Đi thực tập.
Bạn
bè hai khóa Lương Văn Can và Huỳnh Thúc Kháng (ĐHSP Huế) rủ rê gửi bài
cho trang Wordpress của hai khóa. HN cũng góp bài với họ entry này, sau
đó họ lại post vào blog của hai khóa. Nay HN post tiếp vào blog của mình
để những người thân khác không đọc 2 trang trên đọc cho vui.
Vào năm cuối đại học (1973), như đa số sinh
viên, nhất là Khoa Sư phạm, chúng tôi ai cũng mang tâm trạng vừa vui mừng vì
sắp ra trường, đi dạy, có tiền lương nhưng cũng vừa buồn khi sắp phải xa bạn bè,
có thể có người yêu, tiếc thời sinh viên dễ thương, sôi nổi… Nhiều chuyện phải
lo, lo hoàn thành luận văn tốt nghiệp, một số còn lo hoàn thành văn bằng cử
nhân Văn Khoa và lo nhất là… đi thực tập!
Không hiểu là nói thật hay hù
dọa, các anh chị sinh viên đi trước kể lại những “đoạn trường” khi đi thực
tập, nào là những thầy ở các trường mình
đến thực tập nếu không cảm tình thường hay “làm khó”, phê hồ sơ không tốt, có
thầy còn giao cho học sinh lớp mình một số câu hỏi trong bài giảng để bắt bí.
Có chuyện thầy Nguyễn Ngọc
Anh (sau này dạy trường Kiểu Mẫu và cũng dạy một số tiết cho chúng tôi ở trường
Sư Phạm) khi còn là sinh viên đi thực tập, một học sinh bên dưới, hình như do
chỉ đạo của giáo sư hướng dẫn lớp, đứng lên hỏi một câu: “Thưa thầy, ông nội vua Gia Long sinh năm nào?” (vì thầy Anh đang
giảng về Gia Long), thầy nghiêm sắc mặt trả lời: “Anh về hỏi cha anh xem ông cố anh sinh năm nào? Chuyện anh hỏi không
dính dáng gì đến bài học hôm nay, vấn đề anh hỏi đã có tài liệu ở thư viện, cần
thì đến đó mà tìm”. Cậu học sinh bên dưới sững sờ.
Thầy linh mục Nguyễn Phương dẫn
đoàn sinh viên thực tập hôm đó, rất khen ngợi và bạn bè dự cũng phục tài ứng
đối của thầy! Riêng thầy hướng dẫn lớp đó, không biết thế nào nhưng chắc là… xám
mặt!
Sau này, đi dạy, tôi cũng từng
hướng dẫn một số giáo sinh từ ĐH Sư Phạm Quy Nhơn về thực tập. Họ, có thể kiến
thức có thể không hơn chúng tôi ngày ấy nhưng hơn hẳn chúng tôi sự dạn dĩ khi đứng trước đám đông, một
phần vì năm thứ 3 họ đã đi kiến tập để làm quen với môi trường lớp học, đã dự
giờ (hình như vài tuần) và thêm một mặt mạnh mà chúng tôi ngày ấy không có, sau
1975 hội họp nhiều phát biểu riết thành quen. Trong chúng tôi lúc đó, anh nào là dân sống
nội trú hoặc sinh hoạt trong các hội đoàn xã hội mới có chút kỹ năng nói trước
đám đông mà thôi.
Theo chỗ tôi biết qua tâm sự
với bạn bè, đi thực tập, cái lo lớn nhất của mọi người là lần đầu tiên – cứ cho
là thế - đứng trước trước đám đông gồm học trò, thầy hướng dẫn lớp, bạn cùng
lớp và thầy của mình ở trường, và biết đâu, bên dưới lại có cô học trò mình hay
theo tán tỉnh, là người yêu học cùng lớp với mình. Dạy mà không ra gì hay “bể”
chỉ có đường “độn thổ”!!!
“Dọn mình” cho việc đi thực
tập, từ đầu năm học, anh em chúng tôi nhắc nhau tránh lên cổng trường nữ Đồng
Khánh giờ tan học. Sợ tình cờ được phân về Đồng Khánh thì lỡ các em thấy mặt
mình coi như… kẹt, sẽ kháo nhau: “Thằng
quỷ đó mà làm thầy nỗi gì, ngày nào cũng hát bài “Ngày xưa Hoàng thị” trước
cổng trường mình” thì mất uy tín
ngay!
Được giấy giới thiệu của khoa
về trường Trung Học Nông Lâm Súc, tôi đến gặp thầy Tịnh, dạy Sử Địa ở đó. Thầy
dặn dò nhắc nhở cặn kẽ việc soạn bài giảng, chuẩn bị bản đồ như thế nào… giúp
tôi ngay từ đầu khá tự tin, yên tâm. Những lo ngại ban đầu biến mất.
