của vài người trong ngành y cũng có phần … cải lương.


Rất nhiều người lầm tưởng rằng giải phẫu thẩm mĩ (GPTM) là ngành y. Xin mở ngoặc ở đây tôi chỉ nói giải phẫu thẩm mĩ (cosmetic surgery), chứ không phải giải phẫu chỉnh hình (constructive surgery) vốn là lĩnh vực của y khoa. Theo tôi thấy, GPTM không thuộc ngành y. Ngành y có thiên chức cứu người, chữa bệnh, và phòng bệnh. Đối tượng của y khoa là bệnh nhân. Còn “khách hàng” của GPTM không phải là bệnh nhân mà là những người bình thường và khoẻ mạnh. GPTM chỉ có mục tiêu làm đẹp trên người không phải là bệnh nhân. Có thể xem GPTM như là một doanh nghiệp làm đẹp và bán cái đẹp.

Hành động của anh bác sĩ đó tôi nghĩ vượt ra ngoài phạm vi y đức, mà là đạo lí làm người (morality).

Muốn hay không muốn nhận thì sự việc và hành động của anh ấy cũng phản ảnh một phần cái môi trường xã hội mà anh tương tác

Nên tìm hiểu tại sao anh ấy là hành xử “hơn cả xã hội đen”. Có phải vì anh ấy sợ vướng vòng lao lí? Nếu sợ lao lí thì phải xem cái thể chế đã làm gì để người ta sợ đến như thế? Có phải vì có người vào tù và đi biệt không về. Cái lí do sâu xa có lẽ còn thú vị và có thể cho chúng ta nhiều thông tin hơn là nhắm vào anh bác sĩ khổ đau.

3. Chuyện nhà tâm linh Nguyễn Văn Thủy (gốc là một công an mất phẩm chất bị loại khỏi ngành) vừa bị cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam về tội lừa đảo trong vụ tìm hài cốt liệt sĩ với sự tiếp tay của ngân hàng chính sách xã hội Quảng Trị tháng 7 /2003 vừa qua ở Gio Hà, Gio Linh – Quảng Trị phát trên thời sự VTV1 tối hôm qua (28/10/2013) cũng là nỗi quan tâm của không ít người nhất là những cựu chiến binh khi nghĩ rằng ngân sách dành tìm nơi an nghĩ cho những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do cho đất nước này bị xà xẻo, bị ăn chận, bị lợi dụng từ rất, rất nhiều năm nay bằng vô vàn hình thức cùng với không biết bao nhiêu khẩu hiệu, mỹ từ! (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131028/bat-nha-tam-linh-nguyen-thanh-thuy.aspx)

4. Cũng trong bản tin thời sự 19h nói trên, có một dòng tin chắc ít người để ý vì chạy chữ ở hàng cuối màn hình: Tính đến cuối tháng 10 năm nay, đã có 42.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động!. Bỏ qua những câu hỏi lớn: Doanh nghiệp quốc doanh hay dân doanh? Lý do ngưng hoạt động? Có bao nhiêu doanh nghiệp trong số này nợ tiền vay nhà nước, số nợ là bao nhiêu chục ngàn, trăm ngàn tỉ tiền Việt Nam? Có bao nhiêu doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội và nợ lương công nhân với số tiền bao nhiêu?…Chỉ cần câu hỏi này: Có bao nhiêu người lao động thất nghiệp trước tình trạng ngưng hoạt động này? là sẽ xuất hiện cả…một trời lo nghĩ!

Chúng ta lý giải thế nào trước tất cả những chuyện trên đây?

Hãy nghe nhà báo Ngô Minh trong một bài báo của mình, dẫn lời đại biểu quốc hội Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh): “Chúng ta có th vc dy kinh tế suy thoái trong 3 năm hoc 5 năm nhưng vc dy suy thoái đo đc xã hi chc phi mt c mt thế h”, nhà báo Ngô Minh kết luận: “Mt nn giáo dc phiến din ( gi trng ra  là giáo dc nhi s) hàng 50 năm lin làm méo mó tâm hn và nhân cách ba bn thế h người Vit Nam và hu qu  hôm nay phi nhân dân phi gánh chu”. (dttl-nguoilotgach.blogspot.com/.../ngo-minh-giao-duc...‎)
--> Read more..

18/10/13

Chuyện ma chay

(Nhân ngày cúng thất thứ 2 của nhạc phụ tôi)
Chỉ cách nhau ở trung tâm thành phố 120km, ranh giới là Đèo Cả, (nơi có Thạch Bi Sơn, có chữ do vua Lê Thánh Tôn sai khắc trên đá năm 1471) mà Phú Yên và Khánh Hòa khác xa nhau về giọng nói, về phong tục. Cũng như thế,  Hải Vân, nơi có Hải Vân Quan, “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” ngăn cách hai thành phố Huế-Đà Nẵng (bây giờ chỉ còn cách nhau 90km), hai nơi khác biệt hoàn toàn về giọng nói, văn hóa, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán và cả tính cách con người.
--> Read more..

13/10/13

Khi ta ở...


Học trò cũ đi Thái Lan, biết vợ chồng tôi đang sống ở Bangkok, gửi tin nhắn trên facebook hỏi địa chỉ để ghé thăm, tôi ghi cả số cell phone và máy bàn khi trả lời cho em. Hai ngày làm việc với áp lực rất cao (*) nên hai vợ chồng em gọi xin lỗi, không đến được như đã hứa vì sau đó, lúc em có thể đến thì tôi đã về Sài Gòn! Lúc em về lại Việt Nam, gọi và biết tôi đã về Đà Nẵng, cũng trùng thời gian các em đang chuẩn bị tham dự một hội nghị của viện Khoa học giáo dục với sở GDĐT Đà Nẵng, em đến nhà thăm mẹ tôi.
--> Read more..

28/9/13

người có số...khổ!

Ở đầu hẽm một con đường nhỏ rộng chừng 5.5m, dài chưa đầy cây số của thành phố có một quán tạp hóa cũng nhỏ, chủ quán là hai mẹ con, con đầu của một ông già tuổi gần tám mươi. Quán bán vài thứ lặt vặt, chai bia, lít rượu, ít gói đậu phộng, dăm gói snack, vài ba bao thuốc lá, vài lít xăng dầu, ít cái card điện thoại…, nói chung là những thứ cần cho dân trong xóm nhưng cũng là nơi giải trí của những bà sồn sồn vô công rỗi nghề, những bà tám ngồi buôn dưa lê quanh năm, đông đúc nhất là những chiều hè.
--> Read more..

