Trường của Sóc
Khi hỏi thăm con cái, tôi được nghe người chị kể trường hợp con gái chị học ở trường Cao đẳng Quốc tế ở An Sương, ngành quản lý XNK với lời hứa bảo đảm khi thực tập sẽ giới thiệu đến một công ty XNK và sau khi hoàn thành, nhận bằng sẽ làm ở đó luôn nhưng thực tế đã không như hứa hẹn! (vì chỉ là lời hứa chứ đâu có hợp đồng hay cam kết gì?). Học phí cho trường và chi phí ăn ở hàng tháng hàng chục triệu trong ba năm nhưng bây giờ thì “tiền mất tật mang”, ra trường không có việc làm và chỉ mong có một chỗ làm với mức lương ổn định 3-4tr. Nghe chuyện, tôi nhủ thầm: lừa đảo!
Ở SG vài năm, tôi không xa lạ gì với loại trường này vì tôi đã đọc, nghe nói nhiều, đã đến vài nơi và cháu ngoại tôi đã học ít nhất ở 2 trường! Đến trường, mình choán ngợp với trang bị, trang hoàng phòng ốc và số đồ chơi dành cho em bé nhưng mặt bằng chật hẹp, tuổi mẫu giáo mà chỉ loanh quanh trong phòng máy lạnh, thi thoảng vào các phòng coi phim, nghe nhạc, chơi game và nhất là không có và không có chỗ cho cây xanh cần cho thầy và trò.
Khi cháu ngoại tôi (Sóc) 3 tuổi, vào học ở trường Việt-Mỹ-Úc Tân Phú, tôi có đến vài lần đón cháu, hỏi thăm chuyện ăn uống và vui chơi của cháu trong ngày rất lễ phép và lịch sự, hai lần khác nhau, hai cô giáo khác nhau đều trả lời rất thiếu thiện chí! Trường Ruby School thì thầy cô và viên chức đều rất nhiệt tình, tiếc là học trò đến học quá ít, không biết làm sao để tồn tại lâu dài?
Qua BKK, con gái tôi xin cho Sóc vào một trường ở ngoại ô, cách nhà khoảng 20km- Bangkok Patana School. Trên bản đồ phân bố các trường loại này do Hiệp hội các trường Quốc tế Thái Lan (ISAT) in kèm trong niên giám tôi đếm được có 70 trường, gần 50 trường trong thành phố và khoảng 20 trường ngoại ô cho 3 cấp học trong số gần 100 trường trên cả nước.
Ngày dẫn cháu đến phỏng vấn xin học, cái nhìn thấy đầu tiên cuả tôi là trong khuôn viên khoảng 100.000m2 tràn ngập cây xanh như một công viên rộng lớn nhiều hoa, chim tự nhiên, cá…chỉ trừ bãi đậu xe, sân bóng và hồ bơi, còn lại đi khắp nơi đều là bóng mát, bố trí phòng học, nhà làm việc, thư viện, hồ tắm, sân bóng, khu vui chơi… tất cả đều theo lối kiến trúc hiện đại trừ nhà làm việc của Ban Giám Đốc theo kiến trúc nhà cổ Thái.Tôi và vợ chồng con gái được phát 3 thẻ Visitor để đến các nơi cần đến trong trường, việc phỏng vấn chỉ là hỏi cha mẹ về ăn uống vui chơi của cháu còn phần lớn thời gian là giao một đống đồ chơi cho cháu …quậy, có hai cô ngồi quan sát, ghi chép và chỉ mấy ngày sau có thư báo chấp nhận và hẹn ngày cho cháu đến trường.
Cứ tưởng những ngày đầu ba cháu sẽ đưa cháu đi học, để một thằng bé 5 tuổi đến một nơi xa lạ, chỉ nói tiếng Thái hoặc tiếng Anh thật khó khăn và không đành lòng vì ba cháu nghĩ khi cháu trong lớp học, ba cháu dùng net làm việc, công việc hằng ngày nhưng cuối cùng tôi phải đưa đi vì Internet ở trường không dành cho khách. Âu cũng là dịp để…thỏa mãn tò mò.
Xe bus Toyota loại 17 chỗ bố trí chỉ còn 9 ghế dành đưa đón học sinh, một nhân viên nữ theo xe đón, đến nơi dắt cháu vào giao tận tay cô giáo, lúc về thì ngược lại, chỉ riêng việc giao nhận này đã thấy cách tổ chức chu đáo, cẩn thận và trường có đến 200 xe như thế!
Trường thành lập năm 1957, quy tụ học sinh của 50 quốc gia vì Thái Lan là nước có tỉ lệ người ngoại quốc đến ở và làm việc rất đông (tôi biết việc này khi thấy ở một hành lang có cắm cờ của 50 nước) dạy theo chương trình Anh. “Our mission is to ensure that students of different nationalities grow to their full potential as independent learners in caring British international community”là khẩu hiệu treo ở một nơi dễ thấy nhất trong trường. Tôi cũng còn thấy – khi lang thang đây đó chờ tan học – dưới một gốc cây có cắm một thánh giá màu trắng, trên thân cây treo một bảng gổ có hàng chữ sau: ANZAC-DAY 25th April “Lest we forget”. Tìm hiểu thì nơi này dành cho học sinh các nước Úc, New Zeland, Mỹ nhớ đến những quân nhân của họ đã hy sinh vì tổ quốc!
Trường Patana nhận học sinh từ nhà trẻ đến lớp 12, lớp (mẫu giáo) K2J của cháu tuần đầu học 5 buổi, từ 8g-12g, thời gian sau học đến 14g và trong 4 buổi đầu đi theo, thời gian đủ để tôi lang thang, tìm hiểu từ sân bóng đền hồ bơi, thư viện (primary và secondary library), đến phòng triển lãm, các nhà ăn và căng tin trong trường, chỉ tiếc là nhiều nơi không vào được nhưng có lẽ không cần.
