NHỚ NHÀ QUÊ.
Mấy ngày nhà
có khách , những người thân từ xa đến thăm, bận, những con chim sẻ của tôi ăn uống
thất thường. Khách về, đem thức ăn xuống bãi cỏ building sớm hơn, sau khi uống
café và lướt một vòng trên mạng, thức ăn cũng đem nhiều hơn để bù đắp.
Chim về như
thường lệ, sáo, cu cườm, chỉ những chú chim sẻ là đông đảo và nhiệt tình sau
khi vài chú thăm dò động tĩnh – có lẽ do tập tính của loài chim – dầu ở đây
chim ít bị chết oan do tính hiếu sát của người. Vậy là yên tâm, là vui khi trật
tự lập lại như cũ.
Đứng nhìn
chim ăn, không đấu đá, giành giật mà cám cảnh cho con người, vài ngày thiếu ăn
hoặc ăn trễ là tha hồ đánh đấm nhau!
Trời hãy còn
sớm lắm, ngoài kia chưa đến giờ đến sở, hãy còn ít xe nên không gian tương đối
yên ắng, tôi chợt nghe ở một nơi xa, tiếng tu hú (gọi bầy?). Cả một thời thơ ấu
xa xôi, một vùng ký ức ngỡ đã mất tăm theo tháng ngày chợt hiện rõ mồn một, có
chút âu lo nhưng cũng dễ thương khi nhìn lại. Đứng hàng đầu trong thứ tự tái hiện
là đoạn mở đầu quyển “Thằng Vũ” của Duyên Anh (được nhà văn lão thành Nguyễn Mạnh
Côn viết lời giới thiệu với lời lẽ tán dương, trân trọng):
Vũ
và Côn nằm dài trên chiếc chiếu rách trải dưới giàn hoa lý sau vườn. Bóng râm
mỗi lúc một lan rộng ra. Nắng chiều yếu dần nên màu xanh của lá và màu vàng của
chùm hoa tươi lên làm dịu mắt hai thằng bé.
Những
con bọ ngựa trốn nắng hạ từ lâu, bây giờ bò khắp chỗ đùa bỡn. Côn bỗng nhớ nhà
quê. Vụ hè năm ngoái nó được theo bà nó về mãi làng Thanh Triều tít tắp bên kia
sông Trà Lý. Nó cũng đã từng nằm dưới bóng mát của giàn hoa gần bờ ao, nghe
tiếng cuốc kêu rỉ rả, tiếng tu hú bắt nhịp thời gian chạy uể oải.
Ngày tôi học
lớp chín ở trọ xa nhà, chị Thủy, bạn chị Năm của tôi tặng tôi quyển này, tôi
say sưa đọc và chợt nhận ra rằng tiếng tu
hú, qua ngòi bút thần tình của một nhà văn viết cho con nít trở thành một
cái gì đó thật gần gũi, dễ thương với một cậu bé nhà quê như tôi.
Ngày nhỏ ở
quê, tu hú là tiếng chim mang âm hưởng buồn, nhất là trong một buổi chiều trời
gần tắt nắng lại vừa trập trùng mây, khi những chiếc đèn dầu bắt đầu thắp sáng
trong bếp để cùng với lửa bếp, mẹ và chị Ba lụi cụi nấu cơm. Cùng với tu hú,
con chim để lại trong đầu cậu bé lên mười hồi ấy nhiều suy nghĩ nhất và cũng được
người ta gọi bằng nhiều tên nhất là Bắt
cô trói cột, nó bay lẻ loi một mình, tiếng kêu cứ như than van, ai oán,
trách móc một chuyện gì mà ngày ấy đến giờ tôi vẫn không diễn đạt được!
Đã qua mùng
5 tết Đoan ngọ, nhớ làng ngoại lúa ở cánh đồng trước nhà lên xanh mướt mắt, khi
có gió nhẹ thổi qua lại rạp mình xuống rồi đứng thẳng lên, nhịp nhàng như những
con sóng nhỏ vào ra trên bờ biển, buổi trưa chim dồng dộc(*) về đu đưa trên những
chiếc võng từ tổ của chúng giăng mắc trên cây xoài to sau vườn, trên hàng tre
trước nhà mà mới đây, khi trên đường từ Xiêm rệp về Nông pênh tôi có dịp nhìn
thấy lại!
Sau mùng
năm, khi có mưa giông, buổi tối các em con dì Cạnh xách đèn pin đi “soi nhái”.
Về, anh em hì hục chế biến để có món thịt
nhái xào khô xúc bánh tráng sắn, món ăn độc đáo mà vài ngày trước đây các
chị đem qua cho ăn dầu rằng chưa hẵn các nhà hàng cao cấp có được kể cả khi
khách có tiền muốn tìm lại hương vị những món ăn dân dã một thời đặt hàng trước!
Theo đà liên
tưởng đó, ký ức tái hiện, lôi tôi từ vùng này sang miền khác, từ giai đoạn này
qua thời kỳ khác, lan man, lan man để rồi ngồi ghi lại cho vợ con tôi, các cháu
ở phố, các em con cậu dì có dịp đọc, hồi tưởng về một thời vất vả, khó khăn nhưng
rất dễ thương và đáng nhớ trong chùm ký ức ấu thơ của mình.
*"Chim dồng dộc"
quê tôi gọi là con "chim dột" có cách làm tổ bằng lá tre, lá mía.. đan vào nhau rất
công phu treo trên cây như chiếc mũ Ông già Noen úp xuống, có chỗ để nằm, để đẻ
trứng và có quai thắt ngang. Dân quê tôi gọi là cái võng. Mẹ tôi còn kể lời đối
thoại sau đây khá thú vị: Chim dột nhìn
thấy tổ chim cu làm sơ sài bảo rằng: “Ba cái rác le te như che l… dột”, chim cu tức mình nói lại: “Mấy cái trứng
dột lột sột như hột cứt cu”.
Ngày mới tốt lành nhé anh.
Nếu không có Nguyễn Du, bà Huyện Thanh quan, những câu hò "Hởi cô tát nước bên đàng, sao cô múc...", những Duyên Anh thì ba mớ Khổng Trang hay lịch sử ngàn năm nô lệ, sau khi giành nền tự trị để 4 ngàn năm dân sóng đời nô dịch với vua quan KHÔNG BIẾT CÒN CÓ MẤY AI muốn đầu thai để trở lại là người vietnam không anh HN?
"Đứng nhìn chim ăn, không đấu đá, giành giật mà cám cảnh cho con người, vài ngày thiếu ăn hoặc ăn trễ là tha hồ đánh đấm nhau! " Anh dùng từ nhẹ nhàng thật!