25/9/13

Chuyện ở quê



 1. Cô cháu họ (hệ dưới) ở quê ra thăm mẹ tôi năm nay tròn trăm tuổi, nó không khỏe nhưng rất chìu bà, mẹ tôi thích lắm, các chị thuyết phục cháu ở lại giúp chăm sóc bà, gửi tiền cháu đưa về quê để chồng con thuê người làm những việc ruộng vườn cháu cần làm hàng ngày. Cháu ở lại.
--> Read more..

18/9/13

Mạt pháp



 1. Cuối những năm 50 đầu những năm 60 thế kỷ trước, tín ngưỡng chính của người dân quê tôi là thờ ông bà, mọi chuyện quan hôn hiếu hỷ cứ theo kiểu xưa bày nay bắt chước. Cả một vùng mênh mông chỉ có một nhà thờ Tin Lành gần huyện lỵ, ở huyện kế bên có nhà thờ Công Giáo ngay huyện lỵ, trong vùng lác đác có vài thánh thất Cao Đài của các họ đạo.
Khi tôi vào trung học mới biết đến Phật giáo rõ hơn qua vụ đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo nhân Phật đản 1963 mà bây giờ người ta gọi là pháp nạn. Năm sau, được theo anh tôi ra phố cách nhà 60 km dự lễ Phật đản, coi diễu hành xe hoa, trang trí đẹp đẻ ở tất cả các chùa sau khi chính quyền Tổng Thống Diệm sụp đổ. Mấy năm sau, khi đã lớn, tôi biết đến và chứng kiến sự can thiệp ngày càng nhiều của Phật giáo vào sinh hoạt chính trị miền Nam.
--> Read more..

11/9/13

Cho thuê...xe đạp.

Từ lâu, đọc báo, coi phim hay TV thấy người ta nói chuyện thuê chuyên cơ, thuê máy bay, thuê du thuyền, chí ít là thuê xe hơi, chỉ ở một số thành phố, khu du lịch như nhiều nơi trên bãi biển Nha Trang  để bảng Motorbike For Rent, bây giờ qua Thái Lan mới biết thêm dịch vụ…cho thuê xe đạp.

--> Read more..

4/9/13

CẢO THƠM LẦN GIỞ...


1.NAM TRÂN:
Trái nam trân (bòn bon)
Hồi học năm đệ ngũ trung học,  tôi được đọc tập “Thơ Tường Linh” với nhiều bài viết về quê hương Quảng Nam của nhà thơ Tường Linh. Có một bài thơ trong đó có câu “Những mùa thu ngọt trái nam trân”, tôi đọc mà thắc mắc hoài chữ “trái Nam trân”, không biết là trái gì? Hỏi thì được các anh tôi bảo là trái bòn bon, một loại trái kết thành chùm, cơm ngọt, mủ ở vỏ thường có vị chát và có vỏ giống trái dâu gia. Người ta gọi bòn bon là Nam trân vì nghe kể rằng hồi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, thiếu lương thực, quân sĩ đói và không thể dừng lại nấu ăn, khi đi ngang qua vùng núi Đại Lộc, Quảng Nam quân sĩ  gặp trái bòn bon hái ăn thử nghe ngon, cả đoàn quân cùng hái ăn tạm qua cơn đói và tiếp tục hành quân tránh được sự truy kích của Tây Sơn. Về sau, khi lên ngôi, Nguyễn Ánh nhớ chuyện này và đặt tên trái bòn bon là Nam trân (hạt ngọc phương Nam).
Một nhà thơ ở vùng này, xã Đại Quang huyện Đại Lộc, ông Nguyễn Học Sỹ sinh năm 1907 là hội viên sáng lập hội Nhà văn Việt Nam, có tên trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Chân và được tác giả dành một vị trí đặc biệt trong hàng ngũ những nhà thơ được giới thiệu cũng lấy bút hiệu là Nam Trân.

2. GIÁNG CHÂU
Trái giáng châu (măng cụt)
Đọc blog một bạn học cũ ở Huế có đăng một bức thư đề là “Thư gởi chị Giáng Châu” của thầy Hà Thúc Hoan* dạy môn quốc văn trường Đồng Khánh Huế và giảng dạy ở khoa Việt Hán ĐHSP Huế trước 1975. Bức thư ca ngợi ông Nguyễn Hữu Thứ, hiệu trưởng trường Quốc Học Huế về nhân cách và tài năng, ca ngợi cô Thân Thị Giáng Châu vợ ông Thứ,đồng nghiệp, hiệu trưởng trường Nữ Trung học Đồng Khánh năm học 1965-66, 1966-67 và là đàn chị của thầy. Trong thư thầy giải thích tên Giáng Châu còn là tên trái măng cụt trồng nhiều ở miền Nam như sau:
Nhà vườn Nam Bộ có một thứ cây ăn trái thuộc loại đặc sản là măng cụt. Măng cụt là một trong số rất ít cây trái phương Nam có thể trồng được ở Huế vì thích họp với thổ nhưỡng Thừa Thiên. Nở hoa kết trái ở kinh đô, dâng tặng cho cho vua quan cùng thứ dân một loại trái cây ngon ngọt đặc biệt, cây măng cụt dân dã của miền Nam đã được người đất  kinh kỳ đặt cho một cái tên Hán Việt sang trọng và có ý nghĩa : Giáng Châu. Giáng Châu là châu ngọc quý hiếm rơi xuống từ trời cao, hòa hợp mật thiết với địa danh Thừa Thiên có nghĩa là tiếp nhận những gì thiêng liêng, cao quý và tốt đẹp nhất ở trên trời.

3. SỰC TẮC
Xe mì gõ, hủ tiếu gõ 
Chị Năm tôi học nữ hộ sinh, ra trường được giữ lại làm việc ở trường Nữ hộ sinh Quốc gia Huế. Tôi ngày ấy đang học đệ tam nhưng vẫn là một chú nhóc con được cả nhà cưng chìu, được ra Huế thăm chị và ở lại vài ngày, có hôm hơn 9 giờ tối, nghe mì gõ ngoài đường chị mua để hai chị em ăn, ngon như là được ăn “nem công chả phượng”! Sau này, khi là sinh viên học ở Huế, những tối đi dạy (kèm) về, mùa đông, trời Huế lạnh và mưa lất phất, nghe tiếng gõ vào nhau rất thanh bằng hai thanh tre cật của xe mì gõ, tôi lại nhớ về bốn năm năm trước, nhớ chị mình. Vừa rồi đọc lại “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” của Thạch Lam sau gần 50 năm, thấy ở phần “Quà Hà Nội” ông nhắc đến mì gõ và vằn thắn của người Tàu, tên gọi cho món mì gõ mà tôi đã từng nghe nhiều là : “sực tắc”. Hồi ấy cũng chỉ nghe qua rồi bỏ, bây giờ đọc, thấy Thạch Lam giải thích rất thú vị: Sực tắc là thực đắc nghĩa là ăn được, chỉ một loại mì bình dân, không sang trọng, cầu kỳ như mì ở các tiệm nổi tiếng. Ông viết:“Người Hà Nội ăn quà sành nên khó mà lấy nhiều làm hoa mắt người ta được. Có lẽ người bán nghĩ rằng quà rao là sực tắc, hai thanh tre gõ vào với nhau như tiếng guốc đi của một gái về đêm mà sực tắc chính là hai tiếng Tàu:  “thực đắc” mà ra. Thực đắc là ăn được, cho nên quà chỉ cốt ăn được, không cốt gì ăn ngon!”. Đọc hết phần này trong sách và nghĩ về những ý ông giải thích, thú vị vô cùng!

