15/6/12

cha
tôi
Nhân Father's Day, đọc bài trên blog Mùa Thu Buồn, một bài trên FB và cmt của một người bạn về Cha, rất cảm động, HN lục tìm và post một bài viết đã lâu, như một nén nhang tưởng nhớ Cha mình.

(HN năm lên sáu đứng giữa cha và bà nội)

 

Năm tôi lên chín, cha tôi qua đời. Tuổi lên chín đang học tiểu học trường làng đâu có biết nỗi bất hạnh của việc mồ côi cha quá sớm. Tôi cũng buồn và khóc khi thấy những người thân trong gia đình thương tiếc, nhưng lại tỏ ra vui khi đứng trước gương săm soi xem bộ đồ tang mình mặc xấu đẹp thế nào và tự hào với lũ trẻ con hàng xóm khi chiếc xe chở quan tài cha tôi từ thành phố về nhà! Vào thời điểm đó, ở vùng quê xa xôi heo hút này, một chiếc xe gắn máy đi qua đường làng cũng là một hiện tượng lạ và nhà tôi với cái radio đầu tiên trong làng trở thành nơi thu hút đông đảo viên chức xã mỗi chiều thứ Ba để nghe Trần Văn Trạch hát nhạc hiệu buổi trực tiếp truyền thanh xổ số kiến thiết hàng tuần!
 Trong những năm sinh viên, đọc một truyện ngắn nước ngoài, tôi thấy nhân vật trong truyện có rất nhiều tính cách giống với cha mình. Tôi nuôi ý định sau này sẽ cố gắng viết một ít gì đó về cha, vừa như một nén nhang của đứa con út thắp lên bàn thờ ông vào ngày Father’s Day, vừa bổ sung thêm hiểu biết cho các con, các cháu về ông ngoại, ông nội, cùng với những chuyện kể, những ghi chép tản mạn về mẹ và các anh chị tôi. Nhưng mỗi khi ngồi vào bàn viết lại thấy khó vì mấy chục năm qua, gia đình có nhiều thay đổi. Việc rời bỏ làng quê về sống ở thành phố, rồi chiến tranh, ly tán, nhà cửa dời đổi nhiều lần, tôi phải đi học rồi đi làm xa, đã làm cho kỷ niệm ấu thời về cha mình ngày càng mai một. Mà như ai cũng biết, trong cái kho chứa kỷ niệm của một cậu bé, chuyện vui chơi chiếm quá nhiều chỗ, không còn mấy cho những ký ức về cha! Dầu sao tôi cũng sẽ cố gắng moi tìm trong các góc cùng khuất nhất của ký ức để viết và mong nếu có gì chưa đúng, đã có mẹ và các anh chị tôi bổ sung.
          Cha tôi chỉ có hai chị em. Cô tôi làm vợ kế cho một người buôn bán ở chợ huyện nhưng có cơ hội giao du với các ông Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và anh cả tôi kể có lần dượng tôi tiếp cả khách buôn người Tây trong nhà …
 Sinh ra trong một gia đình Nho học, nhưng cha lại được đi học trường Tây, vì ông tôi lúc bấy giờ là một văn thân tiến bộ, từng tham gia phong trào cắt tóc xin xâu (nghe nói qua việc này, bà tôi đã khóc mấy ngày vì quan niệm rằng để tóc búi tó là cách thể hiện lòng lòng hiếu thảo với cha mẹ tổ tiên).
 Cha tôi học cùng thời với nhà thơ Hàn Mạc Tử ở Pellerin (Huế), nhưng học đến bao lâu và đỗ đạt như thế nào chính các anh tôi cũng không rõ. Cha còn tham gia góp cổ phần trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng (đến giờ các anh tôi vẫn còn giữ giấy tờ).
 Những điều dông dài trên đây chỉ để phác họa một đôi nét về gốc gác gia đình và vốn liếng văn hóa cha tôi tiếp thu được. Về sau cha nối nghiệp ông tôi làm thuốc Bắc. Tuy vậy, vào những năm cuối đời, cái người ta gọi là “thời y” hình như đã không còn mỉm cười với ông nữa!
