12/2/16

Du Xuân

"Xuân du phương thảo địa” (Thôi Hiệu)


“Du Xuân” là chữ chị Thúy Hà, giảng viên Đại học Chulalongkorn dùng khi gửi thư mời tôi và một số bạn đi viếng Làng Mai ở Thái Lan. Năm ngoái và năm nay, chị đều tổ chức cho một số du SV Việt Nam ở Thái Lan không về quê ăn Tết đi thăm nơi tu hành theo Pháp môn Làng Mai của thầy Nhất Hạnh.
Làng Mai ở đây thành lập năm sáu năm trước, khi “bọn côn đồ xã hội đen” phá phách và gây rối ở tu viện Bát Nhã Lâm Đồng thành lập trước đó không lâu. Lúc đầu, các sư thầy tá túc tạm ở một trang trại của một gia đình đạo hữu, chỉ mua đất và định cư ở nơi mới này ba năm trước. Làng Mai gần và trên đường đi Công viên Quốc Gia Khao Yai, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Thái Lan, cách Bangkok hơn 200km.
Khởi hành từ hơn 5h sáng mùng hai âm lịch tại điểm hẹn, đoàn chúng tôi gồm hơn 30 người đi trên một xe bus du lịch 54 chỗ. Chỉ có 3 khách mời lớn tuổi là tôi và hai chị khác, còn lại là các du sinh viên của Đại học Chulalongkorn, các đại học Thammasat, Mahidol, Khon Khen và Học viện Công Nghệ Thông Tin châu Á (AIT) học lấy bằng Cao học và Tiến Sĩ, trong đó có một số đã làm việc và giảng dạy ở các đại học trong nước.


Xe bus 45 chỗ chở đoàn đi,

Với chị Hồ Thu, người Pháp gốc Việt hiện sống ở BKK.

Trong xe bus.

Là người thường tổ chức sự kiện, chị Thúy Hà và anh Lac, chồng chị, lo cho đoàn khá chu đáo từ việc liên hệ trước với Làng để sắp xếp chương trình đến ăn uống nhẹ trên xe buổi sáng và cả việc tập cho đoàn các bài hát để sinh hoạt ở Làng. Chương trình dự kiến gồm “bói Kiều”, coi múa Lân, đến chúc Tết các ni sư và thăm viếng vài nơi trong khuôn viên 15-16ha của làng.


Vừa xuống khỏi xe bus lúc 9h.

Đến nơi hơn 9 giờ, lên thiền đường đã thấy các sư chuẩn bị sẵn sàng. Mọi người có cả tăng ni cùng đảnh lễ Phật và bắt đầu nghi thức bói Kiều mà sư chủ trì giới thiệu “là việc làm thuộc về truyền thống dân tộc, tích hợp kinh nghiệm tổ tiên, kiến thức tâm lý và Phật học nhằm chuyển hóa khổ đau cho bá tánh”. Truyền thống Làng Mai chú ý đến thanh tịnh trong mỗi bước đi, từng hơi thở nên người xin quẻ từ chỗ ngồi đi xuống cuối phòng rồi khoan thai đi lên nơi đặt chuông đồng, đảnh lễ Phật, vịn tay vào chuông, lâm râm khấn nguyện điều muốn biết và lấy ngẫu nhiên từ chuông một phong bì. Phong bì in câu Kiều mà người xin bốc được và các Ni, Sư sẽ giải đoán.


Trên đường vào thiền thất.

Chị Thúy Hà, người tổ chức chuyến đi.

Toàn cảnh thiền đường.

Có một chị từ Phan Rang đến, một ni sinh người Đức, ba du SV trong đoàn xin quẻ bói. Điều rất ngạc nhiên là tất cả 10 câu Kiều từ quẻ rất phù hợp với điều 5 người cầu cần biết! Chị Mộng Cầm ở Phan Rang có ước mong sẽ “lan tỏa một công việc chị thực hiện từ 3 tháng nay rất có lợi cho cộng đồng”, hỏi có thể được không và xin lời khuyên. Câu Kiều chị nhận được là “Ngày Xuân em hãy còn dài/ Mừng nào lại quá mừng này lớn chăng?”. Cô ni sinh người Đức xin cụ Nguyễn Du bày cho “phép thực tập hành thiền thế nào để nương tựa chính mình và đạt nhiều tiến bộ”. Cô bốc được câu “Thấy lời thủng thỉnh như chơi/ Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân” Các du SV còn lại đều xin lời khuyên về việc học, về hoàn cảnh gia đình, về hôn nhân dị giáo… Có một điều không thể không thừa nhận là các ni, sư là giảng viên của Làng giải thích và lồng vào giảng pháp khiến số đông chúng tôi rất bằng lòng và khâm phục. Tuy vậy, tôi cũng hỏi các sư rằng Đức Phật dạy chúng sanh phải nương tựa vào mình thì làm sao có việc “bói” và rằng vì sao các câu trong quẻ là ghép? (Ví dụ quẻ của chị Mộng Cầm ghép hai câu 731 và 2940, của ni sinh người Đức ghép hai câu 1589 và 1080). Có một sư giải thích trước toàn thể và một sư khác giải thích riêng. Cả hai lời giải thích giúp tôi tạm bằng lòng vì không có giờ để… tranh luận!


Cô tu sinh người Đức thành tâm và khoan thai đến nơi xin quẻ Kiều.

Đặy tay lên chuông và lâm râm khấn điều cầu xin.