4. GIÒNG HỌ NGUYỄN TƯỜNG.
Nhà văn- họa sĩ Duy Lam trong phòng triển lãm tranh của ông
Nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn**, cháu gọi nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là cậu ruột, gia nhập Tự Lực Văn Ðoàn năm 1958, lúc ông mới 19 tuổi, là thành viên trẻ tuổi nhất. Trả lời phỏng vấn ký giả Mặc Lâm đài RFA*** nhân cuộc triển lãm tranh của ông ở Virginia, Hoa Kỳ gần đây, khi nói về cuốn hổi ký mà mẹ ông, bà Nguyễn Thị Thế viết về gia đình Nguyễn Tường, Duy Lam cho biết:
Trong sách học thì ghi là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sinh ở Hải Dương, không nói gì đến gốc gác của họ Nguyễn Tường, là một dòng giõi quan từ đời ông Nguyễn Tường Vân là Binh bộ Thượng thư của vua Gia Long

Khi quyển hồi ký ra đời vào năm 1968 ở Sài Gòn thì nó đã làm cho tất cả các sách giáo khoa phải thay đổi vì cái gọi là gốc gác của họ Nguyễn Tường là ở Cẩm Phô, Quảng Nam. Trước đó không ai hề hay biết. Trong sách học thì ghi là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam sinh ở Hải Dương, không nói gì đến gốc gác của họ Nguyễn Tường, là một giòng dõi quan từ đời ông Nguyễn Tường Vân là Binh bộ Thượng thư của vua Gia Long. Chữ Tường là bởi vua Gia Long đi đến chân núi Phước Tường, Hội An thì hỏi mọi người núi này là núi gì, ông trả lời “Thưa Chúa đây là núi Phước Tường”. Vua Gia Long nói với ông Nguyễn Tường Vân đi bên cạnh là hầu cận rất thân “Phước là họ ta nhưng Tường thì ta ban cho nhà ngươi”. Từ đó trở đi thì mới là họ Nguyễn Tường, trước thì chỉ Nguyễn không thôi.

Hồi trung học, khi học môn “Kim văn” (phân biệt với Cổ văn) về các tác giả Tự Lực Văn Đoàn, tôi vẫn còn nhớ phần tiểu sử Nhất Linh “sinh năm…tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, Bắc Việt…”, khi hồi ký bà Thế được xuất bản thì tôi đã học lên rồi, không biết chuyện “tất cả các sách giáo khoa phải thay đổi vì cái gọi là gốc gác của họ Nguyễn Tường là ở Cẩm Phô, Quảng Nam”.

Viết lại những ghi chép ở trên, tôi vẫn lo không biết liệu có “mua vui cũng được một vài…phút giây” cho bạn bè không?


*Ông Hà Thúc Hoan là tác giả nhiều bài viết giá trị đăng trên tập san Văn Hóa Phật giáo.
**Tác phẩm của ông gồm truyện ngắn Chồng Con Tôi, Ngày Nào Còn Ðàn Bà, Nỗi Chết Không Rời, Em Phải Sống.  Hồi ký Gia Ðình Tôi. Truyện dài Cái Lưới, Lột Xác.

*** Bài đăng ngày 24/8/2013 trên rfa.org
--> Read more..

1/9/13

SÁM HỐI ?


Nếu từ trên 60 tuổi là người già thì  tôi đã là …già chắc. Vào tuổi này, nhiều người đã nghỉ ngơi, tồn tâm dưỡng tánh, gác mọi thị phi ở đời để sống vui với con cháu, đi bộ, tăng cường thể dục thể thao để giữ gìn sức khỏe, đọc sách thánh hiền, tụng kinh niệm Phật, du lịch, thăm hỏi người thân, bạn bè…và làm những việc mà thời trẻ vì mãi mê sinh kế mình không làm được. Vậy mà, không hiểu có phải vì tham sân si còn nhiều, ngã mạn còn lớn nên tôi vẫn chỉ thực hiện được một ít, chưa buông bỏ được những chuyện cần bỏ, vẫn dấy vào …thị phi!
--> Read more..

27/8/13

MERIT MAKING (DÂNG VẬT THỰC)


Những năm sau 1975, trong những buổi học chính trị tôi thường nghe báo cáo viên nói nhiều lần, qua nhiều năm một câu (hình như của ngài Thủ tướng Phạm Văn Đồng?):
“Ở Việt Nam, ra ngõ là gặp anh hùng!”. Ngày ấy, tôi ngờ ngợ chuyện này. Hơn một năm sống ở Thái Lan tôi lại nói: “Ở Thái Lan, ra đường là thấy Phật!”. Phật ở đây dĩ nhiên không phải là tượng Phật mà là “tánh Phật”, “tâm Phật” trong mọi con người thuộc đủ mọi giai tầng xã hội, đủ mọi trình độ  khác nhau mà tôi từng tiếp xúc, từ ông cảnh sát nghỉ hưu đến cô giáo đương nhiệm, từ chị dọn quét, lau kính trong chung cư đến anh xe ôm, bác tài xế tắc xi, đến cô manager, đến người bán tạp hóa ở chợ… với tỉ lệ rất cao.