 Các anh tôi đã nhờ một người thợ vẽ, vẽ lại hình ảnh cha (qua một tấm hình chụp không lâu trước khi ông mất). Tấm hình rất giống, thể hiện rõ nét hình ảnh và tính cách của ông, một khuôn mặt nghiêm nghị, khắc khổ, ưu thời mẫn thế và có những nét lo âu xa xăm nào đó!
 Cái mà nhận thức tuổi thơ tôi còn đọng lại là ông rất nghiêm khắc với chính bản thân và cả với những người chung quanh. Ngay cả bà nội cũng rất nể vì cha. Mọi tôn ti trong nhà luôn luôn được tuân thủ nghiêm ngặt. Thành thử tôi rất buồn khi sau này thấy cảnh - do hoàn cảnh chiến tranh phải sống chung trong những ngôi nhà chật hẹp - các cháu tôi làm ồn khi các anh tôi ngủ trưa chứ hồi trước, khi cha ngủ trưa là cả nhà im phăng phắc!
 Không rõ với các anh chị tôi thì cha đối xử thế nào, riêng với tôi, những điều phải tuyệt đối tuân thủ trong cuộc sống hàng ngày là: không được nói leo, không được nói hớt, không được trả lời khi câu hỏi nhắm vào người khác nhất là trong các bữa ăn.
 Cha tôi đi đâu về, trong nhà dầu có chuyện buồn vui gì đều phải để ông nghỉ ngơi xong mới trình bày và chuyện của ai thì người ấy nói chứ cùng không được nói thay người khác. Dù thời phong kiến đã đi qua, quan niệm phong kiến đã lỗi thời, cách cư xử gia trưởng trong các gia đình Việt Nam không còn phù hợp với nhịp sống hiện nay, nhưng tôi thấy những nếp xưa ấy vẫn còn rất cần thiết trong việc giáo dục con cái và định hình nhân cách, lối sống đúng cho mỗi con người.

 Tôi vẫn nhớ tâm trạng thích thú vô hạn - khi được theo mẹ ra phố thăm người quen - luôn đồng hành với tâm trạng thấp thỏm thường trực và phải làm sao không xảy ra va vấp có thể làm cha “cắt xuất ăn theo”!
 Mỗi khi đi xa về, cha đều có quà cho cả nhà. Với tôi thường là quà đặc biệt với nỗi háo hức cứ lớn dần theo thời gian chờ đợi! Tôi biết cha thương tôi nhiều nhất vì tôi là vừa là út vừa tuổi rất bé (các anh em tôi sinh cách nhau những 4,5 năm). Biết nghề thuốc, chắc ông rõ tình trạng sức khỏe của mình và lo lắng có thể sẽ qua đời khi tôi còn quá nhỏ. Tuy vậy tôi cũng ít khi được gần gũi ông, trừ những lúc ông kéo tôi gần lại. 
 Thương yêu chiều chuộng con cái nhưng ông cũng rất nghiêm khắc khi chúng tôi phạm lỗi. Thời Việt Minh, giữa một vùng quê nghèo nàn như thế mà các anh chị tôi đều được học đàn và được cha tôi mua cho cây đàn mandoline để đi tham gia biểu diễn văn nghệ. Trong một lần đi biểu diễn, các anh chị làm mất cái bao đàn, mẹ tôi phải nhờ các bác, các chú bên nông hội (nhà tôi lúc đó là trụ sở nông hội) can thiệp giùm với cha trong khi các anh chị trốn hết!
 Những năm trước khi mất, sáng mồng một Tết, ông thường bảo tôi châm nước cúng các bàn thờ (nhà tôi có rất nhiều bàn thờ) và thổ kỳ ngoài sân. Thú thực tôi rất lo lắng vì theo cách tin tưởng từ nhỏ, nếu ngày đầu năm làm đổ vỡ bị rầy la thì sẽ bị la rầy trong suốt cả một năm!
 Tôi còn nhớ rõ mồn một ba trận đòn thuở nhỏ. Một lần là do bị lũ trẻ con cùng xóm giật mất chiếc-bình-mực-không-đổ hình con gà trống mới mua (hồi ấy, cả trường duy chỉ mình tôi có). Một lần do đùa giỡn thái quá với chú Cạnh làm đổ nong thuốc đang phơi trong nhà. Lần khác là nghịch ngợm với thằng Ba khi cha và anh tôi sửa mãi không xong một chi tiết của chiếc xe đạp.
