29/4/19

NHỮNG NGÀY NÀY BỐN MƯƠI BỐN NĂM TRƯỚC.


1. Cô bạn post lên wall FB tấm hình cũ có ba người đứng chung trên một cầu tàu ở ngoại quốc. Ai cũng trẻ trung và xinh đẹp và cô bạn thì nổi bật hơn. Họ phục sức theo phong cách thời trang cuối những năm 70 thế kỷ trước với lời giới thiệu: “One day when we were young”. Không hiểu sao tôi viết ngay một cmt trong ngoặc kép (“…”) “One wonderful morning in May. You told me, you loved me, when we was young one day”. Trong bữa cơm trưa, kể chuyện này với vợ mình, cô ấy nói cô vừa share một bài viết về bản nhạc “One Day” này. Thế là một chuỗi liên tưởng ồ ạt kéo về . . .
Khoảng năm 1973-74, khi đang học ở Huế, tôi gửi nhờ người đi Sài Gòn mua “Cuốn band thứ tư của nhà phát hành nhạc Mây Hồng gồm 24 bản tình ca bất tử trên khắp thế giới do Phạm Duy, Y Vân chọn lọc và viết lời Việt” . Hồi đó là band cassette. Có band nhạc trong tay, tôi và vài người bạn mê nhạc nghe miệt mài, nghe đến độ thuộc lòng lời Việt, nào là La Paloma, Back to Sorriento, Tristesse, Sombre Dimanche, Le beau Danube bleu, Les flots du Danube, Les feuilles morte. . . rồi Cánh đồng xanh, Chiều tà, Dạ khúc . . .
Lúc nghỉ trưa, tôi vào Youtube để nghe lại vài bản trong số này. Bất ngờ lại được nghe thêm Bang Bang, nhạc Pháp, bản nhạc mà trước 1975 có nhạc sĩ viết lời Việt lấy tựa đề là “Khi xưa ta bé”. Bang Bang là bản nhạc mà ngày xưa, khi nói chuyện với tôi NL rất thích. Và nghe bài này, một trời kỷ niệm về em theo về.
2. Khi tôi học năm cuối, em học năm III cùng trường, ban Pháp văn, em có bằng trung học Tây vì theo học trường Tây từ nhỏ. Ở Huế, em ở cư xá Jeane D’Arc cùng một người bạn khác là em gái người bạn của chị tôi và chúng tôi biết nhau trước đó. Qua cô bạn này, tôi biết NL có cảm tình với mình, điều này tôi cũng đọc được trong mắt em mỗi khi vô tình gặp nhau trên hành lang trường VK hay SP. Em thâm trầm, kín đáo và có duyên, hay mặc jube màu xanh biển khi đến trường.
Hồi đó, các trường thường tổ chức đêm văn nghệ cuối năm. Tôi gặp em trong đêm Y khoa, hai đứa cùng coi văn nghệ rồi tôi đưa em về trước khi chương trình kết thúc. Nơi em ở là phía sau Trung tâm Lục huyền cầm đường Mai Thúc Loan bên Thành Nội. Đi bộ qua cầu Mới trong cái lạnh cuối năm của Huế và rì rầm trò chuyện với em thiệt không có gì dễ thương và thú vị bằng. Chỉ một lần duy nhất như vậy, rồi thôi. Tôi ra trường, đi dạy xa, không nói được với em một lời tạm biệt.
Tôi quý và thương em nhưng “rút quân trong lặng lẽ” vì hai gia đình không tương xứng về kinh tế!. Ba em là một doanh nhân tầm cỡ, những thứ ông sở hữu tôi biết qua lời kể của người anh họ em, bạn tôi nay đã qua đời, là khách sạn ở Nha Trang, rạp Ciné ở Huế, nhà máy khí đốt ở Đà Nẵng, có nhà ở Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn và vài ngân hàng rãi rác ở Huế và các tỉnh. Tôi chỉ là một SV con nhà giàu nhưng gia sản ruộng vườn nhà tôi bỏ lại tất cả trong quê khi chạy giặc.
3. Nhận nhiệm sở ở Sở Học chánh Cam Ranh khi ra trường, anh chủ sự hỏi đích danh tôi là . . . có quen với em khi học ở Huế không? Vợ anh là chị cô cậu với nàng.