1.
Là một quốc gia mà đạo Phật được công nhận là quốc giáo với  khoảng 95% dân số là Phật tử, ở Thái Lan, đạo Phật đi vào đời sống người dân khá rõ, chùa chiền được xây dựng to rộng ở nhiều nơi, người tu hành được xã hội trọng vọng là nét phổ quát nhất nhưng nếu để tâm quan sát sẽ thấy thêm nhiều chuyện khác mang tính làm chứng rõ hơn:
- Ở nhiều nơi, các văn kiện hành chánh, bích chương, hạn sử dụng  trong nhãn hàng hóa (date) ghi năm theo Phật lịch (2556) thay vì theo Dương lịch (2013).
- Theo nhiều tài liệu tiếng Việt trên các website về đất nước và Phật giáo ở Thái, các công trình giao thông lớn và quan trọng  chính quyền nhờ  Nhà Chùa và Tăng Lữ  giám sát thi công để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình dầu bản thân các chủ thầu cũng là những tín đồ Phật tử thuần thành.
- Mỗi năm có nhiều ngày lễ Phật, các nhà máy, công sở, trường học… được nghỉ .
- Trong những ngày lễ lớn, tín đồ đến chùa rất đông để cầu nguyện, nghe pháp, kinh hành với thái độ trang nghiêm đúng mực, ngày thường thỉnh thoảng cũng có người đủ mọi lứa tuổi đến lễ Phật, cúng dường, đóng góp từ thiện hoặc góp tiền trùng tu chùa chiền. Ngoài hoa trái thường bán ngay lối vào chùa để dâng bàn thờ, Phật tử còn mua y để cúng dường cho sư, gạo, nước tương, nấm các loại, …biếu bếp ăn nhà chùa.
- Trên con đường nhỏ vào trường Patana ở Bang na cách trung tâm Bangkok chừng 20km có một tự viện, vào mỗi buổi sáng  rất nhiều người dân bỏ thức ăn vào bình bát khi sư đi ngang một khu buôn bán ven đường rất trang nghiêm và thành kính!

2.
Mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tại Thái Lan, Công Ty Nestle của Thụy Sĩ  bây giờ là một Công ty đa quốc gia (được biết đến ở VN với các nhãn hiệu hàng hóa như NestCafe, NestTea, Sữa Milo, nước khoáng La Vie…) tổ chức lễ Dâng Vật Thực Cho Sư ngay trước tòa nhà Centre World, trung tâm Bangkok, nơi đặt Head Office của Công Ty. Đây là một nét trong sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Thái Lan.

Hơn 7g sáng, việc chuẩn bị đã hoàn thành, có hai hàng bàn dài được xếp ngay thẳng, mỗi hàng 7 dãy ngăn cách nhau bởi các cột lớn, mỗi dãy có 5 bàn, loại bàn học của học sinh cỡ 1m x 0.4m trên đó đặt rất nhiều quà, phần lớn được gói giấy kính thắt nơ vàng lịch sự, trên một số bàn khác đặt rất nhiều cà mèn 3 tầng và hàng trăm chai pet nước khoáng.
Một trong 7 dãy bàn có sẵn quà và nhân viên dâng quà

Các nhân viên Nestle đã sẵn sàng trước các gói quà!
Các nhân viên công ty áo quần trang trọng đứng trước các dãy bàn. Một số đến sau trên tay đều mang theo các bao quà tặng cá nhân.
Những người đến sau đem theo quà tặng cá nhân của mình trước dãy chính giữa
Bên kia đường có  một hàng 15 xe 17 chỗ đang đậu.
Xe chở các sư áo vàng bên kia đường và cà mèn đựng thức ăn
Đúng 7g30, từ phía trái của sảnh có 48 sư theo hàng dọc mặc áo nâu, vừa nâu đậm vừa nâu nhạt từ ngoài đường đi vào. Đây là những sư tu ở ngôi chùa lớn tại khu Siam, khu sầm uất nhất ở trung tâm Bangkok, chùa Wat Pathumwanaram cách nơi tổ chức lễ chừng 300m. Các sư được hướng dẫn đi hàng một đến trước các bàn, nhân viên Công Ty vái chào thành kính rồi trao tận tay sư các món quà. Các sư đi chân đất nên người tặng quà cũng tháo giày dép bỏ ra ngoài (để thấp hơn các Sư)  khi tặng và theo quy định mà tất cả phải tuân thủ, quà hay vật thực chỉ được đặt vào bình bát và khay bạc do chính các sư đem theo. Chỉ là nhận tượng trưng vì sau đó, một số nhân viên gom vào các xe loại đẩy hàng siêu thị giúp đưa về chùa hoặc giỏ cần xé nhựa đem ra xe vì mỗi sư cùng nhận được nhiểu gói quà khác nhau và số lượng giống nhau.
Sư ở Wat Pathumwanaram đang đi bộ vào nơi tổ chức lễ

Các nhân viên đang dâng quà, chân không giày dép

Trong lúc các sư áo nâu nhận vật thực thì các sư trên những xe đậu trước mặt sảnh xuống xe xếp hàng và tuần tự vào nhận. Những sư này mang y màu vàng cam, vừa cam đậm vừa cam nhạt, tôi đếm được có 150 vị, nhiều độ tuổi khác nhau, có những sư rất già, tuổi trên 70 và cũng có những sư vào độ tuổi 12-13 mà ở Việt Nam chúng ta thường gọi là chú tiểu (điệu). Những sư này ở các chùa chung quanh thành phố. Dầu áo nâu hay áo vàng, biểu hiện trên nét mặt các sư khi nhận vật thực đều giống nhau, nghiêm trang,  lặng lẽ.   
Sau khi  tất cả nhận quà xong, các sư đứng thành hàng trước các bàn chắp tay tụng kinh, cũng là chúc phúc cho Công Ty Nestle và mọi người rồi lần lượt ra về.

Trong một entry năm ngoái, tôi đã có bài viết về chuyện làm từ thiện của công đồng người Anh sinh sống ở Thái: Ploenchit Fair tổ chức hàng năm hội chợ gây quỹ từ thiện. Và hoạt động Dâng Vật Thực cho sư, là một hoạt động ngoại giao- xã hội của Công Ty này cũng ý nghĩa như việc tổ chức hội chợ của người Anh. Ngoài hoạt động này, số tiền đóng góp từ thiện xã hội của Nestle ở Thái cũng thường xuyên và không nhỏ.


Bỏ qua mục đích quảng bá thương hiệu, tôi nghĩ rằng đây là một việc làm mang ý nghĩa văn hóa, tôn giáo rất lớn và chắc chắn những quà tặng, vật thực đến tận tay các sư cũng như tiền từ thiện sẽ đến đúng địa chỉ cần đến trên đất nước nhiều Phật này, không thất thoát, không vào túi cá nhân như ở đất nước nhiều anh hùng kia!.
--> Read more..

24/8/13

CŨNG MỘT CÁCH NHÌN.

1.
Anh bạn thân của tôi, hiệu trưởng một trường trung học lớn, là người có tài. Ở trường, lãnh đạo công việc dạy và học rất thành công, ở nhà, tổ chức kinh doanh hiệu quả, viết lách tốt, thường có nhiều bài viết gía trị đăng trên một số tờ báo trung ương, viết kịch bản và tổ chức thành công nhiều buổi lễ, sự kiện lớn trong trường…
--> Read more..

19/8/13

ĐỌC “CUNG ĐƯỜNG VÀNG NẮNG”*.