 Nói chuyện sửa chữa lại nhớ trong nhà luôn có đầy đủ các loại đồ nghề, từ cơ lê mỏ lết sửa xe, đến các loại nông cụ, cưa bào thợ mộc, bay thước thợ nề cho tới búa đục của thợ… đá.
 Khi còn làm thuốc, hễ mua được gạc nai, cha tôi thường nấu cao để bán. Nồi cao cứ sùng sục suốt nhiều ngày đêm. Nhà đông người và rất vui. Sợ nhất mùi tanh của bọt cao, được cho là thuốc để tẩm bổ. Từ chối cũng không xong khi cha trợn mắt lên và lớn giọng bảo uống là chỗ bọt kia cũng lẹ làng vào bụng tôi hết!

 Kỉ niệm về cha dù nhiều những lo âu, sợ sệt nhưng cũng không ít những đầm ấm, ngọt ngào. Đó là những hãnh diện khi được theo cha đi chúc Tết vào sáng mồng Một trong bộ cánh rất sang trước ánh nhìn thèm thuồng và nể trọng của người khác, nể trọng từ tính cách, vị trí xã hội của cha tôi trong làng và cả sự sung túc của gia đình tôi (tất nhiên, khi lớn khôn, đi đây đó, tiếp xúc nhiều mới thấy so với thiên hạ, nhà mình chẳng là cái gì cả). Đó là những náo nức vào buổi chiều cuối năm, cúng rước ông bà xong, chờ tiếng pháo từ hai nhà giàu trong xóm bắt đầu nổ, cha trịnh trọng mang phong pháo Điện Quang Từ Châu, đã phơi phông từ nhiều ngày trước, treo lên gốc dâu trước nhà châm lửa đốt, cái giây phút ấy với tôi thiêng liêng biết bao! Đó là những ngày mùa bội thu, những ngày giỗ chạp, những khi bà ngoại hay các cậu, dì lên thăm … trong nhà cứ như mở hội và hình như tất cả người lớn đều rộng rãi, bao dung, cưng chiều với tôi nhiều hơn.
 Khi viết những dòng này, bé Na con gái tôi đã bắt đầu năm thứ tư đại học, em nó - cu Tí cũng đã lớp 11. Độ chênh về tuổi giữa tôi với cha tôi và giữa tôi với cu Tí là 9 năm. Tôi và các con có thể nói chuyện với nhau như những người bạn, và cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến cái limit off tuổi tác nhất định giữa cha con ngày ấy.
 Tôi vẫn mong giá cha tôi được sống với gia đình thêm mười, hai mươi năm nữa, để mẹ không phải kéo dài thời gian góa bụa, để nhìn thấy sự thành đạt của chị Năm - người duy nhất trong nhà theo nghiệp thuốc và để nhìn thấy đứa con út của cha học hành đỗ đạt cho dù không thành công về kinh tế, ắt hẳn người sẽ nhẹ nhàng hơn lúc đi xa và an lòng nơi chín suối.

                                                                                                                                                                     Cuối tháng 8 Canh Thìn
hongngoc's photo
4000
  • cuồngtừ
    Bài viết hay quá !
    In một tuyển tập văn nữa đi HN ơi !
  • nguyen binh
    đọc bài của bác HN, lại nghĩ đến cha tôi. Người làng tôi có truyền cho nhau câu: Thương con sau lưng. chính vì vậy,chỉ khi đã khôn lớn, khi cha đã vĩnh viễn đi xa mới hiểu được lòng cha. thương cha vô hạn
  • miên thảo
    Anh hongngoc thân mến,MT "chạy qua chạy lại". blog...cũng vì cái entry nì..MT cứ ngần ngừ mãi..vì..sợ..sợ..một lời nói,một từ ngữ thốt ra,không thể ..(hoặc không đủ)..diễn đạt hết sự thanh cao,sự hy sinh lặng lẽ.,sự sâu sắc..của những Người Cha có trách nhiệm,hết lòng vì Gia Đình..mừ bản tính ít nói,trầm lặng..đã vô tình làm cho Người Đời..vốn dĩ..quen "ồn ào",giải thích và phân trần..nên..không đủ tinh tế để nhận ra..sau cái khắc khổ,điềm tĩnh,cứng cáp,thô ráp ..ấy..là một sự hy sinh,nhường nhịn ..đến vô bờ : vừa thanh khiết,vừa lộng lẫy..và kín đáo..