Những ngày này 44 năm trước, khi chạy loạn từ Nha Trang về Sài Gòn lúc đó cũng đầy xáo động, tôi tìm đến một biệt thự nhỏ trên đường Cộng Hòa (cũ) để thăm em. Có một chút thờ ơ, xa cách ở em dù đủ phép lịch sự thông thường, tôi biết có chuyện không bình thường, em không là NL của Huế xưa nữa rồi nên từ giả sớm.
Mấy ngày sau, khi đang đi cùng đứa em họ qua cầu Công Lý, thấy em ngồi sau xe Lambretta do một chàng trai ngang lứa chạy phía trước, linh cảm cho tôi biết chuyện gì và lấy giấy bút ghi nhanh số xe rồi nhét vào ví. Rồi thôi. Và bặt tin nhau cho đến . . .
4. Năm 1978, tôi cưới vợ, đó là những năm khó khăn mọi thứ mọi thứ nhưng vẫn lên Đà Lạt in thiệp cưới. Trên chuyến xe đò Minh Tâm, xe Peugeot 403 có 7 chỗ từ Đà Lạt về Cam Ranh mà hành lý quan trọng nhất trong túi xách là . . . thiệp cưới, tôi gặp lại em ngồi cùng ba em phía sau, cách tôi một hàng ghế. Khi xe dừng lại mua ngo dầu, tôi xin phép ông đổi chỗ để chúng tôi được ngồi chung, ông bằng lòng và chúng tôi ngồi với nhau một hành trình hơn trăm cây số. Năm đó tôi 28 tuổi và em cũng vào tuổi 25. Ngồi với nhau, em thể hiện nét buồn thấy rõ, cho tôi coi những tấm hình chụp từng năm (bốn năm sau 1975), tấm nào cũng không tìm thấy nét vui! Và tôi, còn làm gì, nói gì được lúc này khi “thuyền (đã) ra cửa biển”?, khi trong túi xách là thiệp cưới và lễ cưới sẽ tiến hành vài tháng sau đó? Tôi chỉ rút từ ví ra mẫu giấy nhỏ có ghi số xe mấy năm trước và hỏi em có biết số xe này? Em nói nhỏ với giọng buồn: “Khi rời Huế, anh có nói gì với em đâu, và cũng chẳng hề để lại cho em lời hứa hẹn nào! Hãy về Cam Ranh hỏi chị Ch. thì biết”. Tôi không nói gì thêm vì biết nói gì lúc này?
5. Xuống xe, tôi không về nhà mà về ngay nhà chị Ch. Hỏi chuyện, chị kể rằng chính em đã nhờ vợ chồng chị và người em kề chị săn sóc cho tôi. Đó là lý do vì sao anh chủ sự sở Học Chánh khi thấy tên tôi ngày về trình diện đã hỏi. Ba em ở Nha Trang cũng biết chuyện chúng tôi và nói với chị rằng nếu muốn đi xa hơn, bảo tôi ra gặp để ông tính. Chị không làm việc này vì lúc đó nghĩ rằng tôi quen biết nhiều, biết có còn thương và nghĩ đến em mình như xưa. Và như thế, tôi lỡ một chuyến đò! Một “chuyến đò lỡ” mà phần lỗi không thuộc về mình để rồi khi biết chuyện, lòng cứ bâng khuâng ray rức một thời gian khá dài.
Sau này, hỏi thăm chị Ch về NL, nghe chị nói em làm công việc phiên dịch các tài liệu tiếng Anh, Pháp ở Sài Gòn và chờ “đến khi nào gặp được một người dáng dấp và tính cách như” tôi thì “mới lấy làm chồng”. Cám ơn em đã có những ý nghĩ đẹp về anh NL nhé. Xa nhau đã lâu, anh vẫn khó quên em về dáng dấp, tính cách, sự hiền hòa và khiêm tốn mà ít ai có cả nhan sắc, sở học và gia thế như em có thể có được.
Không chắc gì lấy được nhau chúng ta sẽ sống chung hạnh phúc. Cũng không chắc gì người này sẽ như mẫu hình người kia mong muốn và lại càng không gì chắc rằng tình gia đình sẽ đẹp như những rung động thời sinh viên vì cuộc sống dân MNVN sau 1975 không như quan niệm và suy nghĩ thời VNCH nhưng tiếc một “người đi qua đời tôi”, tiếc một chuyện tình vẫn lưu lại trong hồn những ký ức đẹp thì ai nỡ cấm cản mình?.