Lâu lắm mới có một tác giả in sách giấy buộc tôi đọc đến tác phẩm thứ nhì sau khi xong tác phẩm trước: Nguyễn Nhật Ánh, “Cho tôi một vé về tuổi thơ” rồi “Xóm Gò đi lên”. Bây giờ lại một tác giả khác, còn muốn quay lại những chương mình thú vị, có vẻ như muốn đọc lần hai: Dương Thụy, Oxford thương yêu” rồi “Cung đường vàng nắng”.
--> Read more..

13/8/13

Những địa chỉ khó quên ở Nha Trang



Tôi đến Nha Trang lần đầu tiên vào Giáng sinh 1968 khi từ Đà Lạt chạy Honda xuống với đứa em họ, đi công việc và chỉ ở lại một đêm rồi quay về nhưng thành phố này đã tồn tại trong tôi từ năm lên sáu qua những chuyện kể, những tấm hình anh Hai tôi làm việc ở đây giữa thập niên 50 của thế kỷ trước đem về.
Nhà ga, chùa Hải Đức, nhà thờ Đá, cầu Xóm Bóng… in đậm trong tâm trí tôi từ những tháng ngày xa xưa ấy với những tự hào trẻ con, làm gì mà lũ bạn cùng xóm  hay cùng lớp nghe nói đến những nơi này? Tôi nhớ những tối mùa hè sáng trăng, đem chiếc chõng tre  ra trước sân nhà ngồi hóng mát, mẹ tôi vẫn thường đọc “Trăng rằm mười sáu trăng treo/ Anh đóng giường lèo cưới vợ Nha Trang”, mỗi lần nghe thế, tôi nghĩ đến anh Hai và mong mau đến ngày anh về.

Ra trường, vào Cam Ranh dạy học tôi đi máy bay, khoảng 4g chiều thì máy bay lượn vài vòng, hạ độ cao để xuống phi trường Nha Trang. Ra khỏi đồng rưộng phía Nam, từ trên máy bay nhìn xuống là biển xanh ngan ngát, những con sóng ngoài khơi lăn tăn và xa xa là vài chiếc thuyền đánh cá, biển và bờ biển trong nắng nhạt buổi chiều đẹp như vẽ, là nhiều căn nhà màu trắng của thành phố và hình ảnh đó đọng lại trong tôi mãi đến bây giờ khi tôi gắn bó với nơi này đã bốn mươi năm.

Cam Ranh cách Nha Trang 60 cây số, hồi ấy chỉ đi xe đò, tôi lại không có người thân ở đó nên thời gian đầu thấy xa lạ dầu rằng ngay từ 1968, khi chạy xe về lại Đà Lạt, trên đường Nha Trang-Thành, nhìn khung cảnh hiền hòa hai bên đường, tôi đã mơ sẽ được định cư lâu dài ở xứ này. Cuối tuần, những đồng nghiệp có nhà ở đây về nhà, người khác có bạn bè, người thân thì ra chơi, nghỉ cuối tuần, khi vào lại kháo nhau nào là đi uống bia dưới Duy Tân, nào là coi phim “Meurtre au soleil” ở Nha Trang Ciné đường Hoàng tử Cảnh mà mình chưa có cách nào vì vài tháng đầu tôi chưa có bạn để đi cùng.
Nhưng rồi, “Que sera, sera!”, dạy ở Cam Ranh đúng 4 tháng thì quân giải phóng đánh BMT rồi miền Nam mất, di tản, quay về, xin dạy lại, làm quen với nền giáo dục mới…và trong bối cảnh đó, tôi có KN, một “đàn chị” sinh trước tôi vài tháng, ra trường trước tôi hai năm nhưng cùng lứa “tú tài Mậu thân” và cùng học ở Huế với nhau.

1. KN có một người cô ruột (em bố) làm việc ở bệnh viện tỉnh có chồng là đại úy pháo binh VNCH, nhà ở đường Phương Sài, khi chúng tôi có nhau, nàng đưa tôi về giới thiệu rồi từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi ra nhà hoặc mỗi dịp hè về sở giáo dục học chính trị - nghiệp vụ tôi đều ghé nhà Phương Sài, nhà của O trở thành địa chỉ đầu tiên gắn bó với tôi với khá nhiều kỷ niệm vui buồn nhất là khi tôi thành cháu rễ của O, Chú đầu năm 1978.
Tháng 10 năm đó, khi chúng tôi chuyển lên dạy ở trường miền núi Phú Yên thì nhà O trở thành chốn đợi về, chốn nương thân của chúng tôi khi về thành phố, nơi chú cháu ngồi khề khà tâm tình, đàm đạo chuyện thời thế bên ly rượu thuốc, nơi O tôi, bằng đồng lương ít ỏi của mình vẫn sắm chút gì cho anh chị ăn chứ ở núi mấy tháng rồi! Sau này khi vợ tôi sinh con gái đầu và khi cu Út bệnh chuyển từ Tuy Hòa về Nha Trang điều trị dài ngày đều về ở đây và có sự giúp đỡ của O Chú và các em..
Khi chúng tôi về hẵn Diên Khánh, nhà O vẫn là nơi chúng tôi tá túc trước khi có chổ ở ở trường, vẫn thường xuyên lên xuống nhưng khi chúng tôi ổn định ở nhà riêng của mình không lâu thì tôi đi làm xa, vợ tôi cũng bận rộn, xuống Nha Trang thì dành thì giờ ghé ông bà ngoại các cháu từ Huế vào sống sau này, chúng tôi ít ghé thăm, mỗi năm chỉ ghé vào mùng một Tết và ngày giổ bà nội nhưng từ sâu thẳm lòng mình vẫn luôn nhớ ơn O Chú.

2. Khi chúng tôi chuyển lên miền núi Phú Yên vào gần cuối thập niên 1970’s, trường mới thành lập, có 3 cô giáo vừa ra trường khóa 2 CĐSP từ Nha Trang cùng lên. Trong môi trường khó khăn vất vả ấy, mọi người dựa vào nhau để sống, làm việc và nhóm Nha Trang nhanh chóng gần gủi nhau, giúp nhau từng việc nhỏ trong khả năng của từng người. Có người xuống núi là sẵn sàng giúp đỡ những người ở lại, giúp chuyển thư tới tận nhà cho từng người, khi lên lại đem thư và quà lên giúp. Và tôi biết đến địa chỉ thứ 2, đường Lạc Long Quân trong trường hợp này.

Ông bà ngoại Sơn. chủ nhà, như cách gọi thân mật của chúng tôi sau này,  người gốc Huế, sống Nha Trang từ lâu lắm, có 10 người con, chị đầu lấy chồng ở gần, Mai, cô giáo dạy cùng trường tôi là con thứ tư và một bầy lít nhít phía sau, hình như chỉ có hai người đầu nói giọng Huế còn mấy anh chị em sau đều nói giọng Nha Trang.