    MT nghĩ rằng Người Cha của mình sẽ chẳng bao giờ nề hà..về những gì đã làm cho Gia Đình,người thân..và xã hội..vì bản tính của Người vốn dĩ hy sinh..!Chắc chắn rằng Người sẽ thanh thản...Nhưng những gì Người đã làm khi còn sống luôn hiện hữu trong tâm tưởng của Các Con,Người thân và Cộng đồng với những gì đẹp đẽ nhất.,trân trọng nhất.
    Dẫu Người chẳng hề đõi hỏi gì,nhưng Các con vẫn cứ ngậm ngùi,nuối tiếc..mặc dù lúc ấy cũng không thể làm gì khác hơn..cho Người được sung sướng..
    MT mong muốn rằng..xã hội sẽ nhìn nhận lại những Giá trị của Những Người Cha,những người Đàn ông ..cũng đủ tốt..để cho ta..bật lên những rung ngân đẹp đẽ nhất,lung linh nhất..,và những bài thơ...rất đỗi..nên thơ..và Người nhất..
    Tthân ái lắm lắm...
    • hongngoc
      Cám ơn MT đã dành thì giờ để tâm tình. Tiếc là HN ít thời gian nên hôm Father's Day không post một bài viết loại Chicken soup for the soul rất tuyệt có từ internet để bạn bè đọc mà HN nghĩ nó như là một thông điệp có sức cảnh báo, nhắc nhỡ, đánh động rất lớn lao! (bản photocopy, không còn trên máy, chắc phải gõ lại trên MWord).
      HN còn nhớ hồi đi học, như một phong trào, khi hoàn thành luận văn tốt nghiệp (hồi đó phải đánh máy 5 bản, chưa có máy copy) ai cũng dành trang đầu tiên viết lời đề tặng, câu đầu tiên của anh là "Kính dâng hương hồn thân phụ, Người đã hằng lo lắng cho tôi, đứa con út của Người!". Thân mến. HN
  • Mùa Thu Buồn
    Chào Anh Hongngoc ! Mùa Thu Buồn qua hơi trễ, nhưng cũng xin chia sẽ với Anh và cầu chúc cho Bác Trai được bình an nơi suối vàng. Anh còn nhớ nhiều về cha thật nhiều kỷ niệm, Mùa thu buôn chỉ được nghe mẹ kể lại thôi anh à, Ba mất khi em gần 2 tuổi thôi, tình Cha thật ấm áp biết bao phải khg anh Hongngoc, thật may mắn, và hạnh phúc biết bao khi những ai còn có đủ Ba,Mẹ để lo lắng và chăm sóc.