Sài Gòn 28.4.2019
--> Read more..

1/3/16

TÌNH ANH LÍNH CHIẾN (*).




1. Hai năm cuối tiểu học và bắt đầu vào trung học, khi đã bắt đầu biết nghe nhạc, tôi không thích bài hát này. Từ ấu thơ, tôi đã nghe anh chị ở nhà chơi đàn mandolin và hát những bản nhạc tiền chiến mà nhạc điệu và ca từ trong cảm nhận mơ hồ và non nớt của tôi ngày ấy là “không chê vào đâu được”!: Hòn Vọng phu, Bến cũ, Thiên Thai, Trường ca sông Lô, Hoài cảm…Do vậy, nghe bài này cũng như nghe Bức tâm thư của Lam Phương, “Vài hàng gửi anh trìu mến…đi quân dịch là thương nòi giống”, như nghe Lối về xóm nhỏ của Trịnh Hưng, “Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca, ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà…”.Lên sinh viên, những bài hát này chúng tôi liệt vào dòng nhạc lính, nhạc sến!
Vài năm trước cho đến lúc này, bài này tôi hát nhiều, lâu lâu hát lại, chàng con rễ bảo “Ông bố rền rỉ nhạc sến hoài!”. Khi hát, tôi nói với vợ lý do và kể cô ấy nghe những kỷ niệm gắn bó với mình. Đó là sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương: “Tình Anh Lính Chiến”.Thật lòng thì hồi tiểu học tôi không hiểu nổi câu đầu: “Xuyên lá cành trăng lên lều vải”, chưa bao giờ đi trại, có nghe ai nói đến cái lều bao giờ, làm gì đã biết đến “Uncle Tom’s cabin” của Harriet Beacher Stowe và cứ tưởng “lá cành” là… danh từ, có lúc nghĩ cái cành đâm xuyên khóm lá!
Học đệ thất, nghe kể thầy Võ Hành dạy Lý Hóa ở trường thương chị Xuyên học đệ tứ. Hồi đó nữ sinh đệ tứ lớn lắm. Thế là anh chị lớp lớn nhại rằng “Xuyên với Hành thương nhau nhiều quá!.
Thời sinh viên, tôi trọ học ở Cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng của hội Ái hữu Đồng châu Quảng Nam dành cho SV trong Quảng ra Huế học. Năm 1973, một trận bão lụt không lớn nhưng cũng làm hư hại nhiều nhà dân ở các quận Duy Xuyên, Đại Lộc (hồi đó không gọi là huyện như bây giờ). Ở Duy Xuyên, nặng nhất là vùng gần Trà Kiệu, thánh địa ngày xưa của vương quốc Champa. Sinh viên cư xá chúng tôi về đó giúp dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa,vườn tược và nhận tôle, cement, tiền của ty Xã hội Quảng Nam về phân phát cho đồng bào. Cùng đi với chúng tôi có cả các bạn dân Quảng ở cư xá Nam Giao, Đội Cung, trường Cán sự Y tế, trường Nữ Hộ sinh Quốc gia Huế làm thành một đoàn hơn ba mươi người.