Làng có hơn 200 ni sư, gồm cả giảng viên và tu sinh đến tu học. Giảng viên từ Làng Mai ở Pháp về, tu sinh phần lớn là người Việt. Ngoài ra còn có người Thái, châu Âu và vài quốc tịch khác. Thỉnh thoảng Làng tổ chức các khóa tu một, hai tuần cho tín đồ ở xa. Khóa tu một tuần gần nhất bắt đầu vào ngày mùng 6 âm lịch này cho người Việt.
Nhờ có sẵn Phật tâm, gia đình sùng đạo, lại giảng dạy Phật giáo dòng Anamikaya, chị Thúy Hà có liên hệ thân thiết với Làng từ nhiều năm nay nên khi đến, mọi người đối xử với chị như người nhà. Đoàn đến thăm 4 phòng ở của các ni, mỗi phòng 3 người, nơi nào chúng tôi cũng được đón tiếp nồng hậu và chí tình của các ni. Ngoài bánh mứt, hạt dưa, hạt điều, nước ngọt, mỗi phòng đều được mời một món đặc biệt: Bánh tráng trộn, Bánh ướt, Xúp, Gỏi bưởi, Bánh bột lọc từ chính tay các ni chế biến nhưng hơn hết mọi thứ là tấm lòng và ánh mắt từ ái từ các ni, những lời giảng pháp thật gần gủi và thâm thúy dành cho đoàn. Đó là hình ảnh mà chắc chắn tôi mang theo suốt đời. Dịp này, chúng tôi cũng được may mắn gặp sư bá, Hòa thượng thủ tọa Giác Viên đến chúc Tết các phòng và nghe giảng về việc bảo vệ hành tinh xanh cũng như giữ tình thân ái huynh đệ trong cuộc sống hàng ngày.


Trang hoàng nơi ở của các ni.

Chụp hình kỷ niệm với các ni múa lân.

Các ni chuẩn bị bánh ướt mời khách Bangkok.

Sư cô Dũng Nghiêm (nhà Cây phượng vỹ) tâm tình với đoàn.

Ni sinh người Thái, hát được tiếng Việt và bảo rằng nhờ đọc sách thầy Nhất Hạnh nên biết đến Làng Mai và tim đến xin tu học.

Ở Làng Mai Thái Lan, chúng tôi hưởng một ngày Tết đậm chất Việt khi thấy hoa Mai, hoa Đào trên thiền đường, thấy cảnh trang trí trong Làng, từ cây nêu ngoài vườn cho đến hoa trái từng phòng, quan trọng nhất là nghe lời ca tiếng hát và lời chúc tụng ở phòng các ni cô khi các sư đến thăm và chúc Tết.


Trước thất của Sư Ông mà từ lúc hoàn thành đến nay Sư chưa về được!

Ao ước được đến nơi này đã có trong tôi từ vài năm trước vì vài lần về VN tôi thường nghe bạn bè, học trò cũ đã từng đến đề nghị chúng tôi đến thăm. Nay, nhờ tấm lòng của vợ chồng chị Thúy Hà và bạn bè VN ở Bangkok như chị Thảo, chị Thủy Tiên tôi đến được, được hưởng một ngày Tết thanh bình, được nghe pháp, nghe lòng mình đằm xuống, gạt bỏ bên ngoài những phiền trược đời thường. Tôi nghĩ, đó là hạnh phúc. Còn một hạnh phúc khác trong chuyến đi mà tôi chia sẻ trong lời cám ơn trên xe trước lúc đoàn chia tay: thấy 
những người trẻ, những người học thức có cơ duyên đến gần pháp Phật, tôi thật sự vui mừng cho họ.
Mặc dầu trời nắng nhưng vẫn lạnh se se như thời tiết Sapa, Đà Lạt mùa hè. Trong ấm áp bằng hữu của những người cùng đi và nhận được lòng nhiệt tình, cởi mở của những chủ nhân Làng Mai, mọi người ai cũng cảm nhận được niềm vui của chuyến Du Xuân đầu năm này.

4 nhận xét:

  1. Chúc mừng bác HN có một cuộc Du xuân đầy ý nghĩa, ấm áp nghĩa tình và niềm vui tôn giáo.
    Đọc tôi cũng hơi băn khoăn ở mục bói Kiều, và nghĩ, thực ra những câu Kiều ghép (để có một ý nghĩa cụ thể nào đó) là dụng ý của các ni sư ở đấy. Các vị đã "cố tình" chọn, ghép để có một số câu "tốt" hoặc "tương đối" trong một số hoàn cảnh dành cho người bói. Có lẽ sẽ không có những câu "xấu".
    Năm mới chúc bác HN và gia quyến Vạn Sự Như Ý :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác NHP đã đọc kỹ bài để có nhận định về bói Kiều. Thật ra các thầy đều thừa nhận rằng qua giải Kiều, các thầy sẽ lồng vào giảng Pháp. Rất tiếc HN cũng chưa đọc hết các câu để biết là có câu xấu hay không bác ạ. Cám ơn lần nữa vể lời chúc Tết. Bác và gia đình cũng thế nhé.

      Xóa
  2. Chuyến đi như thế này rất hay cho những người muốn tinh tâm ,anh ạ !Không biết cô Thúy Hà có thể tổ chức cho khách từ VN qua BK ,rồi đi thẳng lên làng được ko anh ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô Thúy Hà giảng dạy ĐH và làm nhiều co6ngt tác xã hội. Việc tổ chức cho đi chỉ trong nhóm thân hữu và SV VN quen biết trong ngày Tết. Tuy vậy, HN sẽ hỏi cô ấy thử từ sân bay lên Làng có cách nào tiện cho khách thay vì ở lại BKK rồi sẽ báo với anh tại đây. Ngoài ra, anh HHP search trên Google: Làng Mai Thái Lan hoặc Plum Village.org thử nhé. Vài người quen nói với HN rằng lên rồi không muốn về, có thể đúng anh ạ.

      Xóa

Flags..


Flag Counter