13/10/12

Những hòn đá lăn
Oct 13, 2012 12:15 PMPublicPageviews 82 7
Những hòn đá lăn.
Thời SV, ngoài The Beatles, CCR, Jackson Five…còn một nhóm nhạc tôi rất thích: The Rolling Stonnes (Những hòn đá lăn). Có một bản, hình như là “It don’t come easy” air nhạc rất ngọt ngào nhất là khi vừa hết phần intro! Sau này lại đọc được câu thành ngữ: “Rolling stones gather no moss” (Những hòn đá lăn không bị rêu bám)  tôi lại thích nhóm này hơn nữa!

 
Bây giờ, khi tuổi đã về chiều (mà ngay cả nhiều năm trước đây cũng thế), khi nhìn lại mình, khi tự vấn về cuộc đời mình, vợ chồng tôi nghĩ mình cũng như …những hòn đá lăn, hết nơi này đến nơi khác mà mọi thứ đều có điểm xuất phát…không do mình!
Có nhiều người từ tiểu học đến đại học ở một nơi, ăn cơm nhà đi học. Tôi vào đệ thất (lớp 6) đã học xa nhà 9 cây số, ở trọ mấy nhà. Lên đệ ngũ (lớp 8) đến hết trung học xa nhà 30 cây số, ở trọ 7-8 nhà. Thời SV thi ở SG, học ở Đà Lạt một năm và kết thúc 5 năm đại học ở Huế! “Hòn đá lớn” ít bị người đi đường đá qua đá lại nhưng “hòn đá nhỏ” bị đá hoài và lúc nào cũng sống trong tâm trạng thủ thế!. Bù lại, tôi học được khả năng thích nghi trong cuộc sống và cái vốn đó dùng mãi đến bây giờ!
Tốt nghiệp đại học đầu ban (điểm cao nhất của một ban), đinh ninh mình sẽ được dạy gần nhà trong thành phố vì mình là người chọn nhiệm sở đầu tiên. Không ngờ phải chọn thứ nhì vì người điểm sau tôi, khi cộng điểm cuối 4 năm lại cao hơn. Vậy là chọn đi xa, Cam Ranh, ở đó có một người bà con ăn nên làm ra, rất muốn tôi vào, ở đó lại gần vị linh mục dạy tôi ở đại học (Cha Nguyễn Phương) hứa sẽ giúp đỡ tôi làm tiểu luận cao học sau khi Cha đã liên lạc với thầy Châu Long nhận patronner. Lại một lần “lăn” bất ngờ xa nhà trên 500km!
Thao tác cầm phấn và lên xuống bục giảng chưa thuần thục thì chế độ VNCH sụp đổ, dạy ở CR đúng 3 năm học thì lại phải tiếp tục “lăn” lên miền núi Phú Yên, nơi có bờ sông Ba, có bãi xe cháy, dấu tích chấm hết việc di chuyển bằng các phương tiện cơ giới dành cho người di tản từ Phú Bổn chạy về sau khi Tây nguyên giải phóng!
Nơi chúng tôi dạy học ở giữa rừng vì là trường VHVL, thầy trò ở chung nhau, học trò học  một buổi, lao động một buổi, sản phẩm làm ra bán để chi dùng thêm ngoài “chế độ”do nhà nước cấp phát!. Đó là một nơi mà mùa mưa mỗi lần về phố tôi phải rửa sạch đôi dép (đế lốp xe, quai bằng loại dây buộc những ballet ngày xưa người Mỹ dùng để thả dù hàng hóa cho binh lính) bỏ vào túi xách, đi bộ 10km ra bến xe, xin nước rửa sạch chân rồi mới mang vào! Đó cũng là nơi mà người đã từng biết bảo rằng một nắm tép khô nấu canh hai lần kiểu may túi lọc đựng tép bỏ vào nồi nấu rồi vớt ra phơi khô để nấu lại lần sau. Vậy mà tôi cũng sống ở đó 3 năm, vợ tôi về trước một năm vì bệnh.
Những năm ở đây, cái lớn nhất mà tôi nhận được là sự cảm thông, chia sẻ những ngọt bùi, là tình cảm học trò và đồng nghiệp, là năng lực vượt qua khó khăn, đối đầu gian khổ và thích nghi để tồn tại khi chúng tôi đều là dân phố và chúng tôi đến đó khi vợ tôi vừa mới mang thai đứa con gái đầu lòng!