Sau mấy ngày hăng say làm việc với tinh thần thiện nguyện, chúng tôi khá bằng lòng với thành quả của mình và chiều cuối cùng xuống Hội An để sáng hôm sau về lại Huế. Tối, tổ chức đêm lửa trại chia tay các bạn ở các cư xá khác. Không cắm trại nhưng một đống lửa đốt ngay trên bãi cỏ ngoài sân ty Xã hội Quảng Nam cũng tạo được cái không khí bập bùng làm giảm cái se lạnh của những ngày cuối Đông năm ấy. Và ở đây, đến cuối buổi sinh hoạt, nếu hát bài Shalom Severim hay Rời tay phút chia ly, bạn ơi vui lên nhé thì cũng… vô cùng thích hợp!. Anh Chủ tịch Cư xá cũng là trưởng đoàn tổng kết chuyến đi cứu trợ, cám ơn các bạn tham dự đợt này rồi chúng tôi cùng  hát, những bài dân ca, những bài hát cộng đồng phổ biến ngày ấy.
Đang ngồi thành vòng tròn vừa vỗ tay vừa hát tôi nghe có ai vỗ vai mình từ phía sau. Ngoái đầu nhìn lại, đứng sau tôi là Hồng Vân cười và nói nhỏ vào tai tôi: “Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối, đừng quên nhé những ngày bên nhau Q. nhé!”. Vân nói cả thành lời lẫn bằng mắt. Cái tâm trạng những ngày vui, sống hết mình với công việc và bạn bè đã qua và phải chia tay, thật buồn. Tôi lặng người, cầm tay em bóp nhẹ và gật đầu. Có thể nói gì hơn trong lúc này và mọi lời nói đều thừa hoặc không cần thiết.
Hồng Vân dân Hội An gốc, học năm cuối NHSQG, khuôn mặt sáng rưng, đôi mắt to, tròn và  biết nói. Những dịp sinh hoạt chung trước đó chúng tôi quen rồi thân nhau nhưng chỉ dừng lại ở liên hệ bạn bè vì lúc đó tôi đang có người yêu. Không thể kết luận đều này chở theo tín hiệu gì nhưng tình cảm tự nhiên và chân thành của Hồng Vân làm tôi rất xúc động.  

Ra trường, chúng tôi mất dấu nhau cho đến bây giờ nhưng “những ngày bên nhau” thì khó quên được dầu “đời (đã) ngăn chia ngàn lối”. Bài hát theo tôi những khi nhớ về kỷ niệm thời đi học đã qua gần nữa thế kỷ.
Kỷ niệm riêng tư, không kể làm gì nếu không có một việc khác liên hệ đến bài viết này.
2.  Năm 2014 tập 1 của cuốn sách Ride The Thunder (A Vietnam War Story Of Honor and Triumph) của Richard Botkin, bản Việt dịch của nhóm 4 dịch giả Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu và Trịnh Bình An tựa đề là Cưỡi ngọn sấm (Một câu chuyện về vinh dự và chiến thắng trong cuộc chiến Việt Nam) xuất bản ở Mỹ (**).Chuẩn tướng James Joy TQLC Hoa Kỳ đã về hưu viết trong lời tựa như sau: “Câu chuyện của hai người chiến binh vĩ đại (đại úy Riply và thiếu tá Lê Bá Bình, hai nhân vật chính có thật của quân chủng TQLC) cùng phục vụ cho một mục đích chung thật là hiển nhiên. Nếu đã có thêm nhiều người như Lê Bá Bình thì chắc chắn kết quả của cuộc chiến đã khác hẵn”. Đại tướng Walter E. Boomer TQLC Hoa Kỳ hồi hưu cũng viết trong lời giới thiệu cuốn sách này “…”Cưỡi ngọn sấm” là một câu chuyện xứng đáng được chia sẻ với các thế hệ tiếp nối của nước Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp họ hiểu được cái giá mà cha ông họ phải trả nhằm bảo tồn nền tự do mà ngày nay họ đang được hưởng”.