Tuy vậy, vẫn phải “thủ” vài
ngón nghề, để khi giảng hết bài cũng là lúc hết giờ để tránh việc học sinh hỏi sảng, dù thời đó không phải tuân thủ
cứng nhắc như bây giờ, nào là “5 bước lên
lớp, đảm bảo thời lượng”… và các khái niệm cháy giáo án, ướt giáo án hoàn toàn không có trong đầu các giáo sư
và học sinh. Thời đó, nhiều thầy cô khi dạy một bài họ thích có khi kéo dài gấp
ba thời gian quy định. Ngay cả năm phải thi (tú tài, chuyển cấp…) có nhiều nhiều
môn thầy không dạy hết chương trình, học trò phải tự học cho đủ nội dung kiến
thức.
Bài địa lý tôi giảng hôm đó
về Tây Đức. Nhờ đọc Atlas general Bordas và Từ điển Bách khoa, tôi có một lượng
kiến thức khá phong phú, ngoài những điều trong sách giáo khoa. Khi giới thiệu
về sông Danube, tôi xổ kiến thức đã thuộc lòng: nào là tên gốc của sông, xuất
phát từ đâu, chảy qua những nước nào, làm đẹp cho thủ đô những nước nào, con
sông đã tạo cảm hứng để người đời biết được hai bản nhạc valse nổi tiếng Le
beau Danube bleu và Les fleaux du Danube. Có gì phun ra bằng hết. Các em ngồi
ngơ ngẩn nghe (tuy không tìm thấy “đôi
mắt sáng nhìn lên long lanh màu mực biếc”) và bạn bè bên dưới cũng không
ngờ vì sao khi đó tôi “nhập đồng” đến thế?
Là sinh viên giảng đầu tiên
trong nhóm, tôi được thầy Tịnh chỉ vẻ tận tình từ cách ăn mặc, đi đứng trong
lớp, cách nhìn xuống học trò, thậm chí cả cách bẻ … viên phấn. Những cung cách đó
tạo một dấu ấn đặc biệt cá nhân của người thầy trong tâm trí học trò, còn có ý
nghĩa giáo dục hơn những kiến thức truyền dạy theo sách vở! Những đồng nghiệp
tôi sau này chắc không mấy ai nhận được những hướng dẫn chi tiết đến thế. Những
gì đạt được trong đời dạy học của tôi, chắc chắn có phần đóng góp không nhỏ của
thầy và mỗi lần nhớ đến là mỗi lần mong gặp lại thầy để say thanks.
Sướng nhất là xong phần mình,
đến lượt đi dự giờ thực tập của bạn bè. Cảm giác như mình vừa thắng xong cuộc
đấu, bây giờ thảnh thơi xem người ta… đấu.
Cư xá HTK tôi ở năm ấy có 6 sinh
viên năm cuối đi thực tập: 3 Sử Địa, 1 Việt Văn, 1 Toán và 1 Vạn Vật. Đợt thực
tập có thể kéo dài cả tháng, bạn có thể dạy lúc nào tùy theo sự sắp xếp của trường
và thầy hướng dẫn nơi mình được giới thiệu đến, miễn là khi xong đợt đem lời nhận
xét về.
Cả cư xá rộn ràng với chuyện
thực tập. Kẻ tìm tài liệu soạn bài, người tìm thiết bị trợ giảng. Những bữa ăn
trưa kháo nhau ầm ĩ. Ăn xong rồi, có buổi ra phòng khách cư xá thấy có chàng áo
quần tề chỉnh, một chồng sách trên bàn, đứng hoa chân múa tay nói… một mình, sợ
chàng mắc cỡ, tôi tránh đi chỗ khác. Lại có hôm ngủ một giấc đã đời, dậy đi
toilet, thấy đèn phòng khách vẫn sáng, quái
lạ, ai học xong lại không tắt điện theo nội quy cư xá?, chạy ra tắt, lại
thấy một ông, cũng nói một mình, như nói với ma! Lại tập dạy thử, trả bài đã
học thuộc lòng từ bài soạn để ngày mai đến trường.
Bây giờ, về hưu, xa phấn
trắng bảng đen, nhớ lại chuyện cũ vẫn thấy niềm vui xen lẫn nỗi bồi hồi, nhớ
trường, nhớ bạn… không biết có ai có những cảm giác lo sợ như mình ngày ấy. Và nghĩ
rằng, có những ngày chập chững bước lên bục giảng này mới có nghề nghiệp của
đời mình, mới có hàng hàng lớp lớp những học trò bên dưới với biết bao kỷ niệm
buồn vui sau này.
Hèn chi mà với cuộc sống, anh đã được vững vàng.
Chả bù cho NT, không được học, không được thử nghiệm, không được thực tập...
Mà vẫn xông pha chiến trận cuộc đời!
Nên còn thua anh những vài năm "lăn lộn", NT đã liêu xiêu ngã!
Huhu..