28/12/14

Chuyện từ thiện.



1.Mấy ngày trước, khi lục tìm một số điện thoại trong ngăn kéo, tôi thấy một mãnh giấy nhỏ ghi câu này: “If you are not poor enough to take charity, you are rich enough to give it” (Nếu bạn không nghèo để phải nhận của từ thiện, bạn đã đủ giàu để cho đi), đọc lại,  tôi liên tưởng đến phần kết cuốn phim tài liệu “Chuyện tử tế” phát trên đài THVN cuối những năm 1980 của đạo diễn Trần Văn Thủy có câu này : “Cho hay, chỉ có loài thú mới quay lưng lại với nổi  đau của đồng loại để chỉ chăm lo cho bộ lông của mình” và ông viết thêm : “Rất may, câu nói trên là của cụ Các Mác!”
Nhiều năm gần đây, đọc báo thấy chuyện người giàu ở nước mình khoe của: biệt thự của diễn viên này, phòng ngủ của ca sĩ nọ, siêu xe của người mẫu kia… có người dùng của cải để “đánh bóng tên tuổi, thương hiệu” hơn là chia sớt cho người nghèo tôi bỗng thấy buồn cho đất nước, cho dân mình. Lại đọc ở đâu đó thấy có người viết : từ thiện ở Việt Nam có nghĩa là từ bỏ cái thiện (để chuyển sang cái ác). (Một cách nói mỉa mai kiểu như giải thích câu Lương y như từ mẫu là thầy thuốc như bỏ mẹ), mỉa mai thoạt nghe thì thú vị  nhưng ngẩm nghĩ thì đau lòng! Cũng có nhiều người than van rằng khi thấy trên báo/ mạng đăng tải trường hợp một ai đó gặp  những hoàn cảnh ngặt nghèo cần giúp đỡ, chưa xác minh thực hư mà rót tiền qua tài khoản, sau một thời gian thì biết rằng đó là trường hợp có thật nhưng đã cường điệu lên thêm 70-80% và người nhận tiền dùng để giải quyết khó khăn thì  ít mà mua ma túy thì nhiều, một số người khác khi được vận động trả lời rằng họ chỉ cho khi trực tiếp đem đến đúng người đáng nhận!

2.  Những điều nói đến ở trên không có nghĩa là ta nhìn khái niệm về lòng nhân ái, tinh thần tương trợ của người Việt với cặp mắt bi quan, tiêu cực mà thật sự thì đây đó vẫn còn nhiều cá nhân, nhóm người, tổ chức hết lòng vì công việc thiện nguyện, sẵn sàng góp công, góp sức, góp của cho những hoàn cảnh đáng thương cần giúp đỡ.
Bạn bè và đồng nghiệp tôi ở Huế hàng chục năm trước (lúc đầu) rủ nhau góp tiền, cuối tuần hì hục nấu chè, làm bánh đem đến phát ở các trại trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, những trung tâm chăm sóc người tàn tật. Dần dà, thấy việc làm này có hiệu quả, nhiều người góp thêm tiền và còn kêu gọi cả thân nhân ở nước ngoài đóng góp. Nhờ đó đến lúc này, khi nhiều người đã về hưu tổ chức của họ lớn dần lên, phát triển rộng rãi với những kết quả thật đáng mừng, có thành viên trong nhóm còn quyên góp tiền bạc mở quán cơm xã hội cho sinh viên Huế với thức ăn được kiểm định về an toàn thực phẩm, món ăn được chế biến hợp vệ sinh nhưng giá thành chỉ 30% giá trị thực tế!
Ở Cam Ranh, nơi tôi đã có hai giai đoạn sống và làm việc, qua facebook tôi biết có nhiều học sinh cũ và giáo viên cùng quyên góp tiền bạc, áo quần cho từ thiện, thông báo kịp thời các đối tượng rất khó khăn cần giúp đỡ để các nơi gửi tiền đến giúp. Việc này thực hiện được vài năm nay nhưng rất hiệu quả mà qua theo dõi, ấn tượng lớn nhất của tôi là tặng quà, mời một tô phở đặc biệt  cho trẻ em lang thang cơ nhỡ ba nơi quan trọng trên địa bàn thành phố hôm 01/6 năm nay.
Ở Nha Trang, tôi cũng biết gần đây có nhiều cá nhân là đồng nghiệp, là bạn tôi một mình quyên góp tiền bạc tặng trẻ em bãi rác Đồng Đế, tặng cho các em bé bị tai nạn ở Huế, rủ rê những người cùng ý hướng tham gia chương trình “Áo ấm cho người cơ nhỡ” lặn lội khắp nơi trong thành phố, gặp những homeless tặng áo ấm cho họ giữa khuya trong những ngày giá lạnh của mùa đông này. Và tôi cũng nhận được tiền của một đôi vợ chồng trẻ là chủ một doanh nghiệp lớn đường 23/10 ủng hộ khi tôi yêu cầu vượt hơn con số tôi mong đợi rất nhiều!


