26/7/15

Gặp gỡ Đông - Tây.


Một lần cách đây nhiều năm, khi công nghệ kỹ thuật số (digital) đã phát triển ở Việt Nam, một anh bạn bác sĩ nói với tôi rằng công nghệ này vốn bắt nguồn từ lý thuyết âm dương của người Tàu hàng ngàn năm trước, anh giới thiệu hẵn tên một quyển sách của một tiến sĩ Vật lý người Việt đề cập vấn đề này nhưng tiếc là tôi không còn nhớ tên sách và tác giả. Lại có một sự gặp gỡ thú vị Đông Tây cũng sau hàng ngàn năm mà tôi sẽ kể hầu các bạn sau đây.

1.Sách  Đại Học trong Tứ Thư dạy rằng con đường tiến thân của kẻ sĩ  phải tuân thủ tám bước : “Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng phần lớn sách trước đây chỉ nhắc đến bốn bước sau cùng!. Không biết có phải vì hiểu không đến nơi đến chốn (bài học mà khả năng thành công trong trị nước rất cao),  nhiều người  có tham vọng lại trở thành những chính trị gia hoạt đầu nhằm thỏa mãn những nhu cầu rất riêng tư mà quên đi đại cuộc đều không thành công với chính  bản thân họ và còn di hại cho quốc gia dân tộc.
Nhìn lại con đường họ đã đi qua, nhiều người thấy rằng họ đã theo một hành trình ngược lại: Chưa thành ý, chính tâm …mà đòi bình thiên hạ. Khi bình thiên hạ thất bại, lý do lớn nhất là đất nước không yên, quay về trị quốc cũng không được, tìm hiểu  thì thấy chính vì gia đình lộn xộn, lục đục. Lo chuyện  tề gia cũng không xong nốt vì bản thân mình không ra gì. Can đảm đối đầu thực tại, lo việc tu thân thì đã… về già!



2. Tại hầm mộ trong tầng hầm nhà thờ Wesminster  nổi tiếng ở Luân Đôn nơi an táng các vị vua nước Anh  và những nhân vật nổi tiếng như Newton, Charles  Dickens, Darwin… có một tấm bia mộ bằng đá hoa cương bình thường cả về kích thước lẫn kiểu dáng, không ghi thân thế, ngày sinh ngày mất của người quá cố nhưng khắc những dòng chữ mà  nhiều người, nhất là những nhà tư tưởng, những chính trị gia  đọc thấy đều rất xúc động. Do vậy, tấm bia mộ trở thành nổi tiếng. Đến thăm nơi này, có thể bỏ qua những nhân vật lừng danh trong lịch sử Anh quốc và thế giới nhưng không thể không đến chiêm bái ngôi mộ có tấm bia nổi tiếng và đọc những dòng chữ này:

“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.

Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.

Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.

Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:

Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, khuyến khích của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”

Người ta nói nhà cách mạng Nam Phi, ông Nelson Mandela đã từng đọc những dòng chữ ghi trên và đã vạch con đường cách mạng giải phóng dân tộc ông thành công, thoát khỏi ách đô hộ và tệ nạn phân biệt chủng tộc của người da trắng từ những gợi  ý này.
--> Read more..

7/7/15

LẠI CHUYỆN TRUYỆN TÀU.

 Sự kiện kết thúc bộ tiểu thuyết kiếm hiệp “Tầm Tần Ký” của Huỳnh Dị  là nhân vật chính Hạng Thiếu Long (đã giới thiệu trên status “Nhân đọc truyện Tàu” hồi 14.6) (1) sau khi dẹp xong âm mưu thoán ngôi của cả Lã Bất Vi lẫn Lao Ái, người được thái hậu Chu Cơ tin dùng và đối xử như tình nhân trong lốt một hoạn quan có năng lực tình dục hơn cả người  thường  vào hầu hạ, dẹp xong âm mưu chống Tần của 6 nước với việc nước Tề đầu hàng vào năm thứ 26 thời Tần Vương Chính,  hoàn thành việc phò tá Doanh Chính lên ngôi làm vua nước Tần thì … quy ẩn.
 Mẹ con Doanh Chính trước đây phải làm con tin ở nước Triệu, Hạng Thiếu Long bí mật tráo người, giúp đỡ đưa về Tần, một tay huấn luyện, đào tạo Doanh Chính (là Tiểu Bàn, con của Thục Ni) để y trở thành bị quân của nước Tần, giúp Chính vượt qua muôn vàn khó  khăn trước thù trong giặc ngoài và được Chính xem như thầy , như cha, nhưng khi Chính ngày càng lớn, Hạng Thiếu Long thấy rõ tính cách con người này, sợ rằng “công trạng hơn vua” sẽ không thể yên thân với Chính nên đã cùng bố vợ là Ô Đại Nguyên, một nhà buôn mở mục trường ở vùng thảo nguyên phía Bắc, thành lập một tiểu quốc gia để khi Doanh Chính lên ngôi thì thực hiện sở nguyện từ lâu: “Công thành thân thoái” vì Hạng Thiếu Long không thích chiến tranh và ngôi vị, một việc làm lạ lùng và một cụm từ chắc không có trong đầu óc  các nhà lãnh đạo Việt Nam  sau 1975!