Khi tôi đến lần đầu chuyển thư Mai, mọi người nhìn tôi rất lạ, sau này mới biết là vì khuôn mặt tôi “khá giống” với chàng rễ chồng Dung, cô gái thứ ba trong nhà, thiếu tá QLVNCH đang cải tạo tận ngoài Trung. Chiều hôm đó tôi ngồi trước hiên, người anh thứ hai đạp xích lô về, lại cận thị, nhìn thế nào tưởng tôi là em rễ, định chạy lại ôm mừng! Có thể chuyện này cộng với cách cư xử thật lòng của tôi, không lâu sau tôi được mọi người đối xử rất gần gủi thân tình, nhất là ông ngoại và người con trai lớn.

Lên trường gần 3 tháng thì về  Nha Trang ăn Tết rồi giữa tháng giêng năm đó vợ tôi sinh con đầu lòng và nghỉ hậu sản mấy tháng ở đây, mặc dầu đường sá cách trở, xe cộ khó khăn với 7-10km đi bộ nhưng tôi cũng thường xin về và lần nào cũng ghé Lạc Long Quân chuyển thư.
Có lần gia đình nhờ tôi giúp dẫn Dung lên thăm em gái ở trường, vậy là tôi có được một lần đi có bạn đồng hành, 170km mua vé xe đò hai bến và 7 hoặc 10km đi bộ qua các khu canh tác của nông trường.
Sáng ngày đi, tôi ra bến xe nội tỉnh xếp hàng mua vé trước cho hai người, đang chờ đến lượt thì nghe có ai vổ nhẹ vào lưng, giật mình quay lại, Dung đã tới với nụ cười thật tươi,  ăn mặc giản dị nhưng đẹp và sang mà hình ảnh còn lại trong tôi là áo lain cổ tròn màu Bordeaux chen vài ba hình vuông nhỏ màu đen và xanh đen ở thân trước. Lúc đó em chỉ vừa 24 tuổi nhưng đã có một con gái lên ba!
Xe chạy tới Vạn Giã thì Dung say xe, mệt, xây xẩm và buồn nôn. Tôi phải trổ tài thầy thuốc, xoa dầu, bắt gió … cho em tựa đầu vào vai tôi để nghỉ ngơi. Nhờ đó, em ổn định dần để đến khi xuống hết đèo thì em bình thường lại, nói cười vui vẻ và không hiểu sao tôi cũng thấy lòng mình vui khi nghĩ chắc hành khách trên xe nghe cách xưng hô của chúng tôi và nhìn thấy cách chăm sóc của tôi cho em, chắc chắn sẽ nghĩ đây là hai vợ chồng!
Ra tới Tuy Hòa thì biết được một tin vui: xe của trường xuống thị xã công tác, vậy là chúng tôi sẽ bớt được chín, mười cây số đi bộ và Dung cũng đỡ nhọc nhằn khi mới mệt xong. Chúng tôi cùng qua ngã ba lên Phú Thứ để ngồi chờ xe trường, rất may, có một mái tranh, hình như là quán sạp của ai đó đã không còn dùng, anh em tôi vào ngồi để xe về ngang dễ nhìn thấy.
Gần 2 giờ chờ ở đây, anh em nói chuyện lan man không đầu đuôi gì, Dung kể tôi nghe chuyện học vài năm luật ở Sài Gòn, chuyện lấy chồng, chuyện công việc hiện tại rồi bất ngờ nặn mụn trên mặt cho tôi, tôi nghĩ, vậy là mọi chuyện bắt đầu, chuyện say xe ở Vạn Giả không  chừng cũng “trong kịch bản”. Có điều, Dung trẻ trung, xinh đẹp, cư xử rất dễ thương cũng dễ làm mình xiêu lòng để rồi…”gone with the wind”!
Hình như có cái bẫy giăng ra và không ngờ tôi lại ngoan ngoãn chui vào trong đó!
Sau này, lần nào về Nha Trang kể cả khi chúng tôi đã rời miền núi, cô đồng nghiệp đã chuyển về Nha Trang tôi vẫn ghé thăm ông bà, thăm cả nhà, thăm mẹ con Dung, em vẫn nhận hàng HTX về nhà làm nên rãnh rỗi, buổi tối chúng tôi lấy xe đạp ra biển, đi uống nước rồi chạy vòng vòng nhiều nơi, nói là để sau này có chuyện mà nhớ nhau, để một trong hai đứa có dịp đi qua là nhớ đứa còn lại.
Chúng tôi về Diên Khánh ít lâu thì chồng em xong cải tạo về nhà, vài tuần sau, nhân sinh nhật con gái, họ mời vợ chồng tôi dự, khách mời và gia đình hơn 20 người ngồi trên một dãy bàn dài, vô tình tôi, vợ tôi, chồng Dung cùng ngồi một bên nhưng cách nhau, em đến sau tôi sau khi đã bấm trước với thợ chụp hình, tựa cằm vào vai tôi để thợ bấm máy. Em nói với tôi, đến lúc phải kết thúc mọi chuyện và tôi cũng thấy đó là điều cần thiết, rồi sau đó, chúng tôi đối với nhau như anh em, cho đến ngày gia đình em xuất cảnh, khi tôi biết thì em đã định cư rồi ở Mỹ rồi!.
Nếu có ai nghĩ đây là một chuyện tình thì tôi nói rằng, với tôi, đây là chuyện tình nhỏ có happy end!

Hoàng Dung ơi, hơn ba mươi năm qua, mỗi lần nghĩ đến em, nghĩ về quan hệ của bọn mình anh vẫn thầm cám ơn, trân trọng những tình cảm em dành cho anh và nhất là cách xử sự đầy hiểu biết của em nhưng vẫn thấy, ở khía cạnh nhân bản của mối quan hệ này, anh có lỗi với em. Rồi nghĩ lại, anh lại tha thứ cho mình vì lỗi do anh không cố ý và không hiểu biết để hành xử đúng trong tình huống này!
Hình chụp chung với em anh không có tấm nào nhưng chắc rằng chúng ta rất giống với người Việt khi vừa vượt biển đến Palawan phải không em?
Lần ghé gần đây nhất của anh là tháng 9 năm ngoái, lúc nghe tin ông ngoại bệnh nặng nhưng đến nơi thì rất mừng, ông khỏe, nói chuyện vui vẻ, tỉnh táo…chỉ đáng tiếc là sau bao năm, vật đổi sao dời, anh không còn nhìn thấy được một chút dấu vết, một chút hình ảnh ngôi nhà ngày xưa đã xa lắm rồi, để mường tượng hình ảnh em ở đâu đó trong nhà chạy ra, cười bằng mắt và hỏi: “Anh về khi nào, có khỏe không, bao giờ đi lại…?”.
--> Read more..

