Ốc gạo.
Đang chuẩn bị cho một
entry mới thì đọc được bài “Nghề biển” kể chuyện ốc cườm trên MieuNu
blog, cả một vùng ký ức thời thơ ấu xa xôi ào ạt quay về, miên man nhớ,
vậy là viết : “Nghĩ nhân đọc…”như những lần trước đây khi đọc trên blog
hnk, RP…
Làng
tôi cách chợ huyện chừng 7km. 7 km của hôm nay là 20 phút vừa rà xe
chầm chậm vừa tha hồ hít hà hương vị đồng quê còn 7 km của ngày ấy là
vài ba giờ đồng hồ cuốc bộ giữa nắng gió miền Trung. Cũng may là chỉ
khi nào có giỗ kỵ thì dân làng mới phải đi chợ huyện còn mọi thức ăn
ngày thường đều đã có sẵn trong vườn nhà, ao nhà, từ rau trái đến gà
vịt, tôm cua…
Chợ
họp gần khu vực hành chánh huyện, gọi là chợ Đông Phú, không rõ tên này
có từ lúc nào nhưng khi còn nhỏ tôi vẫn thường hay nghe người ta hát ru
con:
Ru
con, con ngủ cho rồi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán
chợ Cầu/Mua cau Đông Phú, mua trầu Đồng Tranh. (sau này ra Huế học lại
nghe câu sau hát là Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh- là các địa danh ở
Huế!)
Chợ
Đông Phú bán các sản vật ở địa phương và các mặt hàng sản xuất đến từ
Tam Kỳ,Đà Nẵng, Hội An.Riêng mặt hàng hải sản thì do công nghệ ướp nước
đá chưa có nên dù khoảng cách Tam Kỳ - Quế Sơn chẳng xa nhưng ở chợ Đông
Phú cũng không bán hải sản tươi sống mà thay vào đó là cá, tôm, cua ...
đã được hấp lên để bảo quản trong quá trình vận chuyển.Người ta gọi các
loại cá hấp này với một cái tên ngồ ngộ - “cá biển ngang”,chúng cũng như
cá ở Hội An, vị ngon hơn cá biển Đà Nẵng rất nhiều, đến bây giờ cũng
thế.
Tôi
được ăn ốc từ chợ Đông Phú từ hồi lên sáu ,lên bảy do những người làng
xuống chợ mua cùng với cá, tôm mực gánh về bán dạo trong làng. Loại ốc
này người quê tôi gọi là ốc gạo, có lẻ vì nó nhỏ như…hạt gạo? Đơn vị đo
lường là lon, loại lon sữa đặc trọng lượng “net” 397gr bây giờ. Ốc
thường đã luộc sẵn, muốn lể (khều) thì ra vườn bẻ gai quýt tàu khoảng
4-5cm, có hình chóp nhọn rồi cả nhà quây quần ngồi lể với nhau và nói
chuyện mưa nắng…
Thường
thì ốc tươi, mới luộc, khi khều ra còn cả phần đen phía sau có vị ngon hơn
những con luộc lại khi khều bị đứt giữa chừng, ăn không có mùi vị và
khô, xảm. Khều ra ăn liền là cách mọi người quen làm nhưng cũng có lúc
tôi khều cả muỗng café rồi lấy gai chích vào từng con, nhấm nháp dần
dà, việc này vẫn có thú vị riêng của nó và thật đồng tình với MieuNu khi
cho rằng ăn ốc gạo là cách rèn luyện tính kiên nhẫn trong mỗi con
người!
Bẵng
đi một thời gian khá dài có đến hàng chục năm, mải miết với học hành ,
làm lụng tha hương, tôi đã tưởng hình hài những con ốc gạo và cảm giác
quây quần ấm áp bên nồi ốc đã khuất dạng trong bộ nhớ, không ngờ nó lại
trở về vẹn nguyên , ăm ắp trong mỗi chuyến hồi hương của tôi dăm ba năm
gần đây. Lại cả nhà sà vào cùng ngồi lể! Cái khác ngày xưa là ốc mua từ
chợ về lại được gia thêm hương vị bằng chút muối, chút bột nêm, một vài
xắt lá chanh ,lá sả để dậy mùi khi hâm lại trong microwave . Lể ốc có
cái thú như cắn hạt dưa ngày Tết, thích “lể tới”,“cắn tới”hoài và là
bệnh hay lây. Có lần thằng cháu đi làm, trên đường về ghé qua thăm bà,
thấy cả nhà đang lể là chưa kịp mời, cháu đi rửa tay rồi… “dũng cảm tham
gia”. Cả đến con gái tôi khi về thăm bà, thì giờ ít ỏi là thế mà lần
nào về đúng mùa ốc cũng đòi các cô và anh chị mua bằng được để ngồi lể
và chuyện vãn với cả nhà, khi vào lại SG có một lon ốc...cũng theo vào!
Về
sống SG, có lần đi chợ Bà Hoa, thấy bày bán lề đường vào chợ, mua về,
tiếc là các con đi làm, hai thằng cháu ngoại còn quá nhỏ, vợ tôi không
mặn mà gì với mấy món này lắm, tôi ăn một ít rồi cất cho đến ngày sau
thì…vứt. Ốc ở đây nghe nói từ biển Phan Thiết hoặc ốc nuôi công nghiệp ở
Vũng Tàu, không ngon bằng ốc ở quê! Thế mới biết cái “phong trào” nhiều
lúc quan trọng thật!
Cũng
có lần đi Bà Rịa dự giỗ tộc, chú em họ ở cách đó vài chục cây số chạy
xe tới dự, tới nơi bỏ bịch ốc ra bàn, thế là cả đám khách SG, trong khi chờ thi lễ trước bàn thờ, xoay một hồi, hết vèo cả bịch. Cho hay, một loại ốc mà ruột chỉ nhỏ bằng đầu cộng tăm mà cũng có sức thu hút lớn đến thế.
Trong
câu chuyện mấy anh em cùng lứa tuổi chúng tôi ngồi nói với nhau, tôi
hiểu rằng chuyện thích ăn loại ốc này, việc ngổi lể cho vui và thưởng
thức hương vị của nó chỉ là một phần rất nhỏ, cái lớn nhất là ăn để nhớ kỷ
niệm của một thời, một thời rất bình yên, tuy không giàu có dư dật gì
nhưng cuộc sống thôn quê êm đềm, nhẹ nhàng, thoải mái và con người sống
với nhau, thân cũng như sơ…, đầy tình cảm.
Tìm quài mà hông thấy...con ốc nào đâu cả?
Ốc ơi ốc!!!
Nằm ở...chỗ mô hè?
Anh chụp ạ?