Chợ Samyan ở
Bangkok có duy nhất một hàng thịt bò, đối diện với hàng này trên lối ra khu đậu
xe là hàng vịt luộc của hai cha con một ông người Thái khoảng gần 70 tuổi, người
con trai có lẽ trên 30, chưa có gia đình. Thứ 7 hàng tuần, tôi thường đi chợ
này để đẩy xe chở hàng cho con gái, lần nào cũng mua thịt bò và đến hàng này là
vui vì có người Việt để nói chuyện, lúc
đầu thì 3 người, về sau còn 2, những người từ Hà Tĩnh qua làm công cho hàng thịt
vịt. Người lớn tuổi, có vẻ là trưởng tràng và trụ lâu nhất ở đây: anh Hạnh, tuổi
con chuột, sinh năm 1960, nay cũng đã gần 55 tuổi. Anh hiền và dễ thương, đậm
chất nông dân, chất phác .
Em Hùng ở chợ Samyan. |
Được chừng một
năm rưỡi thì nhân sự hàng vịt luộc này biến động, anh Hạnh qua phụ tiệm ăn bên
Chamchuri Squaire “để vợ dễ quản lý” theo lời kể của Hùng, chỉ còn Hùng và vài ngườ
lạ, ít thân! Vả lại, có vẻ như họ dắt díu nhau qua làm việc, khi mới vừa quen
việc, biết chút ít lại tìm nơi khác lương cao hơn, và có chỗ cho người mới ở quê qua thay vào, vô hình trung họ
coi cha con ông chủ này chỉ là bàn đạp. Tôi cho rằng như vậy là thiếu fair play!
Vừa rồi, sau
cả tháng ở nhà, trở lại chợ, chị bán thịt bò báo là người bên hàng vịt đã về
VN, tôi quay ra hàng giá cũng không thấy vợ Hùng, hỏi thì chị bảo là về luôn,
mình mới sực nhớ chủ trương siết chặt lao động nước ngoài vào Thái mới đây của
chính phủ.
Sau đảo
chánh của phe quân nhân hôm 25.5, ngày 11.6 chính phủ quân sự tuyên bố bắt giữ
và trục xuất những người lao động bất hợp pháp ở nước này. Không có số liệu chính
thức nên có báo nói số lao động nước ngoài ở đây là 2 triệu, có báo nói là 2,2
triệu phần lớn từ Mianma, Lào, Campuchia
trong đó có 1,8 triệu là bất hợp pháp.
Anh Tuấn, giữ xe cho một nhà hàng ở Ayutthia |
Hai bạn trẻ cùng làng ở Nghệ An làm chủ một ghe bán kem dừa ở chợ nổi gần Ayutthia. |
Báo Dân Trí
số ra ngày 07/7 dẫn nguồn của bộ LĐ-TBXH Việt Nam nói số lao động Việt Nam là 100.000
người , đa số là dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh. Phần lớn
đối tượng này vào Thái Lan bằng hộ chiếu du lịch, nhờ thỏa thuận miễn thị thực
với nhiều quốc gia để thúc đẩy du lịch, cho phép vào Thái trong 30 ngày không cần
visa. Do đó, cứ hết một tháng, họ lại đến biên giới Thái-Lào rồi vào lại Thái.
Những người tôi quen ở chợ Samyan gọi việc này là “đi tò” , có người gọi là “tò
lay”. Chi phí trọn gói cho dịch vụ này là 700THB, xe đón đi, trả về, làm thủ
tục, tất cả trong một ngày.