7/8/13

Nhớ những bản nhạc mùa Thu

Chắc không mang “tâm lý bầy đàn” nhưng có thể có chuyện “Thấy người ta ăn khoai mài vác mai chạy quấy”. Mấy ngày nay, dạo một vòng trên các blog, thấy trên Ký ức nhỏ của Nobita có “Bóng mùa thu”, Nguyễn Thu Thủy có “Sang thu”, lại nghe anh HHP đọc trên HATCAT có “Lạc thu”… lòng tôi cũng rộn lên những suy nghĩ về mùa Thu, một mùa đã gợi  cho văn thi sĩ  rung động để viết nên nhiều tác phẩm giá trị mà Anatole France, Appolinaire, Thanh Tịnh là những tên tuổi được nhiều người biết.
Nếu sức đánh động lòng người không lớn thì tại sao ngay cả trong mục “Tìm bạn tâm tình”, người ta tự giới thiệu tuổi bằng câu (rất sến): “Đã qua (ví dụ như) 21 mùa lá rụng / mùa thu nhìn lá rụng” mà không là mùa đông lội lụt hoặc mùa hè nhìn phượng nở?

Mùa thu gợi cho tôi nhớ và hát những bản nhạc tình.
- Nhớ “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn, Anh mong chờ mùa thu, trời đất kia ngả màu xanh lơ, đàn bướm kia đùa vui bên muôn nơi, bên những bông hồng đẹp xinh…
- Nhớ Hoài thu, không nhớ tác giả: Mùa thu năm ấy, trên đường đến miền cao nguyên, Đà Lạt núi rừng thâm xuyên, thác ngàn nước bạc thiên nhiên…
- Nhớ “Thu ca” Lạnh lùng sương rơi heo mây, buồn man mác bóng chim bay, mây tím giăng sầu đó đây…
- Nhớ “Mùa thu chết” của Phạm Duy phổ nhạc từ L’Automne morte: Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo, em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi….
- Nhớ “Nhìn những mùa đi” của Trịnh Công Sơn, Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng, và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng nghe tháng ngày chết trong thu tàn… 
- Còn một loạt bài: Buồn tàn thu, Thu cô liêu, Thu vàng, Mấy độ thu về, Ơi Nha Trang mùa thu lại về... và có thể còn nhiều nữa mà tôi chưa biết hay không còn nhớ!

Mỗi một bài hát, mỗi một lời nhạc đều gắn với và nhắc tôi về một thời, một nơi, một người bạn, một người tình… với những kỷ niệm buồn vui nhưng dễ thương và đẹp !

Nhớ quán Bờ Sông đầu cầu Vĩnh Phương hơn hai năm trước, ngồi cùng với anh Cuồng Từ, Phù Vân Đặng Cước, Dũng Nobita, Như Thị vào một chiều trời xám và mưa nhẹ nhưng nước từ nguồn đổ về ầm ào, Nobita đàn, tôi và Như Thị hát “Nhớ mùa Thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, khán giả là hai anh còn lại:  Hà nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, ngồi kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói rêu phong… Bên bè bạn thân tình, men bia làm tôi mơ được một lần, vào một ngày mùa thu Hà Nội, ngồi bên “em” ở một ngôi nhà cổ trên phố xưa và lắng hồn mình lại để nghe quá khứ thì thầm!

Lại không thể quên, cũng tại quán này, ngày tôi về thăm Nha Trang, trùng với dịp Miêu Nữ và Ong từ Hà Nội ghé thăm, thực hiện lời hứa với AQ, tôi làm món gỏi bắp chuối đem xuống quán, mời anh em gặp để được thăm. Với rất đông bạn bè, vẫn Nobita đàn, tôi, Dũng, Miêu, cùng hát “Có phài em là mùa thu Hà Nội” Trần Quang Lộc phổ thơ Tô Như Châu: Tháng tám mùa thu, lá khơi vàng chưa nhỉ, từ dạo người đi, thương nhớ âm thầm? Có phải em là mùa thu Hà nội, thời phong sương anh cũng gắng đi tìm…

Ơi những mùa thu đã qua, ơi bạn bè thân quen, yêu dấu của tôi, tôi đang nhớ các bạn thật nhiều!, hôm nay là Lập thu năm 2013, ngày 07 tháng 8.


--> Read more..

4/8/13

TỪ THIỆN

Có vẻ như tôi không có “duyên” hay không có “mạng” làm từ thiện!. Hồi đi dạy, thấy vài  học sinh nghèo quá, muốn tìm giúp các cháu một nguồn trợ cấp thường xuyên, nhân tổ chức chia tay với một học sinh trong lớp đi xuất cảnh, tôi nói ý định xin em này mỗi tháng 10 USD khi em đã ổn định, cả lớp ngạc nhiên nhưng khi biết ý định của tôi thì vui (vì tôi cũng nhờ em này chuyển thư tôi đến 4 em trong lớp đã định cư trước đó). Em hứa hẹn và các em nhận thư đều hứa hẹn, ít mà! Vậy mà ngày tháng qua, bặt tin!
Gần đây, nhân thấy con trai đang mình làm từ thiện rất hiệu quả, khi tình cờ biết tin ở một xã cùng huyện quê tôi có một thôn có gần 40 gia đình có người bệnh ngặt nghèo gồm ung thư cổ tử cung và tâm thần, tôi cũng kêu gọi trên Facebook, đến nay đã hơn tháng vẫn không có phản hồi!
--> Read more..

29/7/13

Đọc "OXFORD THƯƠNG YÊU" (*)

Bìa sách "Oxford thương yêu"
Nếu có ai bảo rằng tôi Khéo khen phò mã tốt áo! thì cũng đành. Với tôi, phò mã đã tốt áo (qua những tác phẩm đã xuất bản, qua 3 giải thưởng văn học từ 1999-2005) mà còn tốt cả một số khía cạnh khác về con người.
Phò mã này là nhà văn nữ Dương Thụy, tác giả của Oxfort thương yêu mà tôi vừa đọc gần đây.
Chuyện là hồi về thăm gia đình ở Huế và Đà Nẵng trong tháng 5, khi vào lại Sài Gòn để chuẩn bị đi, con gái tôi gửi e-mail như là một PO nhờ mua đem qua một lô sách nhiều thể loại, tiểu thuyết có dăm quyển mà trong đó 2 cuốn là của Dương Thụy.
--> Read more..

22/7/13

THĂM STATUE DE LIBERTÉ, NEW YORK.

Hồi ở Sài Gòn, ngán ngẩm hàng Tàu, sợ thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, thực phẩm biến đổi gène, chúng tôi hạn chế tối đa việc mua hàng ở chợ mà mua ở các siêu thị dầu biết là không hoàn toàn tin cậy được. Ở Lotte Mart, Coop Mart, Metro và sau này cả Ruby Mart trong chung cư  tôi sống, các cháu đều làm thẻ, tích điểm, cuối năm cũng nhận được những món quà vui vui. Không dùng thì cũng có cái tặng người thân dịp Tết.
--> Read more..

