1/3/16

TÌNH ANH LÍNH CHIẾN (*).




1. Hai năm cuối tiểu học và bắt đầu vào trung học, khi đã bắt đầu biết nghe nhạc, tôi không thích bài hát này. Từ ấu thơ, tôi đã nghe anh chị ở nhà chơi đàn mandolin và hát những bản nhạc tiền chiến mà nhạc điệu và ca từ trong cảm nhận mơ hồ và non nớt của tôi ngày ấy là “không chê vào đâu được”!: Hòn Vọng phu, Bến cũ, Thiên Thai, Trường ca sông Lô, Hoài cảm…Do vậy, nghe bài này cũng như nghe Bức tâm thư của Lam Phương, “Vài hàng gửi anh trìu mến…đi quân dịch là thương nòi giống”, như nghe Lối về xóm nhỏ của Trịnh Hưng, “Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca, ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà…”.Lên sinh viên, những bài hát này chúng tôi liệt vào dòng nhạc lính, nhạc sến!
Vài năm trước cho đến lúc này, bài này tôi hát nhiều, lâu lâu hát lại, chàng con rễ bảo “Ông bố rền rỉ nhạc sến hoài!”. Khi hát, tôi nói với vợ lý do và kể cô ấy nghe những kỷ niệm gắn bó với mình. Đó là sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương: “Tình Anh Lính Chiến”.Thật lòng thì hồi tiểu học tôi không hiểu nổi câu đầu: “Xuyên lá cành trăng lên lều vải”, chưa bao giờ đi trại, có nghe ai nói đến cái lều bao giờ, làm gì đã biết đến “Uncle Tom’s cabin” của Harriet Beacher Stowe và cứ tưởng “lá cành” là… danh từ, có lúc nghĩ cái cành đâm xuyên khóm lá!
Học đệ thất, nghe kể thầy Võ Hành dạy Lý Hóa ở trường thương chị Xuyên học đệ tứ. Hồi đó nữ sinh đệ tứ lớn lắm. Thế là anh chị lớp lớn nhại rằng “Xuyên với Hành thương nhau nhiều quá!.
Thời sinh viên, tôi trọ học ở Cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng của hội Ái hữu Đồng châu Quảng Nam dành cho SV trong Quảng ra Huế học. Năm 1973, một trận bão lụt không lớn nhưng cũng làm hư hại nhiều nhà dân ở các quận Duy Xuyên, Đại Lộc (hồi đó không gọi là huyện như bây giờ). Ở Duy Xuyên, nặng nhất là vùng gần Trà Kiệu, thánh địa ngày xưa của vương quốc Champa. Sinh viên cư xá chúng tôi về đó giúp dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa,vườn tược và nhận tôle, cement, tiền của ty Xã hội Quảng Nam về phân phát cho đồng bào. Cùng đi với chúng tôi có cả các bạn dân Quảng ở cư xá Nam Giao, Đội Cung, trường Cán sự Y tế, trường Nữ Hộ sinh Quốc gia Huế làm thành một đoàn hơn ba mươi người.

Sau mấy ngày hăng say làm việc với tinh thần thiện nguyện, chúng tôi khá bằng lòng với thành quả của mình và chiều cuối cùng xuống Hội An để sáng hôm sau về lại Huế. Tối, tổ chức đêm lửa trại chia tay các bạn ở các cư xá khác. Không cắm trại nhưng một đống lửa đốt ngay trên bãi cỏ ngoài sân ty Xã hội Quảng Nam cũng tạo được cái không khí bập bùng làm giảm cái se lạnh của những ngày cuối Đông năm ấy. Và ở đây, đến cuối buổi sinh hoạt, nếu hát bài Shalom Severim hay Rời tay phút chia ly, bạn ơi vui lên nhé thì cũng… vô cùng thích hợp!. Anh Chủ tịch Cư xá cũng là trưởng đoàn tổng kết chuyến đi cứu trợ, cám ơn các bạn tham dự đợt này rồi chúng tôi cùng  hát, những bài dân ca, những bài hát cộng đồng phổ biến ngày ấy.
Đang ngồi thành vòng tròn vừa vỗ tay vừa hát tôi nghe có ai vỗ vai mình từ phía sau. Ngoái đầu nhìn lại, đứng sau tôi là Hồng Vân cười và nói nhỏ vào tai tôi: “Mai nếu đời ngăn chia ngàn lối, đừng quên nhé những ngày bên nhau Q. nhé!”. Vân nói cả thành lời lẫn bằng mắt. Cái tâm trạng những ngày vui, sống hết mình với công việc và bạn bè đã qua và phải chia tay, thật buồn. Tôi lặng người, cầm tay em bóp nhẹ và gật đầu. Có thể nói gì hơn trong lúc này và mọi lời nói đều thừa hoặc không cần thiết.
Hồng Vân dân Hội An gốc, học năm cuối NHSQG, khuôn mặt sáng rưng, đôi mắt to, tròn và  biết nói. Những dịp sinh hoạt chung trước đó chúng tôi quen rồi thân nhau nhưng chỉ dừng lại ở liên hệ bạn bè vì lúc đó tôi đang có người yêu. Không thể kết luận đều này chở theo tín hiệu gì nhưng tình cảm tự nhiên và chân thành của Hồng Vân làm tôi rất xúc động.  