Sau 12 năm bị tù ở VN, Lê Bá Bình định cư ở Mỹ. Trong lễ nhận huy chương Silver Star của TQLC Mỹ, “huy chương cao quý nhất dành cho quân đội đồng minh về những công trạng ngoài mặt trận”, Bình gặp, quen biết và trở thành bạn thân của tác giả, cũng là cựu thiếu tá TQLC.
Chuyện của Bình là niềm phấn khích để tác giả bỏ thì giờ sưu tầm tài liệu về chiến tranh VN, phỏng vấn hàng trăm nhân vật liên quan và đi thực tế ở VN nơi xãy ra các trận giao tranh đề cập đến trong tác phẩm. Có lẽ nhờ vậy nên tôi hơi bất ngờ khi đọc được ở chương 3, tập 1 (Đại úy Ripley- Đại đội Lima) trang 57, 58, 59 nói về nền âm nhạc cận đại VN thời đó, như một người trưởng thành yêu thích âm nhạc và sống ở miền Nam. Tác giả viết: “Từ năm 1962 trở về sau, âm nhạc được phát triển cùng với nhịp độ ngày càng gia tăng của cuộc xung đột. Giọng ca ủy mỵ và diễn xuất tuyệt vời của Hoàng Oanh trong bản “Tình Anh Lính Chiến” (The Love of a Fighting Man) được biết đến và ghi khắc trong lòng của mỗi quân nhân cũng như những phụ nữ đang chờ đợi họ. Trong bài hát, người lính đi chiến đấu ngoài mặt trận và người yêu thì ở lại hậu phương. Trong màn đêm, chàng trai ngắm trăng tròn và tự hỏi, giống như mọi chiến binh khắp nơi, không biết người yêu có đang ngắm cùng một vầng trăng với mình hay không?”.
Ở một đoạn khác, tác giả khen ngợi thêm: “Đối với những người Mỹ yêu nước thuộc thế hệ xưa, những người thích trung sĩ Barry Sadler với bài “Ballad of the Green Berets” nếu như họ biết thì có lẽ “Tình Anh Lính Chiến” sẽ hấp dẫn và quen thuộc với họ hơn”.

Về giòng nhạc miền Nam 1954- 63, các tác giả đã đề cập trong nhiều bài viết nhưng mang tính chuyên môn, có hệ thống và giá trị khái quát cao thì tôi chưa đọc được. Dù sao thì những gì Richard Botkin đề cập đến trong Ride The Thunder cũng giúp độc giả ngoại quốc và cả người Việt thế hệ sau biết thêm về chế độ Cộng Hòa, cách riêng, nền nhạc Việt giai đoạn đó.
Với những người miền Nam sinh vào thập niên 1940-50, được đọc tác phẩm này  là được sống với những năm tháng hào hùng, được nhắc nhớ những kỷ niệm về những người lính của một binh chủng oai hùng: Thủy Quân Lục Chiến. Tác phẩm đáng được làm tài liệu tham khảo khách quan của một tác giả ngoại quốc cho những ai nghiên cứu quân sử sau này. Với người viết, đây là một bản anh hùng ca rất đáng dành thì giờ để đọc.

(*)Bài viết này đã đăng trên tuongtri.com

(**) Trang tuongtri.com đã đăng nhiều kỳ từ đầu tháng 6/2015. Tập 2 đã phát hành đầu năm 2016. “Cưỡi ngọn sấm” cũng đã được đạo diễn Fred Coster dựng thành phim chiếu ra mắt tại Wesminster, CA 3/2015.

--> Read more..

12/2/16

Du Xuân

"Xuân du phương thảo địa” (Thôi Hiệu)


“Du Xuân” là chữ chị Thúy Hà, giảng viên Đại học Chulalongkorn dùng khi gửi thư mời tôi và một số bạn đi viếng Làng Mai ở Thái Lan. Năm ngoái và năm nay, chị đều tổ chức cho một số du SV Việt Nam ở Thái Lan không về quê ăn Tết đi thăm nơi tu hành theo Pháp môn Làng Mai của thầy Nhất Hạnh.
Làng Mai ở đây thành lập năm sáu năm trước, khi “bọn côn đồ xã hội đen” phá phách và gây rối ở tu viện Bát Nhã Lâm Đồng thành lập trước đó không lâu. Lúc đầu, các sư thầy tá túc tạm ở một trang trại của một gia đình đạo hữu, chỉ mua đất và định cư ở nơi mới này ba năm trước. Làng Mai gần và trên đường đi Công viên Quốc Gia Khao Yai, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Thái Lan, cách Bangkok hơn 200km.
Khởi hành từ hơn 5h sáng mùng hai âm lịch tại điểm hẹn, đoàn chúng tôi gồm hơn 30 người đi trên một xe bus du lịch 54 chỗ. Chỉ có 3 khách mời lớn tuổi là tôi và hai chị khác, còn lại là các du sinh viên của Đại học Chulalongkorn, các đại học Thammasat, Mahidol, Khon Khen và Học viện Công Nghệ Thông Tin châu Á (AIT) học lấy bằng Cao học và Tiến Sĩ, trong đó có một số đã làm việc và giảng dạy ở các đại học trong nước.