Cháu bé bị tai nạn ở Huế khi nhận tiền từ Nha Trang

Đà Nẵng có nhóm ACE Thiện Văn , tôi được nghe một người bạn giới thiệu mà những hoạt động của họ gần đây nhất là chuyến đi thăm học sinh thiểu số nghèo ở Kontum cũng rất hữu ích và đáng phục.
Cô bạn nhỏ của tôi, dầu ở rất xa nhưng lâu lâu lại nhắn tin về hỏi anh chị cần giúp những trường hợp nào thì báo để em gửi về (dầu em chỉ làm công ở tiệm nail nhưng dành tất cả tiền tip của khách cho việc từ thiện!)
Dầu chưa làm được gì trong muôn một của hoạt động này nhưng tôi cũng xin nói lời thán phục và cám ơn các bạn đã giúp tôi, cho tôi thấy rằng trên cuộc đời này, ngoài những bịp bợm, lừa đảo, xảo trá cũng còn rất, rất nhiều những tấm lòng, những nghĩa cử đáng yêu.

3.  Đến năm học này, cháu ngoại lớn của tôi đã học qua niên khóa thứ 3 ở  Bangkok Patana School, một trường của người Anh thành lập từ năm 1959 ở Bangkok. Em cháu, nhỏ hơn 2 tuổi cũng đã học qua năm thứ 2. Năm nào các cháu cũng có quà cho bạn nghèo ở các trại mồ côi vào 2 dịp: Noen, New Year và Tết cổ truyền (Songkran) của Thái Lan theo sự kêu gọi của trường. Năm ngoái khi đứa anh học lớp 1, khối của cháu cũng đã tổ chức hội chợ gây quỹ từ thiện. Năm nay, khối lớp 6 lại tổ chức các gian hàng đồ chơi và thức ăn. Học sinh tặng cho lớp những đồ chơi không dùng nữa, những sách không đọc nữa để gom lại bán gây quỹ, con gái thì làm tại chỗ những món ăn, các loại bánh đơn giản để bán. Vừa rồi, anh cháu ngoại được cho 200 THB đem đến trường, giáo viên cho đến hội chợ đúng nửa giờ, cháu mua gần hết số tiền đem theo, đáng mừng là cháu biết mua một quyển truyện tranh  còn mới, giá bìa dán phía sau lên đến 649THB! Chưa nghe kết quả thu được năm nay nhưng năm ngoái, cũng hoạt động này, số tiền thu được lên đến 100.000THB (gần 70tr. VND)! Trường này cũng là đơn vị đồng tổ chức Ploenchit Fair, hội chợ gây quỹ từ thiện hàng năm của cộng đồng người Anh ở Thái ngay khuôn viên trường (1).  Có lẽ nhờ tất cả những việc này cộng với những nhắc nhỡ của gia đình, các cháu đã biết giữ gìn đồ chơi, sách đọc để… “Sang năm cho các bạn mồ côi”!

Gian hàng từ thiện của lớp 1Gian hàng từ thiện của lớp 1
Rất đông các cháu tham dự hoạt động này! 
Rất đông các cháu tham dự hoạt động này!