Từ lâu, cứ đọc và nghe nói nền giáo dục các nước Âu Mỹ “chơi mà học, học mà chơi”, bây giờ thì “tận mục sở thị”, từ nhà trẻ đến high school, đâu cũng thấy thế, nhất là nhà trẻ và mẫu giáo thì đồ chơi (cứ gọi là) thiên hình vạn trạng, vô thiên lủng!!
Lớp K2J của Sóc có 16 học sinh, năm sáu quốc tịch, cô giáo chính người Anh có 16 năm trong nghề và 8 năm làm việc tại trường này, cô giáo phụ trách hỗ trợ tiếng Anh (EAL) người Indonesia và một cô người Thái theo thư đầu tiên cô giáo chính gửi đến phụ huynh cũng như tự giới thiệu khi gặp tôi ngày đầu.
Ngày đầu tiên Sóc đem về một quyển vở bìa đỏ (red book) kích cỡ bằng vở học bên mình, nơi cô giáo ghi chép nhận định cuối buổi và phụ huynh ghi những câu hỏi, đề nghị của mình, tôi coi đây là sổ liên lạc hàng ngày.
Cuối tuần đầu cháu lại đem về một quyển vở 30x20cm, dán hình các cô giáo, hình cháu thực hiện các công việc trong buổi học: vào lớp, cất căp, tự ghi vào bảng điểm danh, vui chơi, ăn giữa buổi… up date hàng tuần!
Ngoài ra, email gửi đến gia đình hầu như liên tục, chương trình dạy hàng tuần, những đề nghị gia đình hỗ trợ khi dạy cháu ở nhà, giới thiệu các forum trong trường, trang web của lớp, mời họp mặt phụ huynh, mời cùng dạy với các cô, mời mỗi tuần một buổi đến cùng chơi với cháu hoặc tham dự các chuyên đề về học đàn, hát, vẽ, bơi, tự kể chuyện…mà đọc hết các email này cũng đủ…chóng mặt!
Cuối tháng đầu Sóc lại đem về một quyển album bìa cứng, “My learning journey” và đề nghị gia đình comment vào hình ảnh trong album cũng như bổ sung hình cháu sinh hoạt ở nhà, đi chơi trong những ngày nghỉ. Khi biết Sóc thích chơi khủng long, các cô đến thư viện mượn sách nhi đồng về khủng long đưa cho cháu!
Quả thật, những ngày đầu vợ chồng tôi rất lo vì tính Sóc vốn kín đáo, trầm tĩnh, sợ sẽ khó thích nghi và hôi nhập với môi trường mới. Tôi phát biểu lo lắng này với cô giáo chính ngay ngày đầu, cô nói một cách tin tưởng rằng chậm nhất là đến lễ Giáng sinh này cháu sẽ hiểu được tất cả những gì các cô yêu cầu và có thể nói được chút ít. Tôi cũng chỉ nghe và biết vậy nhưng vừa rồi, trong thông báo kết quả khi cháu chuẩn bị nghỉ giữa term thì tình hình có vẻ khá hơn dự đoán và chưa đến mức độ phải yêu cầu có sự hỗ trợ của giáo viên tiếng Việt (như thông báo trong ngày đầu).
Trong 2 tháng đầu, có một sự kiện làm chúng tôi rất cảm động là, có lẻ sợ Sóc buồn, các cô đã tìm một học sinh lớp 4 người VN dẫn đến cho 2 cháu chơi với nhau và “anh” này còn đọc truyện cho Sóc nghe, cô cũng gửi email cho 2 gia đình để có thể làm quen và giúp đỡ nhau.
Cô cháu gọi tôi bằng cậu là dân Anh văn khi được tôi gửi link hình ảnh của Sóc ở trường và forward một số email của cô giáo, cháu bảo rằng : “Nhờ có Sóc mà dì biết được thế nào là trường Quốc tế!”. Đó cũng là suy nghĩ của vợ chồng tôi!
Mọi chuyện hãy còn phía trước, vẫn chưa kết luận được gì về kết quả học tập trong suốt thời gian học mẫu giáo nhưng chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng khi càng theo dõi việc làm của lớp, của trường và tiến độ của cháu.
Sẽ có người tự hỏi: nhưng học phí thì thế nào? Câu trả lời đơn giản nhất vẫn là: “Tiền nào của đó/ Của nào tiền đó” !
Khi biết về Patana School, tôi vẫn tự hỏi: Vậy thì trong nhiều năm gần đây, nhiều người VN vẫn cho rằng từ cuối thập niên 50 đến thập niên 60 thế kỷ trước, về kinh tế xã hội, Thái Lan thua xa VN trong lúc từ 1957 Bangkok đã có trường quốc tế trong khi năm này cũng là năm Miền Nam VN thành lập Viện Đại học Huế và Đại học Sài Gòn (là hai đại học đầu tiên) thì liệu chừng điều này có còn đúng?
PS: Khi tôi post entry này thì còn đúng một tuần nữa trường Patana sẽ tổ chức trọng thể "International Day" quy mô lớn mời cả phụ huynh tham dự đến tập diễu hành trong trang phục truyền thống nước mình cùng với học sinh và sẽ có cả giới thiệu về con người, đất nước của các học sinh trong trường.
miên thảo xin cám ơn Entry đã giúp cho miên thảo thêm vốn hiểu biết, tầm nhìn ngày một mở rộng thêm nà..Thân ái