Xe bus 45 chỗ chở đoàn đi,

Với chị Hồ Thu, người Pháp gốc Việt hiện sống ở BKK.

Trong xe bus.

Là người thường tổ chức sự kiện, chị Thúy Hà và anh Lac, chồng chị, lo cho đoàn khá chu đáo từ việc liên hệ trước với Làng để sắp xếp chương trình đến ăn uống nhẹ trên xe buổi sáng và cả việc tập cho đoàn các bài hát để sinh hoạt ở Làng. Chương trình dự kiến gồm “bói Kiều”, coi múa Lân, đến chúc Tết các ni sư và thăm viếng vài nơi trong khuôn viên 15-16ha của làng.


Vừa xuống khỏi xe bus lúc 9h.

Đến nơi hơn 9 giờ, lên thiền đường đã thấy các sư chuẩn bị sẵn sàng. Mọi người có cả tăng ni cùng đảnh lễ Phật và bắt đầu nghi thức bói Kiều mà sư chủ trì giới thiệu “là việc làm thuộc về truyền thống dân tộc, tích hợp kinh nghiệm tổ tiên, kiến thức tâm lý và Phật học nhằm chuyển hóa khổ đau cho bá tánh”. Truyền thống Làng Mai chú ý đến thanh tịnh trong mỗi bước đi, từng hơi thở nên người xin quẻ từ chỗ ngồi đi xuống cuối phòng rồi khoan thai đi lên nơi đặt chuông đồng, đảnh lễ Phật, vịn tay vào chuông, lâm râm khấn nguyện điều muốn biết và lấy ngẫu nhiên từ chuông một phong bì. Phong bì in câu Kiều mà người xin bốc được và các Ni, Sư sẽ giải đoán.


Trên đường vào thiền thất.

Chị Thúy Hà, người tổ chức chuyến đi.

Toàn cảnh thiền đường.

Có một chị từ Phan Rang đến, một ni sinh người Đức, ba du SV trong đoàn xin quẻ bói. Điều rất ngạc nhiên là tất cả 10 câu Kiều từ quẻ rất phù hợp với điều 5 người cầu cần biết! Chị Mộng Cầm ở Phan Rang có ước mong sẽ “lan tỏa một công việc chị thực hiện từ 3 tháng nay rất có lợi cho cộng đồng”, hỏi có thể được không và xin lời khuyên. Câu Kiều chị nhận được là “Ngày Xuân em hãy còn dài/ Mừng nào lại quá mừng này lớn chăng?”. Cô ni sinh người Đức xin cụ Nguyễn Du bày cho “phép thực tập hành thiền thế nào để nương tựa chính mình và đạt nhiều tiến bộ”. Cô bốc được câu “Thấy lời thủng thỉnh như chơi/ Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân” Các du SV còn lại đều xin lời khuyên về việc học, về hoàn cảnh gia đình, về hôn nhân dị giáo… Có một điều không thể không thừa nhận là các ni, sư là giảng viên của Làng giải thích và lồng vào giảng pháp khiến số đông chúng tôi rất bằng lòng và khâm phục. Tuy vậy, tôi cũng hỏi các sư rằng Đức Phật dạy chúng sanh phải nương tựa vào mình thì làm sao có việc “bói” và rằng vì sao các câu trong quẻ là ghép? (Ví dụ quẻ của chị Mộng Cầm ghép hai câu 731 và 2940, của ni sinh người Đức ghép hai câu 1589 và 1080). Có một sư giải thích trước toàn thể và một sư khác giải thích riêng. Cả hai lời giải thích giúp tôi tạm bằng lòng vì không có giờ để… tranh luận!


Cô tu sinh người Đức thành tâm và khoan thai đến nơi xin quẻ Kiều.