Đồ chơi và sách đã qua sử dụng cháu mua tại gian hàng khối ớp 6

4.  Hôm 26/12 vừa qua, bạn gửi cho bài “Giáng sinh này nước Mỹ có gì vui?” kể chuyện một nhà hảo tâm giấu mặt năm nào cũng làm Ông Già Nô-en đi tặng quà, năm nay ông đổi 100.000USD ra giấy 100 nhờ cảnh sát gặp trên đường bất cứ xe nào cũ, trầy sướt, móp méo, tơi tả thì kè lại… tặng tài xế 100USD!. Lúc đầu người bị chặn cứ nghĩ là bị phạt, đến khi nhận tiền thì bất ngờ, có người khóc trên xe cũng như có người khóc khi nhận tiền ở siêu thị. Các hình ảnh đẹp này cũng lan truyền trên facebook với tốc độ chóng mặt và có lẽ không ai có thể nắm được có bao nhiêu share, bao nhiêu comment và like nữa! Mời xem link Youtube dưới phần chú thích(2).
Ở Mỹ, “Làm từ thiện là món trang sức đẹp nhất của con người và hầu hết người Hoa Kỳ đều công nhận rằng thước đo giá trị con người là lòng từ thiện”. Từ năm 2005 quốc gia này đã có > 1 triệu tổ chức, cơ quan thuộc 50 tiểu bang làm từ thiện với số tiền lên đến 261 tỷ USD chiếm 1,85% GDP đất nước!
Vietnamnet có bài  kể chuyện Feeney, một tỷ phú Mỹ đem 220 triệu USD đến Việt Nam làm từ thiện:  “… ít ai biết rằng trong suốt 30 năm qua, ông đã đi khắp thế giới để trao tặng số tài sản 7,5 tỉ USD. Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập đến nay đã rót 6,2 tỉ USD vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế… tại Mỹ, Úc, Việt Nam, Nam Phi và Ireland. 1,3 tỉ USD còn lại sẽ được chi hết vào năm 2016 và Quỹ sẽ đóng cửa vào năm 2020.
Feeney bắt đầu từ miền Trung Việt Nam, vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chiến tranh. Atlantic đã tài trợ để xây dựng trường Đại học Đà Nẵng. Từ năm 1998 đến 2006, Atlantic đã tài trợ 220 triệu đô la cho các chương trình xã hội có ý nghĩa tại Việt Nam”.  Feeney là người cho đi ngay khi đang còn sống nên hiện nay ông vẫn ở nhà thuê và các con ông sau 18 tuổi cũng tự bươn chãi kiếm sống như bao người khác. Tỷ phú Bill Gates chia sẻ: “Tôi đã học được rất nhiều từ Feeney trong thời gian chúng tôi làm việc cùng nhau”. Qua những gì ông đã làm, Feeney muốn gửi gắm tới con cái mình và các thế hệ các nhà hảo tâm một điều rằng: “Không nên đợi đến lúc bạn trở nên già hay chết đi mới cho đi tiền. Thay vào đó, hãy đóng góp ngay khi bạn vẫn còn đủ năng lượng, kết nối và ảnh hưởng để tạo nên những làn sóng”.(3)

Để kết thúc bài này, xin trích một đoạn trong thư tôi viết cám ơn cô bạn nhỏ nói đến ở trên: “Chia sẻ là điều ai cũng có thể nghĩ đến nhưng từ nghĩ đến thực hiện là một chặng đường dài, “cho là nhận” là câu ai cũng có thể nói nhưng thấy khó khi cho, vì vậy, số người “biết cho” không nhiều.  XX… thân mến, anh biết rằng em không giàu có gì ờ xứ người nghĩa là vẫn phải rất cố gắng làm việc để kiếm tiền lo cho gia đình, cho thân nhân còn lại ở VN nhưng vẫn dành một phần cho những trường hợp đáng chia sẻ ở Việt Nam, với anh đều đó quý hóa biết bao! Vì vậy, anh nghĩ em đã nhận được rất nhiều, cái nhận được là “phước báu” vì ngay ở trên đất nước này anh từng thấy biết bao người “tiền muôn bạc vạn” nhưng (gần như) họ quay lưng với những hoàn cảnh khốn cùng, đó là chưa kể dùng tiền bạc sắm sữa những món nữ trang, những thứ đồ dùng đắt giá, tiêu xài xa xỉ và hoang phí. Cám ơn em rất nhiều!

(1)  http://hongngocblog.blogspot.com/2012/12/ploenchit-fair.html
(2)  Trên tờ giấy tiền có in hàng chữ SECRET SANTA. https://www.facebook.com/video.php?v=10153003404704073&set=vb.340093714072&type=2&theater
(3)  http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/210533/ty-phu-mang-220-trieu-usd-den-viet-nam-lam-tu-thien.html
--> Read more..

23/12/14

Vài việc vui vui.


1. Về thăm nhà qua lại Bangkok vài ngày, tôi thấy ở nhà bảo vệ cổng chung cư ngay
chính giữa lối ra vào một tấm bảng simili vừa tiếng Thái vừa tiếng Anh mời các chủ nhà và cư dân dự tập huấn về chữa cháy. Trước lối vào thang máy ở hai khu cũng có thông báo mời ghi chi tiết cả chương trình làm việc trong gần một ngày. Vài ngày sau, gặp cô manager của Juristic Person Office dưới sảnh, cô lại mời, rất nhiệt tình và cô diễn tả rằng đây là một event rất hấp dẫn! Tôi vốn tò mò, ưa quan sát, tìm hiểu và ghi nhận những “sự lạ” nên nghe là thích ngay như mấy năm trước đã đi coi người nhện lau tường kính của 44 tầng và dự một lễ lớn mà tôi hiểu là cúng đất. Cả hai sự kiện này đều được viết lại kèm hình ảnh và đã post lên blog. (*)

--> Read more..

8/12/14

Thăm Hòn Kẽm - Đá Dừng.