17/7/13

Vài ghi nhận về người Việt ở Bangkok.

Xuống phòng tập dụng cụ ở tầng 6, thỉnh thoảng trong sổ LOG IN ghi tên người, số nhà, thời gian, loại hình sinh hoạt… thấy có tên viết bằng tiếng Việt, có lúc dưới hành lang tầng trệt nghe một phụ nữ ngồi với một người da trắng nói trên điện thoại bằng tiếng Việt. Vậy là chung cư mình ở có người Việt, thật vui. Về, khoe với cả nhà và nghĩ rằng sẽ tìm đến thăm họ...

--> Read more..

15/7/13

Amazing Thailand. Visit Laos Year, Simply Beautiful


Một anh bạn trẻ, dân Tourist guide, sau chuyến đi Lào, Thái Lan năm ngoái, viết lại vài cảm nghĩ về chuyến đi và gửi cho tôi. Cám ơn bạn. Nghĩ rằng bạn bè sẽ vui khi đọc bài này nên post lên blog của mình như là một chia sẻ.

--> Read more..

10/7/13

Made in USA

1. Hồi 1972, KN (sau này là vợ tôi) ra trường dạy ở Trung học Cam Ranh, mấy chị em đồng nghiệp thuê nhà trong cư xá Đoàn Kết gần trường, ăn cơm tháng. Có một lần, KN kể lại, dạy xong tiết học cuối trong tuần giữa sáng thứ bảy, vừa về nhà thì có xe của người quen từ Nha Trang vào rủ mấy chị em đi Đà Lạt. Thích quá, tất cả dọn dẹp vội vàng rồi…lên xe.
--> Read more..

7/7/13

Môn thủ công thời tiểu học


Gần đây, đọc được hai entry của bác Ngọc Hiệp Phạm, “Dơi và Chuột” và “Đá dế”, nhìn những con dơi, con chuột, dế than, dế lửa  bác làm và hình minh họa, nhất là các con dế bác bảo là “Ra cổng đình ngồi làm… cho con nít chơi” tôi thật sự kinh hồn, mới nhìn cứ ngỡ như thật và các commentor ai cũng thán phục (như thán phục Nobita khi nhìn chân dung ký họa nhà thơ Nguyễn Đức Sơn ở Phương Bối, B’lao do Nobita vẽ và post minh họa kèm theo hình chụp khuôn mặt chính anh Sơn trong bài viết “Một ngày thấy núi” trên “Ký ức nhỏ”). Qua những chuyện này trí nhớ tôi bỗng trôi về những ngày tháng thật xa, tròm trèm nửa thế kỳ: những năm học tiểu học trường làng.

--> Read more..

29/6/13

Mẹ Teresa Calcutta


“Theo huyết thống, tôi là người Albani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian này. Và theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về những người bất hạnh, khổ đau” (lời Mẹ Teresa)

--> Read more..

25/6/13

Thời gian


Vậy là chúng tôi đã hoàn thành chuyến về thăm quê, thăm nhà. Thời gian ở có dài hơn dự định cả tháng nhưng nhìn lại, cũng thấy thỏa lòng.
Về với đại gia đình, là con út nên trước mẹ tuổi trăm, ba mẹ vợ giữa hàng tám, anh chị hàng bảy, hàng tám tôi thấy mình là trẻ nhỏ. Chỉ sau hơn ba tháng, về lại thấy ai cũng đương đầu vất vả với tuổi già đang ập xuống, người lên xuống cầu thang khó khăn, người cánh tay phải “dỡ không lên”, người ngồi vào bàn ăn như một nhiệm vụ, người khác không hề háo hức khi nhà sắm món ăn ngon như vài tháng trước! và ai cũng kè kè vỉ thuốc bên mình!
Nhìn mà thấy thương, buồn và nghĩ đến ngày đó của mình cũng không còn xa.
Mẹ tôi 100 tuổi bên hộp quà gồm 5m lụa Thái Tuấn và tiền Nhà nước tặng nhân QTNG 06/6/2013
Nhà Nha Trang xuống cấp trầm trọng vì đã ba năm nay khóa cửa, không người ở,chỉ thỉnh  thoảng cô em vợ ghé mở cửa, thắp nhang, cây cối hư  hao, tàn tạ, chết dần mòn… nhà Sài Gòn cũng cùng số phận nhưng do còn mới và chúng tôi không ở chưa lâu nên chưa đến nổi nào, chỉ cây cối ngoài balcon phía sau phải sống lây lất nhờ mưa.
Cây cối tại balcon nhà ở SG bây giờ chỉ sống nhờ nước Trời!
Qua lại Bangkok, lá vẫn xanh, hoa vẩn nở, chim vẫn hót trên cành và tám chậu rau tôi trồng bên dưới vẫn phát triển, xanh tốt, các cháu vẫn mong ông bà ngoại về. Sóc (sắp vào lớp 1) thể hiện tình cảm chừng mực như tính cháu lâu nay vẫn thế nhưng thằng em, Nhím (đã xong lớp nhà trẻ, chuẩn bị vào mẫu giáo) thì khác, mừng ra mặt, thức giấc nửa chừng trong giấc ngủ trưa, nhìn thấy ông ngoại nằm bên dưới, cháu ôm gối xuống nằm kế bên, ôm cổ thật chặt và suốt buổi chiều, tôi đi đâu cháu theo đó. Chừng như sợ ông…đi tiếp!
Điều thú vị nhất với tôi là nhìn thấy “kết quả học tập” của các cháu thời gian chúng tôi đi xa, những “bài làm” ở lớp đem về nhà. Nhím dán hộp, tạo hình, Sóc thì trang trí tên (Thiên Cát), hai anh em đều làm thiệp mời cha mẹ, ông bà dự triễn lãm tranh ở lớp, có tranh của các cháu.
Bài làm của Nhím là hộp carton, chai, ống ghép thành hình
Thiệp mời dự triễn lãm tranh học trò tại trường do Nhím làm

Trang trí tên mình của anh Sóc

Thiệp mời dự triển lãm do Sóc làm

Tranh sơn dầu "Con rồng" của Nhím tại triển lãm ở trường Patana

Tranh sơn dầu "Hoa hồng và hoa mặt trời" của Sóc tại triển lãm

Dường như có một sức sống mới, một suy nghĩ lạc quan được nhen lên trong tôi lúc này, sau những ngày gặp gỡ và gần gũi người già. Chuyện này âu cũng là lẽ tự nhiên vậy.



--> Read more..

Flags..


Flag Counter