Đọc những
tin này, tôi bỗng thấy thương và lo cho họ, không biết sắp tới sẽ thế nào vì những
người Việt tôi gặp ở chợ nổi Dunwai, ở kinh đô Ayutthia, ở Bangna, ở Bangkok và
mới đây, ở tỉnh Kanchanaburi đều khoe là thu nhập lên đến 15.000THB/tháng, có
nơi không kèm ăn ở, có nơi được ăn bữa trưa và có chủ lo cả nơi ăn chốn ở. Chỉ không biết
những cô gái Việt hành nghề “buôn hương bán phấn” ở phố đèn đỏ Patpong và số lớn hơn ở khắp nơi trên đất Thái thế
nào!. Chi tiêu tằng tiện, mỗi người có
thể dành dụm từ 7-8 triệu đồng VN mỗi tháng, quay về quả là một thiệt thòi cho
họ và trở thành gánh nặng cho gia đình, địa phương nơi họ sống.
Hai bạn trẻ ở Thừa Thiên trước một nhà thuê ở Kanchanabury. |
Chuyện nhập
cư và lao động bất hợp pháp có thể cung cấp cho nước sở tại nguồn nhân công giá
rẻ cho các ngành thủy sản, nông nghiệp, xây dựng, những nghề phổ thông không cần
kỹ thuật nhưng hệ lụy cho nước sở tại không phải là không có. Cứ nhìn tình trạng
di dân tự do lên Tây Nguyên ở Việt Nam thì hiểu!
Sát chung cư
tôi ở, có một cô gái bề ngoài có vẻ đã có gia đình, bán thịt nướng, khi gặp lần
đầu, có lẽ vì tôi không mua ủng hộ và thấy
họ cần bán kiếm tiền hơn là mừng vì gặp người Việt, nên sau này tôi chỉ nhìn
khi đi ngang, nay vẫn còn thấy. Chắc họ cũng tìm cách này cách khác ở lại theo
kiểu liều mạng, đến đâu hay đó có thể vì cần tiền, phần khác vì thiếu thông
tin. Tôi cũng, qua lang thang trên mạng, được biết có một trang FB nick “Người
Việt Nam ở Thái Lan” mà mục đích là “Trang
FB dành cho người Việt Nam ở Thái Lan và mọi người cần trợ giúp và thông tin
khi qua du lịch học tập và làm việc ở Thái... (Vietnamese community in
Thailand, The place to share information and connecting everyone)” đã thông tin về việc này hoặc trang web của Đại sứ
quán Việt Nam ở Thái
cũng thông tin nhưng các đối tượng này, vì điều kiện công việc, ăn ở, thu nhập
làm sao có thể tiếp cận internet thường xuyên?. Dầu sao cũng rất hoan hô admin của FB về sự giúp đỡ rất đáng quý nói trên!
Vừa rồi,
chúng tôi cũng đã ký cam kết với Cục Quản lý nhập cảnh Thái Lan. Theo đạo luật
nhập cảnh B.E. 2522, nếu ở quá hạn visa hơn 90 ngày sẽ bị cấm trở lại nước này
sau 1 năm, hơn 1 năm bị cấm vào sau 3 năm…, trong trường hợp bị bắt thì sự chế
tài sẽ nặng hơn.
Với việc rời khỏi Thái Lan của hàng triệu người
lao động từ sau 11/6, nước này đang đối phó với tình trạng thiếu nhân lực trầm
trọng. Nghe rằng chính phủ đã giảm phí làm visa đến mức không thể giảm hơn nữa, mong rằng chính sách
dành cho người lao động phổ thông nhập cư sẽ thoáng hơn để những
nông dân nghèo ở VN có điều kiện cải thiện cuộc sống rất hợp pháp, lương thiện
không phải tốn kém nhiều cho các tổ chức môi giới lao động nước ngoài mà không
ít người tiền mất tật mang, tán gia bại sản như đã xãy ra đối với các vùng nông thôn nghèo miền Bắc nhiều
năm trước đây.
Một thông tin về tình hình người Việt Nam tại Thái Lan của bác HN. Người mình chịu khó, hiện nay đã gần như đi "khắp thế gian" với nhiều mục đích và lý do khác nhau. Hôm nọ đọc trên mạng thấy có chị phụ nữ bị bêu xấu giữa chợ bên Mã Lai. Kể cũng nhiều hoàn cảnh, đáng tự hào có, đồng thời cũng đáng thương và đáng giận.