Rất nhiều lần trong những năm tháng xa quê, nhìn một áng mây, nghe một tiếng chim, một bản nhạc, cảm nhận thời tiết chuyển mùa, tôi bỗng thấy nhớ quê da diết, nơi ông bà cha mẹ gắn bó một thời gian dài vì tôi rời làng quê năm mười hai tuổi, đi học, đi làm, biền biệt nữa thế kỷ nay. Những lần về thăm thường không nhiều ngày, ở với mẹ và người thân rồi đi, vốn hiểu biết của tôi về địa lý Quảng Nam, Quế Sơn nghèo nàn.

--> Read more..

4/12/14

Nghĩ lan man.


Hồi nửa sau thập niên 1980, anh láng giềng của tôi trong khu tập thể cũng là bạn đồng nghiệp cũ nghỉ dạy học, chuyển sang dịch thuật và biên tập cho một nhà xuất bản ở tỉnh. Anh đi làm suốt ngày, tối về nhà đọc và dịch, anh biết nhiều ngoại ngữ và sở hữu một tủ sách phần lớn là sách tiếng Anh, Pháp đồ sộ. Có lần, trong một đêm trăng sáng, tôi đi dạo trước sân, anh cũng ra ngắm trăng và khuyên tôi :“Thỉnh thoảng anh cũng nên ngước mặt nhìn lên bầu trời, anh sẽ tìm thấy ở đó nhiều điều thú vị và có thể có những nhận thức hay!” Tôi cám ơn anh và giữ trong tâm ý kiến này, thỉnh thoảng có lúc nhớ lại cũng ngước lên nhìn, không chỉ bầu trời mà “nhìn lên”, cao hơn tầm nhìn ngang thông thường.

--> Read more..

30/11/14

ORCHID PARADISE

 Không có một thông tin nào để biết về một sự kiện lớn tầm quốc gia và khu vực! Khi tôi đến, chỉ thấy tràn ngập hoa phong lan và người xem, người chụp hình trên một không gian trưng bày khá rộng lớn ở Siam Paragon sát Central World, nơi được coi là trái tim của thủ đô Bangkok.

Dạo một vòng, chụp vài kiểu hình và vì choáng ngợp với vẻ đẹp của các giống lan lạ ở đây, rất lâu sau tôi mới nhìn thấy một giò lan ghi xuất xứ từ Singapore, đi thêm thì thấy logo của tổ chức ASEAN, đến quày bán sách nói về phương pháp trồng và chăm sóc lan để hỏi, chỉ nhận được  một tờ quảng cáo in toàn …chữ Thái, chỉ đến khi quay về theo một lối khác mới thấy một nơi dán bảng này : 8th Siam Paragon Bangkok Royal Orchid Paradise 2014 , 26th Nov – 1th Dec. Lúc đó mới hình dung rằng sự kiện này đã tổ chức được 7 lần ở Siam Paragon. Lần thứ 7 từ 06-12/6/2013 nhân kỷ niệm sinh nhật 81 của Hoàng Hậu Sirikit nhằm bảo tồn và phát triển giống lan được xem như vị thần của quốc gia dưới sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp, Hiệp hội Khoa học nghề vườn Thái Lan và Hiệp hội làm vườn Hoàng gia Thái.









Hồi 2005 đi du lịch Thái Lan, khi vào thăm vườn lan và bướm tôi đã kinh ngạc trước muôn màu muôn vẻ của các giống lan lạ ít thấy ở Việt Nam. Đến giờ này thì thật sự bàng hoàng trước những giống lan tôi “tận mục sở thị” ở triễn lãm này. Ngoài chuyện – có thể do lai ghép – có thêm nhiều dáng hoa và màu sắc lạ, ngoài việc lan hồ điệp có hoa nhiều màu, cánh hoa to và dày, lan Brassavola Nodosa hoa lớn hơn ở Việt Nam, lan Vanda hay Dendrobium cũng thế, thú vị lớn nhất mà triễn lãm này đem lại cho tôi là có rất nhiều giống lan rừng tự nhiên và địa lan hoa chùm “cực” đẹp!






Khi về nhà, lưu loạt hình chụp vào máy và tìm hiểu thêm mới thấy hết quy mô to lớn của sự kiện này, hãy nghe tờ Bangkok Post số ra ngày 25/11/2014 giới thiệu: “More than 600,000 blooming orchids of various species will turn many parts of Siam Paragon into a floral paradise, from Wednesday until Dec 1.
The eighth “Siam Paragon Bangkok Royal Orchid Paradise” showcases 120 types of orchid, many of which are from Asean countries.
On exhibit will be two 5m-tall orchid sculptures in the shape of Yaksha, a mythical creature, and a colourful orchid garden inspired by Thai literature”.