Ra trường, chúng tôi mất dấu nhau cho đến bây giờ nhưng “những ngày bên nhau” thì khó quên được dầu “đời (đã) ngăn chia ngàn lối”. Bài hát theo tôi những khi nhớ về kỷ niệm thời đi học đã qua gần nữa thế kỷ.
Kỷ niệm riêng tư, không kể làm gì nếu không có một việc khác liên hệ đến bài viết này.
2.  Năm 2014 tập 1 của cuốn sách Ride The Thunder (A Vietnam War Story Of Honor and Triumph) của Richard Botkin, bản Việt dịch của nhóm 4 dịch giả Lý Văn Quý, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàng Diệu và Trịnh Bình An tựa đề là Cưỡi ngọn sấm (Một câu chuyện về vinh dự và chiến thắng trong cuộc chiến Việt Nam) xuất bản ở Mỹ (**).Chuẩn tướng James Joy TQLC Hoa Kỳ đã về hưu viết trong lời tựa như sau: “Câu chuyện của hai người chiến binh vĩ đại (đại úy Riply và thiếu tá Lê Bá Bình, hai nhân vật chính có thật của quân chủng TQLC) cùng phục vụ cho một mục đích chung thật là hiển nhiên. Nếu đã có thêm nhiều người như Lê Bá Bình thì chắc chắn kết quả của cuộc chiến đã khác hẵn”. Đại tướng Walter E. Boomer TQLC Hoa Kỳ hồi hưu cũng viết trong lời giới thiệu cuốn sách này “…”Cưỡi ngọn sấm” là một câu chuyện xứng đáng được chia sẻ với các thế hệ tiếp nối của nước Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp họ hiểu được cái giá mà cha ông họ phải trả nhằm bảo tồn nền tự do mà ngày nay họ đang được hưởng”.

Sau 12 năm bị tù ở VN, Lê Bá Bình định cư ở Mỹ. Trong lễ nhận huy chương Silver Star của TQLC Mỹ, “huy chương cao quý nhất dành cho quân đội đồng minh về những công trạng ngoài mặt trận”, Bình gặp, quen biết và trở thành bạn thân của tác giả, cũng là cựu thiếu tá TQLC.
Chuyện của Bình là niềm phấn khích để tác giả bỏ thì giờ sưu tầm tài liệu về chiến tranh VN, phỏng vấn hàng trăm nhân vật liên quan và đi thực tế ở VN nơi xãy ra các trận giao tranh đề cập đến trong tác phẩm. Có lẽ nhờ vậy nên tôi hơi bất ngờ khi đọc được ở chương 3, tập 1 (Đại úy Ripley- Đại đội Lima) trang 57, 58, 59 nói về nền âm nhạc cận đại VN thời đó, như một người trưởng thành yêu thích âm nhạc và sống ở miền Nam. Tác giả viết: “Từ năm 1962 trở về sau, âm nhạc được phát triển cùng với nhịp độ ngày càng gia tăng của cuộc xung đột. Giọng ca ủy mỵ và diễn xuất tuyệt vời của Hoàng Oanh trong bản “Tình Anh Lính Chiến” (The Love of a Fighting Man) được biết đến và ghi khắc trong lòng của mỗi quân nhân cũng như những phụ nữ đang chờ đợi họ. Trong bài hát, người lính đi chiến đấu ngoài mặt trận và người yêu thì ở lại hậu phương. Trong màn đêm, chàng trai ngắm trăng tròn và tự hỏi, giống như mọi chiến binh khắp nơi, không biết người yêu có đang ngắm cùng một vầng trăng với mình hay không?”.
Ở một đoạn khác, tác giả khen ngợi thêm: “Đối với những người Mỹ yêu nước thuộc thế hệ xưa, những người thích trung sĩ Barry Sadler với bài “Ballad of the Green Berets” nếu như họ biết thì có lẽ “Tình Anh Lính Chiến” sẽ hấp dẫn và quen thuộc với họ hơn”.

Về giòng nhạc miền Nam 1954- 63, các tác giả đã đề cập trong nhiều bài viết nhưng mang tính chuyên môn, có hệ thống và giá trị khái quát cao thì tôi chưa đọc được. Dù sao thì những gì Richard Botkin đề cập đến trong Ride The Thunder cũng giúp độc giả ngoại quốc và cả người Việt thế hệ sau biết thêm về chế độ Cộng Hòa, cách riêng, nền nhạc Việt giai đoạn đó.
Với những người miền Nam sinh vào thập niên 1940-50, được đọc tác phẩm này  là được sống với những năm tháng hào hùng, được nhắc nhớ những kỷ niệm về những người lính của một binh chủng oai hùng: Thủy Quân Lục Chiến. Tác phẩm đáng được làm tài liệu tham khảo khách quan của một tác giả ngoại quốc cho những ai nghiên cứu quân sử sau này. Với người viết, đây là một bản anh hùng ca rất đáng dành thì giờ để đọc.

(*)Bài viết này đã đăng trên tuongtri.com

(**) Trang tuongtri.com đã đăng nhiều kỳ từ đầu tháng 6/2015. Tập 2 đã phát hành đầu năm 2016. “Cưỡi ngọn sấm” cũng đã được đạo diễn Fred Coster dựng thành phim chiếu ra mắt tại Wesminster, CA 3/2015.

3 nhận xét:

  1. Một tình cảm kỳ lạ của người Việt nam xưa dành cho người lính! Nhưng hiện tại thứ tình cảm này chỉ là còn lại. Khá hiếm hoi được sinh ra.

    Trả lờiXóa
  2. Ngày này, cá nhân hay doanh nghiệp đều nên sở hữu một thiết kế logo công ty chuyên nghiệp
    Đại lý mercedes haxaco chính hãng tại Việt Nam

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh16:52 15/1/18

    Bài viết rất thú vị, mời các bạn ghé đọc Báo cười của chúng tôi!

    Trả lờiXóa

Flags..


Flag Counter