Tiếp sau là “lăn” xuống trở lại đồng bằng: Tuy Hòa, ở đó 5 năm mới về Nha Trang-Diên Khánh, nơi mà từ 1968 tôi đã mong sẽ được sống lâu dài khi có lần từ Đà Lạt đi xe Honda xuống ở lại một đêm nhân lễ Giáng sinh,tôi đã mê khung cảnh hiền hòa bình yên ở đây, nơi mà từ nhỏ, tôi đã thấy qua hình ảnh anh Hai tôi chụp khi sống  những năm 1955-56, những địa danh Tháp Bà, Cầu Bóng, chùa Hải Đức, Cầu Đá…những ca từ trong các bản nhạc viết về Nha Trang của nhạc sĩ  Minh Kỳ, những “Nha Trang là miền quê hương cát trắng, có những đêm nghe vọng lại ì ầm tiếng sóng xa đưa…”, những “Nha thành mến yêu, một ngày trời sang mùa mới, cát vàng biển khơi lộng về mừng khách ngàn nơi…”đi vào ký ức tuổi thơ tôi bằng những cảm tình đặc biệt có lẽ do tình thương yêu của thằng em nhỏ dành cho người anh trai sống xa nhà!
Về Thành – Diên Khánh năm 1985, 1991 làm nhà, 1994 hoàn thành căn nhà “nhỏ như hộp quẹt” nhưng nhiều đồng nghiệp “nằm mơ cũng không thấy”, cứ ngỡ đây sẽ là điểm dừng chân đến cuối đời của một người  lang bạt như mình nhưng rồi cũng chưa phải nốt. Năm 1995 tôi lại bỏ việc nhà nước để vào Cam Ranh làm việc khác những 11 năm, lại cũng xa nhà dầu chỉ sáng thứ hai đến trưa thứ sáu hàng tuần.
Ngày xưa đọc Hermann Hess, thích Câu chuyện giòng sông, Đôi bạn chân tình nhưng tôi còn thích cả Một kiếp giang hồ (nxb Văn)  - mặc dầu nó không có cái happy end - có lẽ vì mình từng có cuộc sống lang thang bất định, rầy đây mai đó, cơm hàng cháo chợ nhiều, ngủ bến xe, ga tàu lửa không ít lần trong đời và ngay cả khi sống yên nơi nào đó một thời gian, thấy chán chán rồi cũng tìm nơi, tìm cách đi ít ngày.
Kết thúc công việc ở CR cũng là lúc ngựa hồng đã mỏi vó, tôi về lại trường bán công nơi tôi từng dạy những ngày đầu thành lập xin dạy một số tiết để có dịp gặp gỡ bạn bè, để còn có học trò mà rầy la chúng, thì giờ còn lại sẽ đọc, viết, du lịch, thăm người thân, làm những việc dang dỡ… nhưng rồi cũng chỉ đúng 2 năm thì lại tính toán, sắp xếp để vào SG khi gia đình con gái, con trai đều sống ở đó và các cháu cần đến ông bà ngoại!
Rời Diên Khánh, phải xa những bạn bè không làm nghề dạy học mà làm nhiều nghề khác nhau nhưng là những nghệ sĩ, tài hoa nhiều mặt là điều đáng tiếc,  thương một chốn đi về, chui ra chui vào hơn 15 năm, thương con chó sống với chúng tôi đã 5 năm rất trung thành, đã kề cận với vợ tôi những năm tôi vào Cam Ranh. Đi, bỏ lại nó không đành lòng nhưng đem theo thì không được, vậy là nó phải home alone, coi nhà giữ cửa, hàng xóm cho ăn, cuối tuần thì mới được ra ngoài khi cô em vợ tôi từ Nha Trang lên mở cửa và những lần chúng tôi về mừng gặp nó bao nhiêu thì khi đi lại, xót xa bấy nhiêu.
Ngay khi sắp vào sống SG, bạn bè và người thân thương mến vợ chồng tôi cũng có những ý kiến trái chiều. Người thì ủng hộ khi cho rằng tuổi này không còn bay nhảy được gì nhiều, giúp đỡ và vui với con cháu là diễm phúc, kẽ thì cho rằng đã nuôi con, cho ăn học thành tài, dựng vợ gã chồng xong thì chúng sẽ tự lo liệu, cưu mang thêm làm gì cho bận rộn mà không biết dành cho riêng mình. Chúng tôi chỉ biết cám ơn và cười vì chúng tôi có lý do của mình!
Vợ chồng dự tính chỉ ở SG vài ba năm, khi các cháu đi học thì quy cố hương, vui chơi, nhàn tản. Chưa kịp thực hiện dự tính này thì lại phải theo các cháu qua Bangkok vì con gái tôi được Công ty chuyển qua làm bên này, với một yêu cầu cao hơn trước! Hai hòn đá sù sì lại thêm một lần nữa…lăn. Hai cánh bèo lại tiếp tục dạt, sống SG thì thương nhà ở Diên Khánh, qua Bangkok lại thương thêm nhà ở Rubyland và nhớ bè bạn ở Sài Gòn. Cũng đành phải thế chứ có cách nào khác hơn.