 




Từ các quốc gia thành viên ASEAN và mọi miền đất nước Thái gửi tác phẩm được chọn của đất nước và địa phương mình về dự triển lãm, những giò lan đọat giải sẽ nhận được giải thưởng và bằng công nhận do Công chúa Maha Chakri Sirindhorn trao tặng.






Để có được triển lãm tầm cỡ này, để có được những giống lan trưng bày ở đây, sự góp tay của các viên chức nhà nước, các nhà thiết kế, nghệ nhân, những nhà trồng trọt và sưu tầm phong lan, những tình nguyện viên … là không nhỏ nhưng cũng không thể không kể đến sự hỗ trợ của chính phủ và Hoàng Gia Thái Lan. Dầu chưa có thể tìm hiểu đầy đủ nhưng khi dự vài triển lãm sản phẩm nông nghiệp từ những Royal Project, tôi có thể kết luận một cách chắc chắn rằng Hoàng gia Thái có những đóng góp rất to lớn trong thành tựu nông nghiệp của quốc gia này.






Vậy là trong vòng một tháng, chúng tôi đã dự một bữa tiệc hoa linh đình ở Central Embassy nhân kỷ niệm sinh nhật tập đoàn Central và lần này, lại dự tiếp một bữa tiệc phong lan ở Siam Paragon và ấn tượng của bữa tiệc đặc sản này thật khó phai mờ!
--> Read more..

24/11/14

MÓN ĂN DÂN DÃ: Phở Sắn cá lóc.

Về quê lần rồi, tôi được mời ăn một bữa phở sắn cá lóc đúng hương vị Quế Sơn , món mà tôi rất thích nhưng không nấu được dầu rằng phở sắn khô trộn thì đã làm nhiều. Lý do là không thể kiếm giữa bao la Sài Gòn  những vật liệu cần có.
Vừa rồi, khi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn tôi đem vào một khúc cây con chuối hạt mới vừa cắt đường kính chừng 70-80cm. Buổi sáng, lên chợ Ngã Tư Bốn Xã gần nhà mua cá lóc đồng, chỉ cần mua ½ kg là đủ một nồi nước dùng cho 4 người ăn và có thể nấu được món  mình thích.

Thực hiện:
1. Cá mua về rửa sạch bằng nước muối, nhét vào bụng cá ít múi hành đập giập để khử mùi tanh, bỏ vào nồi luộc vừa chín tới. Chờ nguội đem rỉa thịt xong ướp với nén, nghệ, ớt, mắm, muối, bột nêm, dầu hàu.  Xương, đầu cá cho vào nồi luộc lại rồi lọc lấy chừng một tô nước lớn làm nước dùng.

Cá lóc đồng đã bỏ xương ướp sẵn chờ nấu nước dùng.Cá lóc đồng đã bỏ xương ướp sẵn chờ nấu nước dùng.

2. Phở sắn đem ngâm nước lạnh chừng 05-07 phút cho vừa đủ mềm và dai (sớm hoặc trễ quá sẽ  cứng hoặc quá mềm đều làm phở mất ngon) vớt ra để ráo nước, sợi phở càng khô sẽ càng ngon.

Sợi phở sắn ngâm nước vớt ra để ráo.Sợi phở sắn ngâm nước vớt ra để ráo.

3. Rau: Chuối cây lột bỏ các bẹ bên ngoài xắt mỏng ngâm vào nước vắt vài lát chanh để không bị mủ chuối làm thâm, bỏ vào thau nước vài cục đá lạnh để chuối giòn, vớt ra vắt khô trộn với húng dủi, rau thơm, é trắng và vài lá quế . Có thể thêm lá hẹ rửa để ráo cắt dài 40-50 cm để vào một đĩa khác cho những ai thích dùng kèm.

Rau làm từ cây chuối sứ (chuối hột) con trộn các loại rau thơm.Rau làm từ cây chuối sứ (chuối hột) con trộn các loại rau thơm.

4. Đậu phụng rang giả giập, ớt xanh Đà Nẵng, chanh xắt lát, hành ngò xắt nhỏ, nước mắm ớt tỏi.

Rau, hẹ lá, nước chấm, ớt xanh.Rau, hẹ lá, nước chấm, ớt xanh.

Khi đã chuẩn bị đầy đủ, bắc chảo dầu sôi phi với nén, cho cá đã ướp vào xào lại rồi đổ vào nồi nước dùng, chờ cho nước sôi lại nêm nếm là có thể chan.
Bỏ rau, lá hẹ, phở vừa ăn, chan nước dùng có thịt cá lóc đã rỉa, rắc hành ngò, đậu phụng giả giập là ta có được một tô phở sắn cá lóc ngon lành đúng hương vị Quế Sơn.
Nước dùng nên để trong soong để giữ nóng.Nước dùng nên để trong soong để giữ nóng.