Trả lờiXóaMéc xì bài viết của bác HN :-)))
Người Việt Nam "đi khắp thế gian" nhưng hình như gặp nhau nơi xa họ không chào nhau kiểu "Sang năm về Israen!" như người Do Thái là điều đáng tiếc và chừng như họ cũng ít bệnh vực cho nhau bác NHP ạ! Cám ơn bác đã đọc và viết comment!
XóaỞ đâu thì những con người cùng khổ cũng gian nan vất vả, kể cả ở tại quê nhà!
Trả lờiXóaChính vì ở nhà quá khổ nên họ mới tìm đường sống ở xa nhà dầu họ biết rằng phải đánh đổi nhiều thứ giao ơi!
XóaỞ nước ngoài mà không có giấy tờ hợp lệ thì gian nan lắm. Gần đây, báo chí Hoa Kỳ có loan tin nhiều người bị bắt làm nô lệ trên các tàu đánh tôm của Thái Lan. Họ làm việc không được trả lương, bị đánh đập, bỏ đói, và cuối cùng bị giết. Bài báo nói người bị bắt làm nô lệ là người Căm pu chia, thì người VN cũng có thể bị vướng vào tình trạng không may như thế.
Trả lờiXóaCám ơn về thông tin Tám đọc trên báo nhưng nghe thấy thiệt không thể nào vui. Chuyện người Việt vướng vào những không may này có xác xuất rất cao vì thỉnh thoảng HN cũng đọc thấy những tin tức tương tự. Riêng chuyện nô lệ tình dục thì khá phổ biến và người ta đã nói đến nhiều kể cả ngay trên đất nước mình. Vấn đề là ý thức và biện pháp giải quyết của nhà cần quyền Tám ạ!
Trả lờiXóaQua bài viết thấy thành phố Thái cần rất nhiều lao động phổ thông, vậy đáng ra nhà cầm quyền Thái phải có chính sách sao đó để quản lý được số lao động này chứ không đuổi họ thẳng thừng. Như vậy người lao động có thu nhập, không gây mất trật tự an ninh cho nước sở tại, và các dich vụ Thái không bị đình trể do thiếu nhân công. Có lẽ bác HN nên viết một bài cho báo chí bên Thái chăng.
Trả lờiXóaNgười Việt nam ta từ lao động xuất khẩu hợp pháp đến lậu cũng lắm đoạn trường anh HN ơi! Tai tiếng nhất gần đây là ở Nhật bản. Những hoàn cảnh đó thì dù tiếp tục ở lại xứ người kiếm ăn hay hồi hương đều ... Ghé thăm và chúc anh vui khỏe!
Trả lờiXóaHồi hương
Áo cơm dấn bước chốn xa xôi
Đất khách nhục nhằn tạm thế thôi
Nam bắc, Tây Nguyên rừng cưỡng chế
Đông tây, Tiên Lãng đất thu hồi
Công nhân bán sức bàn tay trắng
Ngư phủ mất thuyền ruột cá trôi (*)
Rau trái quê hương giờ nhuốm độc (**)
Hồi hương, nước mắt chẳng riêng tôi!
(*) Lôi thôi như cá trôi lòi ruột
(**) trái cây rau quả đến đồ chơi trẻ con ... nhập từ Trung quốc đều độc hại vì hóa chất, cho đến cà phê, nước đậu nành cũng chế biến từ hóa chất của Trung quốc và người nông dân chân chất ngày nào cũng phải phun đủ thứ thuốc độc vào ruộng đồng, ao vườn nhà mình...
Cám ơn trung tran đã ghé thăm. Đang chờ bài mới của bạn đây. Bài thơ này, tuy không nói được nhiều nhưng cũng khái quát bức tranh với nhiều game màu tối đen của VN. Ở Sài Gòn chắc bạn đã đọc "Death by China" của Peter Navarro và Greg Autry của bà Trần Diệu Chân dịch rồi chứ? Chúc an vui.
Xóa