Đặy tay lên chuông và lâm râm khấn điều cầu xin.

Làng có hơn 200 ni sư, gồm cả giảng viên và tu sinh đến tu học. Giảng viên từ Làng Mai ở Pháp về, tu sinh phần lớn là người Việt. Ngoài ra còn có người Thái, châu Âu và vài quốc tịch khác. Thỉnh thoảng Làng tổ chức các khóa tu một, hai tuần cho tín đồ ở xa. Khóa tu một tuần gần nhất bắt đầu vào ngày mùng 6 âm lịch này cho người Việt.
Nhờ có sẵn Phật tâm, gia đình sùng đạo, lại giảng dạy Phật giáo dòng Anamikaya, chị Thúy Hà có liên hệ thân thiết với Làng từ nhiều năm nay nên khi đến, mọi người đối xử với chị như người nhà. Đoàn đến thăm 4 phòng ở của các ni, mỗi phòng 3 người, nơi nào chúng tôi cũng được đón tiếp nồng hậu và chí tình của các ni. Ngoài bánh mứt, hạt dưa, hạt điều, nước ngọt, mỗi phòng đều được mời một món đặc biệt: Bánh tráng trộn, Bánh ướt, Xúp, Gỏi bưởi, Bánh bột lọc từ chính tay các ni chế biến nhưng hơn hết mọi thứ là tấm lòng và ánh mắt từ ái từ các ni, những lời giảng pháp thật gần gủi và thâm thúy dành cho đoàn. Đó là hình ảnh mà chắc chắn tôi mang theo suốt đời. Dịp này, chúng tôi cũng được may mắn gặp sư bá, Hòa thượng thủ tọa Giác Viên đến chúc Tết các phòng và nghe giảng về việc bảo vệ hành tinh xanh cũng như giữ tình thân ái huynh đệ trong cuộc sống hàng ngày.


Trang hoàng nơi ở của các ni.

Chụp hình kỷ niệm với các ni múa lân.

Các ni chuẩn bị bánh ướt mời khách Bangkok.

Sư cô Dũng Nghiêm (nhà Cây phượng vỹ) tâm tình với đoàn.

Ni sinh người Thái, hát được tiếng Việt và bảo rằng nhờ đọc sách thầy Nhất Hạnh nên biết đến Làng Mai và tim đến xin tu học.

Ở Làng Mai Thái Lan, chúng tôi hưởng một ngày Tết đậm chất Việt khi thấy hoa Mai, hoa Đào trên thiền đường, thấy cảnh trang trí trong Làng, từ cây nêu ngoài vườn cho đến hoa trái từng phòng, quan trọng nhất là nghe lời ca tiếng hát và lời chúc tụng ở phòng các ni cô khi các sư đến thăm và chúc Tết.


Trước thất của Sư Ông mà từ lúc hoàn thành đến nay Sư chưa về được!

Ao ước được đến nơi này đã có trong tôi từ vài năm trước vì vài lần về VN tôi thường nghe bạn bè, học trò cũ đã từng đến đề nghị chúng tôi đến thăm. Nay, nhờ tấm lòng của vợ chồng chị Thúy Hà và bạn bè VN ở Bangkok như chị Thảo, chị Thủy Tiên tôi đến được, được hưởng một ngày Tết thanh bình, được nghe pháp, nghe lòng mình đằm xuống, gạt bỏ bên ngoài những phiền trược đời thường. Tôi nghĩ, đó là hạnh phúc. Còn một hạnh phúc khác trong chuyến đi mà tôi chia sẻ trong lời cám ơn trên xe trước lúc đoàn chia tay: thấy 
những người trẻ, những người học thức có cơ duyên đến gần pháp Phật, tôi thật sự vui mừng cho họ.
Mặc dầu trời nắng nhưng vẫn lạnh se se như thời tiết Sapa, Đà Lạt mùa hè. Trong ấm áp bằng hữu của những người cùng đi và nhận được lòng nhiệt tình, cởi mở của những chủ nhân Làng Mai, mọi người ai cũng cảm nhận được niềm vui của chuyến Du Xuân đầu năm này.

--> Read more..

Flags..


Flag Counter