Ăn tô phở này, ta sẽ cảm nhận vị dai của phở, vị mát rượi của lát chuối cây non, mùi thơm của các loại rau, mùi vị của cá lóc, của nước dùng với vị cay, thơm của các loại gia vị ướp cá và vị bùi bùi của đậu phụng rang để rồi luôn giữ trong lòng ý tưởng muốn  còn có lần ta lại được ăn tô phở này và hiểu tại sao người Quế Sơn luôn thèm thuồng và ca ngợi nó dầu ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này khi họ gặp nhau và họ sẽ không thấy lạ khi dâu rễ Quế Sơn từ các tỉnh khác về cũng có suy nghĩ ...như họ!

Có thể có nhiều cách chế biến, gia giảm gia vị khác nhau nhưng nếu rau không có chuối cây, gia vị ướp cá không có nén và nghệ, khi nấu không khử bằng dầu phụng và nén thì xin thưa rằng, món phở sắn cá lóc này đã giảm đi từ 30-40% độ ngon của nó.

Một bữa phở sắn đã xong, xin mời!Một bữa phở sắn đã xong, xin mời!

Tiếc rằng, đây chỉ là món ăn có tính cách gia đình, chưa thấy bán phổ biến như mì Quảng dầu rằng dân Quế Sơn ở mọi miền đất nước và cả ở hải ngoại khi được hỏi món ăn đặc trưng quê bạn là gì, họ sẽ không ngần ngại trả lời ngay: phở Sắn cá lóc. Hihi.
--> Read more..

20/11/14

Tản mạn về Huế của anh “học trò trong Quảng”.



Cuối tháng 8 tôi về VN, hai tháng trời đi nhiều nơi, thăm viếng và gặp gỡ nhiều người.  Thông tin với mọi người về hành trạng của mình chỉ gửi lên Facebook. Suốt tháng 9 chỉ post một entry lên blog, tháng  10 không có bài nào và hai mươi ngày đầu của tháng 11 cũng vậy. Có vẻ FB thuận lợi và nhẹ nhàng hơn nên quay lại blog thấy vắng lặng, thấy buồn và cảm tưởng như có lỗi với những người từng đọc và thỉnh thoảng quay lại blog mình. Nay gửi lên bài này để hâm nóng ý tưởng và hy vọng rằng từ tháng 12 blog sẽ trở lại nhịp điệu bình thường.
--> Read more..

26/9/14

Có những khóa giảng.



 Anh bạn tôi hình như  sau nhiều năm mới vào FB của tôi, lại khó tính khi viết cmt trong note trước của tôi rằng sao không nói gì khác khi về Huế mà nói chuyện ăn? Anh quên rằng:”có thực mới vực được đạo”, tôi đã nói chuyện “thực” rồi, bây giờ xin chìu anh mà nói chuyện “đạo”.
--> Read more..

22/8/14

Về tác giả của một công trình để đời.



 Có một công dân Thái được người Thái biết đến nhiều, những người làm nghệ thuật, những du khách quốc tế từng đến Thái Lan cũng nghe tiếng ông, Wikipedia cũng đưa tên ông vào từ điển và nếu bạn gõ tên ông vào Google bạn sẽ nhận được 62.500 kết quả trong 0.66 giây. Ông là Ajarn Chalermchai Kositpipat, người khai sinh một ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Chiang Rai, là biểu tượng của tỉnh này và cũng rất nổi tiếng ở Thái Lan.
Hình Ajarn Chalermchai Kositpipat chụp năm 1997
--> Read more..

18/8/14

Nhớ...từ một lần coi phim.





Sau biến cố Mậu Thân, đợt 2 vào tháng 5.1968, nhà tôi cháy rụi. Khi lên Đà Lạt học, tôi  phải xin tá túc ở nhà cô tôi ở cuối đường Phan Đình Phùng. Mỗi chúa nhật, tôi và người em họ ra phố đều nhìn thấy những hình ảnh oai hùng và đẹp mắt: sinh viên sĩ quan (SVSQ) trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam và trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị đi phố cuối tuần!
--> Read more..

14/8/14

Chuyện du học.



 Cô cháu gái gọi tôi bằng cậu dạy tiếng Anh ở nhà, chồng đi làm xa cuối tuần mới về, hai thằng con trai đi học. Không bị ràng buộc nhiều về giờ giấc như ở trường, cháu chăm con rất kỹ. Hai năm trước, khi chị tôi và 3 mẹ con cháu qua Bangkok chơi, đứa lớn sắp vào lớp 10, đứa em lớp 8 rồi mà thấy mẹ vẫn phải lo từ miếng ăn đến giấc ngủ. 
--> Read more..