Chiều nay, Bangkok mây phủ tối trời, mưa ồ ạt trút xuống như mấy chiều trước, vợ tôi lại nhớ và thương nhà ở Diên Khánh, tôi thì ngồi check lại tư tưởng mình để hoàn thành bài viết này và tin rằng những người cùng lứa tuổi chúng tôi (kể cả những đồng nghiệp ngoài Bắc) từ sau 1975 đến nay, ít có ai phải lăn nhiều như vợ chồng tôi, khi làm việc lăn qua nhiều nơi, dạy qua nhiều loại hình trường, ngoài đời lăn vào tiếp xúc  nhiều giới, nhiều hạng người để rồi cái nhận thức trong mình là luật doanh hư tiêu trưởng của vũ trụ, lẽ thành trụ hoại không của sự vật và kiếp người , nhìn thấy cõi nhân gian là hư ảo, và sống, nếu trãi lòng với cuộc đời thì sẽ nhận sự đền đáp thích đáng mà chúng tôi đã nhận được từ cuộc đời, đồng nghiệp, phụ huynh, học trò, người thân cũng như tất cả những ai đã từng có quan hệ.
“Những hòn đá lăn thường không có rêu”, đời sống sẽ phong phú vô cùng nhưng lăn nhiều cũng không thể không va chạm, trầy sướt. Cũng là cái giá, cũng là quy luật vậy.


hongngoc's photo
4000
  • KIM THANH
    Trầy xước rồi lại lành thui mà anh.
    Vâng, khi sống trải lòng ta nhận đc rất nhiều
    Và qua bài viết này anh cũng đã trải lòng đấy thôi.
    Chúc anh chị sk để tiếp tục lăn.
    • hongngoc
      Thành thật "Say sorry" với KT, chỉ đến khi đọc cmt trên blog DKT mới biết KT té xe để không sent email hỏi thăm. Chắc bây giờ ổn rồi? Cám ơn đã thông cảm. HN
  • miên thảo
    Dạ,chào Anh hong ngoc..miên thảo nghĩ "lăn được cứ lăn"..hi.hi..Chỉ sợ hổng có cơ hội để "lăn".,.đóa nà !Và miên thảo nghĩ..con người khó..rất khó..để làm chủ vận mệnh của mình,vì luôn có những điều bất ngờ xảy ra ngoài dự đóan của mình..Chỉ cần sống sao để khỏi phải ân hận hối tiếc.là quá "đủ" rùi nà !
    miên thảo xin chúc Anh hongngoc và Gia đình sức khỏe,bình an,thành công và may mắn..
    • hongngoc
      Rất đồng ý với miên thảo, vì suy nghĩ này có lẽ là "sợi chỉ đỏ xuyên suốt" các entry và comt của miên thảo. Cám ơn đã đọc, share và gửi lời chúc. HN
  • aqaqaqaqaq
    Thiên mệnh khó cải Sư phụ ui!
    • hongngoc
      Cũng là một cách nhìn, từ đó sẽ yên tâm hơn. Cám ơn AQ nhiều nhé. HN
  • nobita
    Cứ lăn, anh hongngoc, nếu ta còn sức để lăn!
    • hongngoc
      Cám ơn đã động viên, sẽ tiếp tục lăn đến chung cuộc!
  • Bà Tám
    Đồng ý quá, hòn đã lăn hoài rêu không bám.
    • hongngoc
      BT thích làm hòn đá lăn hay hòn đá nằm yên một chỗ? Hay là trong câu hỏi đã có câu trả lời?
    • Bà Tám
      Tùy theo lúc. Bây giờ mỏi mệt rồi nên chỉ thích ngồi yên.
    • hongngoc
      Có sớm quá chăng BT? Tiếc!
    hongngoc's photo
    4000
  • Như thị
    Được lăn đã là một hạnh phúc anh HN nhỉ?
    Chỉ buồn cho những hòn đá không có cơ hội để...lăn!
    Chúc mừng hòn đá đang được lăn tận xứ người, chúc mừng luôn hòn đá bị trầy xước, tại vì có những hòn đá hông được lăn cũng bị đạp nát...tan tành!!!
    • hongngoc
      Đúng là: "Con cá trong lờ đỏ lơ con mắt/ Con cá ở ngoài ngúc ngoắc muốn vô". Cám ơn DKT về lời chúc này. HN
  • Mùa Thu Buồn
    Mùa thu Buồn xí lụm tem quàng nha anh Honngoc ơi , em chúc Anh cuối tuần nhiều niềm vui bên gia đình và bạn bè nơi phương trời xứ lạ nha
    • hongngoc
      Hên quá, lâu nay HN bận, không viết được gì, nay mới post vài phút đã có em "mở hàng". Vui lắm và cám ơn nhiều. Chúc cuối tuần vui và bình an. HN
    • Mùa Thu Buồn
      Em mở hàng Anh Hongngoc khg sợ Ê SẮC hay sao mà mừng cười tươi thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Flags..


Flag Counter