    Cho dù Cha có đi xa đến 1 phương trời nào đó , nhưng trong lòng của mỗi người con như chúng ta, Cha vẫn luôn hằng hiện hữu phải khg anh Hongngoc
    • hongngoc
      Cám ơn MTB đã đọc và thật sự chia sẻ. Người ta đa phần lao theo những "hiện tượng giới" trong cuộc sống hằng ngày, không nhận ra giá trị hoặc thờ ơ với những cái hiện có, chỉ đến khi mất đi rồi mới thấy quý, thấy tiếc. Chỉ ý này củ em: "tình Cha thật ấm áp biết bao phải khg anh Hongngoc, thật may mắn, và hạnh phúc biết bao khi những ai còn có đủ Ba,Mẹ để lo lắng và chăm sóc." anh nghĩ cũng đã là thông điệp cho nhiều người, ít ra là trong việc đối xử với những người thân yêu của mình. Lại cám ơn em lần nữa vì cho anh cơ hội để nói thêm ý của mình mà trong khuôn khổ chật hẹp của một entry không thể nói hết. HN
    • Mùa Thu Buồn
      Anh Hongngoc đừng nói lời cám ơn em như thế, em phải cám ơn anh mới đúng đã cho em đọc 1 bài về Cha rất hay và thật sự xúc động, em nói anh đừng cười nha, khg hiểu sao ,chỉ cần em thấy ở đâu đó có những bài nói về Ba Mẹ, là y như rằng em cứ cắm cúi đọc và nói nhiều lắm anh Hongngoc ui, cho nên hôm nay qua thăm anh và thấy bài ni , nên em nói hơi nhiều, mong anh thông cảm
    • hongngoc
      Chỉ sợ người ta không nói thôi em ạ, nói là vui rồi. Anh còn một bài về mẹ nhưng vì chưa đến Mother's Day nên để dành. Post sau nhé. Mẹ anh cũng còn trẻ, năm nay mới 99 tuổi em ạ. Nếu thích hoặc tò mò, đọc "Ngày Tết qua mau" anh post sau Tết để biết thêm về bà, em nhé. HN
    • Mùa Thu Buồn
      Anh Hongngoc ui ! Ngày Mother's Day qua rồi mà( tháng 5 ).Hay là Anh nói đến lễ Vu Lan, em nghĩ là vậy khg biết có đúng hay khg ?Anh cũng vui tánh thiệt " Mẹ anh cũng còn trẻ, năm nay mới 99 tuổi ..". Anh Hongngoc thật hạnh phúc biết bao khi còn Mẹ trên đời. Em cầu chúc cho Bác Gai sống lâu hơn nữa để con cháu được báo hiếu anh ha. Em sẽ đợi bài viết về Mẹ của Anh, 1 đề tài thật hay
    hongngoc's photo
    4000
  • KIM THANH
    Hết sức chia sẻ cùng anh.
  • Tử Đinh Hương
    Đọc bài viết về người cha của anh thật xúc động, là lòng ngưỡng mộ thành kính với người cha nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, là ký ức của một đứa trẻ lên chín nhưng đã khắc họa rất rõ nét và có hồn chân dung người cha yêu quý của mình.
    Em chia sẻ cùng anh nỗi buồn khi sớm mất cha. Cha em cũng đã mất năm 2002 nhưng cho đến tận bây giờ ký ức về người cha vẫn mỗi ngày một thêm đậm chứ không hề phai nhạt, có lẽ bởi vì cha em cũng là một người cha tuyệt vời!
    Đọc ký ức về cha của anh càng thấu hiểu tầm quan trọng của nếp nhà, thấy thấm hơn ý tứ các cụ dạy: " Lấy vợ xem tông. lấy chồng xem giống"...
    Nền nếp gia phong các cụ duy trì trong nhà anh thật đáng qúy:
    "Không rõ với các anh chị tôi thì cha đối xử thế nào, riêng với tôi, những điều phải tuyệt đối tuân thủ trong cuộc sống hàng ngày là: không được nói leo, không được nói hớt, không được trả lời khi câu hỏi nhắm vào người khác nhất là trong các bữa ăn.
    Cha tôi đi đâu về, trong nhà dầu có chuyện buồn vui gì đều phải để ông nghỉ ngơi xong mới trình bày và chuyện của ai thì người ấy nói chứ cùng không được nói thay người khác. Dù thời phong kiến đã đi qua, quan niệm phong kiến đã lỗi thời, cách cư xử gia trưởng trong các gia đình Việt Nam không còn phù hợp với nhịp sống hiện nay, nhưng tôi thấy những nếp xưa ấy vẫn còn rất cần thiết trong việc giáo dục con cái và định hình nhân cách, lối sống đúng cho mỗi con người."
    P/s: Hình bóng người cha cũng luôn in đậm trong tâm khảm em, em cũng có nhiều bài viết về cha và thật ngẫu nhiên cũng có một bài với tựa Cha tôi. Em sẽ đăng lại ngay đây.
    • hongngoc
      Cũng là duyên may thôi TĐH ơi, chiến tranh, hỏa hoạn, dời đổi chổ ở quá nhiều lần nhưng anh chị HN xem những thứ này quý hơn của cải vật chất khác nên đến nay cũng còn lại một số tấm hình được xem như "gia bảo", có cái để còn nhắc con cháu trước quá nhiều biến động xã hội dễ làm các cháu "thị trường hóa" nhận thức của mình. HN
  • Bà Tám
    Bài văn cảm động lắm. Tuy nhiên Tám hơi thắc mắc. HN viết: " Độ chênh về tuổi giữa tôi với cha tôi và giữa tôi với cu Tí là 9 năm" có lẽ HN muốn viết là 19 năm hay 29 năm chăng? Vì chín tuổi thì không có con được.