5/8/14

Quê ngoại





Nhân Vu Lan - mùa báo hiếu - 2014, post lại một bài viết cách đây đã 14 năm


Sau Tết, giở lại chồng báo chưa có thì giờ đọc, tôi thấy trên tờ Thanh Niên bài báo "Tết ở một xã nghèo nhất nước". Vốn quan tâm đến chuyện thời sự xã hội, tôi đọc kỹ và ngờ ngợ bài báo viết về quê ngoại của mình, mà đã quá lâu, không có dịp trở về.

Tôi xác minh thì quả đúng như vậy. Ngờ ngợ vì sau giải phóng tên đất tên làng đã thay đổi cả và tôi rời khỏi chốn này ngót ba bốn mươi năm. Anh em thân thuộc cũng phiêu dạt nhiều nơi vì thời cuộc và miếng cơm manh áo. 
--> Read more..

3/8/14

Món ăn quê.






Mấy hôm nay buổi tối trời mưa lớn, sáng dậy xuống vườn cho chim ăn, chân dẫm trên cỏ ướt mà lòng nhớ về những buổi sáng sớm khi còn nhỏ ở nhà quê, cũng thời tiết này, mấy chị em cùng đi hái nấm.

1. Hồi còn nhỏ ở quê, tiếng là một gia đình khá giả, gà vịt, trái cây đầy vườn nhưng chừng như người lớn trong nhà tôi chỉ để dành cho giỗ chạp hoặc khách khứa, hiếm có những bữa ăn ngon như người thành phố. Thức ăn cũng có cá thịt tôm trứng nhưng món ăn chủ lực vẫn là rau dưa mắm muối, những thứ có sẵn trong vườn và dự trữ trong nhà. Việc này có lẽ là tính cách cố hữu của người dân quê: ưa chắc lót, dành dụm.
--> Read more..

25/7/14

Recreation Bangpoo.



Hồi tôi đi học, thời gian nghỉ giữa buổi gọi là giờ ra chơi, sau 1975, từ dùng chung ở trường học, công sở, nhà máy là giải lao nhưng khi học tiếng Pháp, giờ chơi là la recreation, giống tiếng Anh. Từ này xuất phát từ động từ créer là sáng tạo, thêm prefixe đầu “re” hiểu là sáng tạo lại và la récreation là sự tái tạo. Người  Pháp nghĩ rằng giữa buổi học, học sinh được nghỉ chơi để tái tạo chất xám! Hihi. 
--> Read more..

20/7/14

Hồi hương.



Chợ Samyan ở Bangkok có duy nhất một hàng thịt bò, đối diện với hàng này trên lối ra khu đậu xe là hàng vịt luộc của hai cha con một ông người Thái khoảng gần 70 tuổi, người con trai có lẽ trên 30, chưa có gia đình. Thứ 7 hàng tuần, tôi thường đi chợ này để đẩy xe chở hàng cho con gái, lần nào cũng mua thịt bò và đến hàng này là vui  vì có người Việt để nói chuyện, lúc đầu thì 3 người, về sau còn 2, những người từ Hà Tĩnh qua làm công cho hàng thịt vịt. Người lớn tuổi, có vẻ là trưởng tràng và trụ lâu nhất ở đây: anh Hạnh, tuổi con chuột, sinh năm 1960, nay cũng đã gần 55 tuổi. Anh hiền và dễ thương, đậm chất nông dân, chất phác . 
--> Read more..

15/7/14

Thăm Kanchanaburi.




Anh bạn trẻ người Việt làm cùng hãng với con gái tôi qua Bangkok  trước khoảng  một năm  hôm ghé nhà chơi đề nghị cả nhà nên đi Kanchanaburi, nơi này không hề là địa điểm du lịch thời thượng nổi tiếng nhưng cũng không thể bỏ qua khi sống ở Thái.

1. Nhân ngày lễ Phật Arsanha Budhha Day vào thứ 6, con gái tôi có 3 ngày nghỉ liền, chúng tôi sắp xếp để đến thăm nơi này.
--> Read more..

7/7/14

Thăm chùa (Wat) Bun Phen Nua.



Một tuần trước khi trường các cháu nghỉ hè, anh bạn tôi, anh Asanee Trekul là tài xế xe đưa đón học sinh trường  Patana mời chúng tôi đi chùa mặc dầu anh là tín đồ Thiên Chúa!. Nếu các cháu đi được, sẽ đến thăm cả trại cá sấu ở Samut Prakan. Sáng thứ bảy vừa qua anh đem xe đến, cả nhà cùng đi. Theo hướng Bangna, đi thêm một ít nữa, cách Bangkok chừng 30 cây số, trên đường Seri Thai Soi 60 đi vào là đến chùa. 
--> Read more..

30/6/14

Buồn vui Phây xờ búc.