Cùng về sống ở thảo nguyên phương  Bắc có vợ và một bầy thê thiếp, người hầu gồm Ô Đình Phương, Kỷ Yên Nhiên, Cầm Thanh, Triệu Chi, chị em Điền Trinh- Điền Phụng, những  chiến hữu đồng cam cộng khổ với Hạng Thiếu Long một thời gian dài như Đằng Dực và vợ , Kinh Tuấn và vợ, những người bạn nối khố sẵn sàng chết vì mình, bạn vong niên như Đồ Tiên, bạn đồng thời như Tiêu Nguyệt Đàm.
Nhiều vợ nhưng lại không có con,  Hạng nhận con của Đằng Dực -Thiện Lan làm con nuôi từ khi mới đẻ đặt tên là Hạng Bảo Nhi. Giờ đây, cậu bé “trông to khỏe  rắn chắc hơn những trẻ khác, đầu đội chiếc mão có căm lông vũ, mắt to mày rậm, trông rất có cá tính”.
Chưa đọc những nhận xét của các nhà phê bình văn học về bộ tiểu thuyết này nhưng tôi nghĩ  Huỳnh Dị rất tài giỏi khi lái các tình tiết tác phẩm đi theo ý mình, mặc vào cho nhân vật tính cách mình mong muốn dựa  vào lý do Hạng Thiếu Long là người từ thế kỷ 21 nhờ “cổ máy thời gian” quay lại thời Chiến quốc, đã đọc lịch sử, đã coi phim về Tần Thủy Hoàng nên hành xử theo lịch sử. Ví dụ khi Doanh Chính đề nghị trừ khử Lã Bất Vy, Hạng can gián vì theo  lịch sử thì Lã Bất Vy không chết do Tần Doanh Chính giết!

Một điều khác cũng cho thấy tài năng tác giả mà chỉ đến cuối truyện người đọc mới nhận ra đó là việc đứa con nuôi Hạng Bảo Nhi muốn quay về Trung Nguyên, để “ trở thành loài phi ưng trên trời cao có thể tự do bay lượn đến khắp nơi”, muốn đổi tên nên  Kỷ Yên Nhiên đề nghị tên “Ưng” còn Cầm Thanh bảo con chê tên này như cầm thú và muốn đổi thành chữ “Vũ”, Hạng giật mình vì nghĩ đến 2 chữ “Hạng Vũ”. “Đó phải chăng là Sở Bá Vương Hạng Vũ, người đã cùng tranh thiên hạ với Lưu Bang?”(2) Khi soát lại lịch sử thì việc này xãy ra khi Hạng Vũ hơn ba mươi tuổi!  Và  y nghĩ tiếp: “Một đứa con của mình là Tiểu Bàn (sau này là Doanh Chính) xây dựng nên đế quốc Đại Tần, một đứa con khác của mình là Hạng Vũ lại phá hủy đế quốc Đại Tần ấy”, một việc tưởng chừng như phi lý nhưng khả năng xãy ra trong đời thường lại rất cao và ít nhiều mang dấu ấn của tư tưởng triết Đông.
Thời Chiến quốc (476-221 TCN) trong sử Tàu là thời kỳ lịch sử loạn lạc kéo dài đến 250 năm, các nước thôn tính, chinh phạt nhau trong đó mạnh nhất là Hàn, Triệu, Ngụy, Tần, Sở, Tề, Yên nên còn gọi là thời Thất hùng (như thời Xuân Thu gọi là thời Ngũ bá). Ai đã từng đọc Đông Chu liệt quốc sẽ thấy rõ thời kỳ này. Do vậy, truyện Tầm Tần Ký của Huỳnh Dị khi hư cấu cũng dựa vào các tư liệu lịch sử nhưng rất, rất nhiều mưu mô của vua quan, mưu sĩ các nước thực hiện nhắm vào nhau, vào Hạng Thiếu Long hoàn toàn là do tác giả bịa ra. Hầu hết những mưu mô này đều hợp lý, thuyết phục là một minh chứng Huỳnh Dị là một cây bút đầy trí tuệ.

Có lẽ chính vì sức hấp dẫn của tác phẩm được viết bởi một tác giả tài hoa nên đến nay (02.7.2015), hai bộ tiểu thuyết của ông ta đều dẫn đầu về số người đọc trên Việt Nam Thư Quán với “Đại Đường Song long truyện “ là 35.881.754 và “Tầm Tần Ký “ là 22.224.659 (sau “Tru Tiên”, 29.593.312) nhưng đứng trên hai tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung là “Lộc Đĩnh Ký” và “Tiếu Ngạo Giang Hồ”. Hihi.

Chú thích:  (1)  https://www.facebook.com/quy.nguyenhoang/posts/993648550655005  (2) Hạng Tịch (項籍) (232 TCN-202 TCN), tên tự là Vũ/Võ (羽), còn gọi là Tây Sở Bá Vương (西楚霸王). Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ (Lưu Bang) đầu thời nhà Hán. (Wikipedia)   (3) http://vnthuquan.net/truyen/
--> Read more..

Flags..


Flag Counter