    Đã đọc câu trả lời của HN nhưng xin post vào private comment để HN nếu muốn có thể xóa comment kia. HN có thề thay đổi trong entry giống như HN đã giải thích trong câu trả lời: tuổi cha tôi trừ tuổi tôi (là X) trừ cho tuổi tôi trừ tuổi con tôi là (Y) là chín, có nghĩa là X-Y là chín. Tuy dài dòng nhưng rõ nghĩa hơn để người đọc "nhiều chiện" như Tám khỏi thắc mắc. TĐH dễ thương và rộng lời khen chứ Tám không giỏi đến thế. Nhưng thật là cảm ơn những người bạn quen trên blog thật tuyệt vời.
    • hongngoc
      Cám ơn cuộc đời thật nhiều!, Comment này đã làm HN nghĩ rằng mình thực sự có một người bạn "đúng là bạn" trong thế giới ảo mênh mông này.
  • THD
    • THD

    • Jun 16, 2012 1:10 PM


    Bài viết thật hay và cảm động ! Cám ơn a HN về một bài viết tuyệt vời nhân ngày Father's Day . Ở VN xưa nay không có ngày này , mà chỉ có ngày nhớ về mẹ nhân dịp lễ Vu Lan mà thôi . Tuy nhiên , qua bài viết này , người ta có thể thấy rằng qua bao nhiêu năm tháng , một người con dù còn độ tuổi ấu thơ ( 9 t) , vẫn nhớ như in về hình ảnh đáng kính của cha , của mẹ . Vậy là ngày nào cũng là ngày của cha và của mẹ cả ! Người Á Đông rất tôn kính ông -bà , cha - mẹ . Qua ngày cúng giỗ tổ tiên cũng đã thể hiện điều nét đẹp văn hóa này ( mà ở phương Tây gần như không có ) . Chúc anh & gia đình an vui - hạnh phúc trong niềm vui thành đạt của con cái và sự hồi tưởng về những người thân yêu ( luôn hiện hữu trong ta và cùng sẻ chia niềm vui của con cháu ). Quý mến !
    • hongngoc
      Cám ơn THD đã đọc, đã viết một comment chí tình. Cám ơn về lời chúc, mai này các con HN sẽ được đọc những comment như thế này để biết Đạo làm người và để biết khi online Bố mình đã giao tiếp với những ai. Thân mến. HN
    • Mieu Nu
      Cảm ơn THD vì đã nói thay những điều MN nghĩ nhé!
      Cảm ơn anh HN vì bài viết thật hay và cảm động!
    hongngoc's photo
    4000
  • Bà Tám
    Bài văn cảm động lắm. Tuy nhiên Tám hơi thắc mắc. HN viết: " Độ chênh về tuổi giữa tôi với cha tôi và giữa tôi với cu Tí là 9 năm" có lẽ HN muốn viết là 19 năm hay 29 năm chăng? Vì chín tuổi thì không có con được.
    • hongngoc
      Bà Tám ơi, phải trả lời ngay cmt này, không thì áy náy. Rất cảm động vì Bà Tám đọc kỹ và thắc mắc đúng chỗ mà (nói thật) HN trước đây không biết diễn đạt thế nào cho "đạt". Đại để là: lấy tuổi cha tôi trừ tuổi tôi rồi đem kết quả này trừ cho kết quả phép trừ thứ hai ( tuổi tôi trừ tuổi cu Tí) thì ra kết quả là 9. Bà Tám thử đề nghị (nếu thấy cần) trong một private comment thử chỗ này nên viết thế nào. Xin cám ơn trước.
      Sáng nay HN có đọc vài bài trong blog Tử Đinh Hương, chị ấy quý Bà Tám lắm và có trích lại một câu Bà Tám trích, HN thích lắm. Vạn tạ. HN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags..


Flag Counter