 Tôi gia nhập cộng đồng facebook hồi cuối năm 2010, sáu năm sau khi trang mạng xã hội này ra đời. Chuyện là,  trường ngày xưa nơi tôi dạy kỷ niệm 35 năm thành lập, tôi về dự, học trò chụp hình và hứa sẽ post lên FB, mục đích đầu tiên là tôi lập trang này để coi hình. Trước đây chỉ nghe  rằng đây là một nhật ký mở, ai muốn viết gì lên đó thì viết để thể hiện mình, ghi lại những tâm tư, tình cảm hoặc cũng có thể giới thiệu những bài viết, bản nhạc, phương thuốc, vị thuốc hay … cho mọi người. Khi sử dụng mới hay là công năng của nó vượt xa những suy nghĩ lúc đầu rất nhiều vì một lý do rất căn bản: FB là không gian ảo.
--> Read more..

23/6/14

Dấu hỏi (?) khi đọc sách.





Chuyện Tái Ông thất mã (塞翁失) kể về một người ở cực Bắc nước Tàu giáp với nước Hồ mất ngựa rồi được ngựa … ai cũng đã nghe, có người còn thuộc cả hai câu thơ của Cụ  Huỳnh Thúc Kháng: “Chuyện tụ tán chẳng qua là tiễn biệt/ Ngựa Tái Ông họa phước biết về đâu?”. Chỉ cần gõ 5 chữ vào Google để search thì chỉ trong 0.5” người ta đã tìm thấy 1.440.000 kết quả. Tôi không đưa vào đây sợ làm phiền người đọc, chỉ nói rằng rất nhiều bài viết đều lấy cốt truyện từ sách Hoài Nam Tử (còn gọi là Hoài Nam Hồng Liệt của Hoài Nam Vương Lưu An) đầu thế kỷ thứ II trước công nguyên. Cuốn cổ thư này theo Phạm Xuân Hy trong “Nghi án về cái chết của Lưu An” là một kiệt tác vì đã “tổng hợp và chỉnh lý những tư tưởng bách gia thời Tiên Tần cũng như bảo lưu nhiều thông tin lịch sử giá trị thời Tần Hán”
--> Read more..

6/6/14

LỆ THẦN TRẦN TRỌNG KIM VÀ SÁCH VIẾT VỀ PHẬT GIÁO.




Mấy năm trước, hồi còn ở Sài Gòn, có lần ghé Quỳnh Mai, một nhà sách khá lớn trên đường NTMK tôi rất bất ngờ trước bìa sách “Phật lục” của Trần Trọng Kim (xuất bản năm 2007) bèn mua về “đọc thử”. Nói “bất ngờ” vì xưa nay tôi chỉ biết đến ông qua Việt Nam sử lược, Nho giáo (2 tập) do Trung tâm Học Liệu Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH in và phát hành mà hầu như SV Văn khoa ngành Việt Hán và Sử Địa đều có. Riêng Việt Nam sử lược là tác phẩm tham khảo chính cho những nhà biên soạn Sử Việt (và cả sách giáo khoa) như Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Nguyễn Thế Anh… sau này có biết thêm Một cơn gió bụi và Luân lý giáo khoa thư nữa. Vài tháng trước, biết vợ tôi hay đọc sách Phật, một đứa cháu lại tặng dì cuốn “Phật giáo”, ngay trang trong có thêm hàng chữ bên dưới: “Trong ba bài diễn thuyết” cũng cùng tác giả, cùng của NXB Đà Nẵng (2002) và trình bày bìa như quyển trước.

--> Read more..

3/6/14

Một thời...đã xa!



Những năm gần đây, mẹ và anh chị tôi ngày càng già, tôi cũng đã về hưu, sống xa hơn nhưng lại về thăm nhiều hơn: ba bốn lần mỗi năm. Lần nào về lòng cũng nhớ về một nơi, nghĩ và mong tìm thăm một người con gái đã xa hàng nửa thế kỷ.
Thời chiến tranh Việt Pháp, khoảng năm 1946 – 47, từ Đà Nẵng, gia đình anh Ngoạn tản cư về Quế Sơn, lúc đầu ở dưới Mỹ Thứ một thời gian ngắn rồi lên làng tôi, thuộc hàng “sơn cùng thủy tận” của huyện, xa thành phố chừng 60 cây số. Cha mẹ tôi cho gia đình anh ở trong “nhà trường” ngay trong sân nhà, một căn nhà tranh rộng lớn và làm nơi cho xã mượn dạy BTVH thời Việt minh (nên mới gọi là “nhà trường”). Sau anh làm nhà trên đất nhà o Lầu sát vườn nhà tôi và sống ở đây đến ngày đình chiến mới hồi cư.

--> Read more..

Flags..


Flag Counter